Vợ sinh con, chồng sinh tật

08/09/2018 - 16:00

PNO - Đã là vợ chồng thì vấn đề không ở chuyện nhịn. Nhịn được bao lâu là do bản lĩnh của người đàn ông có vượt qua được dục vọng tầm thường hay không.

Mai vừa tình cờ phát hiện ra sự phản bội của chồng trong giai đoạn mình “ở cữ”. Mối quan hệ ấy, tuy không còn dằng dưa tới hiện tại, nhưng cũng đủ khiến Mai khổ sở thất vọng. Hỏi, thì chồng Mai ngụy biện rằng “do vợ úp máng lâu quá, nên phải tìm cách giải quyết, đàn ông ăn quen chứ nhịn không quen, làm sao chịu đói kém nổi trong khoảng thời gian dài đến vậy?”.

Vo sinh con, chong sinh tat
Chồng dễ sinh tật trong giai đoạn vợ mang thai

Hoàn cảnh vợ mang thai, chồng ra ngoài bóc bánh, tệ hơn nữa là ngoại tình ngày càng phổ biến. Cánh đàn bà phẫn nộ với nỗi đau bị lừa dối mất mát. Dẫu đơn thuần là giải quyết sinh lý thì cũng không thể nào chấp nhận nổi sự chung chạ. Chưa nói nguy cơ mang bệnh về nhà cho vợ con nữa. Còn cảnh léng phéng với nhau, sau đó quen hơi bén tiếng hoặc được nàng đeo bám, nhất định không buông, ghen ngược các kiểu, thì lại càng nản toàn tập. Bản thân mình đang sinh con cho chính người đàn ông trăng hoa tầm thường ấy. Cái lý do bản năng thúc dục ấy nghe sao mà đậm tính “con” chứ chẳng thấy giống người…

Đàn ông khó có thể chay tịnh giữ mình mãi được đâu, khổ lắm, chị em cũng nên thông hiểu dùm chút đi! Khối ông mang cái sự thèm muốn đến bứt rứt, khó kiểm soát, không thể tập trung vào việc gì của mình nếu bị bỏ đói ra để bào chữa cho cái sự đi hoang của mình. 

Nhưng đã là vợ chồng thì vấn đề không ở chuyện nhịn. Nhịn được bao lâu là do bản lĩnh của người đàn ông có vượt qua được dục vọng tầm thường hay không. Chưa kể, chính các anh cũng bảo, thiếu gì cách để xử lý vấn đề này, đâu nhất thiết phải quan hệ vợ chồng tới bến trong giai đoạn ấy thì mới thỏa mãn.

Vo sinh con, chong sinh tat
Ảnh minh họa

Nhiều người lầm tưởng rằng, phải kiêng cữ hoàn toàn chuyện gần gũi vợ chồng trong suốt chín tháng mười ngày, cộng thêm ba tháng mười ngày “ra tháng” nữa. Đúng là các ông chồng sẽ chết chắc nếu áp dụng cứng nhắc, máy móc cái giáo điều ấy. Thật ra những ngày vợ cấn bầu lẫn sinh nở, ông bố cũng là đối tượng đáng thương, mang mặc cảm bị bỏ quên, ra rìa, lại không được quan tâm đúng mực về chuyện ấy. Chính sai lầm này của các bà vợ đã đôi khi vô tình đẩy chồng vào con đường sai trái, lấp liếm. Để sau đó, khắc phục hậu quả, quên đi quá khứ hướng tới tương lai lại là chuyện hết sức khó khăn, đau lòng.

Chi bằng, hiểu rõ vấn đề rồi thì cùng nhau tháo gỡ. Vợ chồng tăng cường sự âu yếm, thân thiết khi đang cùng nhau háo hức chờ đón sự chào đón của bé cưng nhà mình. Chỉ cần nắm được các nguyên tắc là có thể thoải mái giao lưu với nhau trong chừng mực được rồi. Tức là cẩn trọng, giảm bớt trong ba tháng đầu và ba tháng cuối của thai kỳ, còn lại cứ nhẹ nhàng mà “chăm sóc” nhau.

Tránh các tư thế không phù hợp. Ngoài ra, đâu nhất thiết cứ phải “tới bến” bằng cách truyền thống thì chồng mới hài lòng? Cứ thân mật, ôm ấp, dành cho nhau nụ hôn và vòng tay, luôn cận kề và sử dụng thêm vài chiêu trò hỗ trợ, thì chồng vẫn có thể hoàn toàn thỏa mãn mà không hề phải dụng công tới chuyện kia cơ mà?

Vo sinh con, chong sinh tat
Chỉ cần lưu ý chút, là niềm vui vợ chồng vẫn tròn vẹn trong giai đoạn bầu bí...

Quan trọng nhất, có lẽ chính là tinh thần “có lòng” dành cho nhau. Đừng bỏ mặc chồng để mải mê chăm chút cho con. Cũng chớ thờ ơ vô trách nhiệm với người đàn bà vất vả đang sinh và nuôi con của mình. Càng không bao giờ tạo “kẽ hở” để cho kẻ địch có cớ mà len vào mối quan hệ của ông bố bà mẹ nhé. Đấy mới là cách phòng bệnh hơn chữa bệnh đầy khôn ngoan của một gia đình thật sự…

Hải Đường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI