PNO - Một ông chồng chưa bao giờ nói yêu vợ, chỉ lặng lẽ hỗ trợ, “đẩy” vợ từ cô giáo môn thể dục thành bà tiến sĩ. Một bà vợ ra đường “oai hùng” nhưng về nhà như con mèo ngoan bên chồng.
Gia đình tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền Thanh (chị Hiền Thanh đứng rìa phải)
Có sức khỏe là có... vàng
Đại học Hoa Sen TP.HCM là đơn vị đầu tiên trong nước quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Quốc phòng trong nhà trường nhằm giúp sinh viên có điều kiện trải nghiệm, thể hiện hết những năng lực tiềm ẩn của bản thân; đẩy mạnh tinh thần khai phóng và dân chủ trong thế hệ trẻ; khẳng định khả năng, bản lĩnh để trở thành những công dân toàn cầu ngay trong môi trường học tập tại Việt Nam bên cạnh việc giáo dục theo kiểu học thuật truyền thống trước đây. Người được giao trọng trách quản lý trung tâm này trong cương vị giám đốc là tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền Thanh - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường đại học Hoa Sen.
Từ những ngày ngồi trên ghế học đường, cô bé Hiền Thanh đã có thành tích thể thao lẫy lừng khi thi đấu cấp trường, cấp quận, cấp thành phố. Những năm học cao đẳng thể dục thể thao, tên tuổi Hiền Thanh đăng quang trong nhiều giải thi đấu ba môn ném đẩy: ném tạ, ném đĩa, phóng lao. Từng là vận động viên chuyên nghiệp cấp quốc gia, nhưng chị Hiền Thanh không chỉ dừng lại ở các huy chương mà còn phấn đấu học thạc sĩ, rồi tiến sĩ…
Chị Hiền Thanh tâm sự: “Với thể thao, tôi đam mê từ nhỏ nên quyết định chọn con đường chuyên nghiệp. Càng học cao, tôi càng yêu thích và hiểu rằng thể thao không chỉ là thi đấu mà có năm chuyên ngành lớn: nếu đi dạy thì học về giáo dục thể chất; muốn quản lý ngành, học quản lý thể thao; nếu chuyên về phát triển cơ thể cho vận động viên thì theo y học thể dục thể thao; ngoài ra còn ngành huấn luyện các đội tuyển và kinh tế thể thao. Mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng và mức độ khó khác nhau”.
Nhớ lại quãng đường đã qua, chị Hiền Thanh kể: “Năm 1992, tôi về trường Marie Curie (Q.3, TP.HCM) thực tập. Cô hiệu trưởng rất ấn tượng vẻ bề ngoài của tôi: cao 1,7m; nặng 68kg, thân hình rắn chắc, khỏe mạnh. Cô giữ tôi ở lại trường giảng dạy ngay sau khi tôi tốt nghiệp vì cô nói vui: “Nhìn Hiền Thanh là thấy tràn đầy năng lượng”. Không chỉ dạy bơi ở trường phổ thông, tôi còn quản lý hồ bơi ở Nhà Văn hóa Lao động và nhận dạy kèm học viên. Rất nhiều học viên của tôi đã chống chọi được với bệnh tật nhờ thể thao, đặc biệt ở môn bơi lội. Do vậy, đôi khi tôi hụt hẫng khi thấy học sinh coi nhẹ môn giáo dục thể chất, rèn luyện cơ thể mà chỉ chuyên tâm học văn hóa. Mọi người quên rằng sức khỏe là vàng, có sức khỏe là có tất cả và rèn luyện thể thao là một quá trình kéo dài suốt đời, không ngơi nghỉ.
Để thay đổi quan điểm “thể dục cần gì phải học cao”, tôi đã hoạch định lộ trình học tập của mình. Đầu tiên tôi xin ban giám hiệu đi học thạc sĩ ba năm. Lúc tôi trình bày với lãnh đạo nhà trường về khát vọng vươn lên để vượt khỏi thành kiến, để được khẳng định mình, thay đổi cách nhìn lệch lạc của xã hội về môn giáo dục thể chất, tôi được sự động viên rất lớn từ nhà trường. Dù đi học nhưng tôi vẫn đảm bảo đứng lớp 14 tiết/tuần, khi trùng giờ thì nhà trường hỗ trợ phân công giáo viên khác dạy giúp. Sau khi học xong thạc sĩ, tôi quyết định học trở thành tiến sĩ thêm bốn năm nữa và hiện được rất nhiều nơi “săn đón”.
Vợ chồng chị Hiền Thanh và các con
“Vợ muốn thành phó giáo sư, chồng ơi!"
Người ta thường nói, đằng sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng của người phụ nữ, với chị Hiền Thanh thì: “Thành công của tôi hôm nay là do sự hỗ trợ rất lớn của chồng. Ông xã là bệ phóng cực kỳ vững chắc để tôi nương tựa”.
Năm 1989, Hiền Thanh và anh Vũ Văn Trung cùng vào trường cao đẳng thể dục thể thao. Là con gái “quý hiếm” ở trường, lại “nổi như cồn” bởi thành tích thi đấu chuyên nghiệp, chị Hiền Thanh được nhiều “vệ tinh” vây quanh. Thế nhưng, trái tim cô gái năng động lại hướng về chàng trai hiền lành, cục mịch, kiệm lời Vũ Văn Trung khi anh cứ lầm lũi theo cô.
Ngay từ thời sinh viên, “người bạn cùng đường” này đã làm “xe ôm” đưa Hiền Thanh đi lại. Dù tính cách hai người hoàn toàn khác nhau, nhưng những cử chỉ chăm sóc tế nhị như “Thanh muốn cái gì Trung cũng sẽ làm hết cho Thanh”. Sự chia sẻ, thậm chí chịu đựng của anh đã “cưa đổ” trái tim cô gái. Sau tám năm quen biết, từ tình bạn keo sơn, hai người đã chuyển sang tình yêu, là mối tình đầu của nhau và chính thức về chung một nhà năm 1996.
Nói về ông xã, chị Hiền Thanh rất đỗi biết ơn: “Không chỉ yêu thương, anh còn chấp nhận “lùi lại” để vợ vươn lên, với phương châm “Nếu ai có cơ hội thì ưu tiên đi trước”. Không dừng ở bằng tiến sĩ, vợ muốn học thêm để làm phó giáo sư, anh vẫn ủng hộ và động viên tôi bước tiếp”.
Anh Trung là chuyên viên giáo dục thể chất ở Phòng Giáo dục Q.1 và giảng dạy ở Trường THCS Đồng Khởi. Anh luôn nghiên cứu tin học để có thể hỗ trợ chị. Giúp vợ tập trung vào việc học, anh chăm lo, đưa đón hai con gái chu đáo suốt thời con còn bé. Bên cạnh đó, chị Hiền Thanh còn được gia đình chồng ủng hộ và động viên.
Chị Thanh bên hai cô con gái cưng
Trao đổi về cách “giữ lửa” hạnh phúc gia đình, chị Hiền Thanh tâm sự: “Mặc dù ra ngoài, bước đến đâu, mình “tỏa sáng” đến đó, nhưng khi về nhà, mình vào đúng vai trò người vợ, người mẹ mẫu mực. Cả ngày, gia đình tôi đã như đàn chim tung cánh đi tìm mồi thì chiều về, tôi luôn giữ ấm căn bếp bằng một buổi tối “cơm dẻo canh nóng”, mọi thành viên quây quần bên nhau chia sẻ công việc, cách đối nhân xử thế trong đời thường để rút kinh nghiệm. Giỗ chạp trong gia đình, tôi là người “đứng bếp”.
Chồng vừa là bạn tri kỷ, vừa là người “đầu ấp tay gối” nên chị rất nể trọng, chưa từng xúc phạm, chưa bao giờ to tiếng suốt hai mươi mấy năm qua. Lắm lúc, những người bạn thân quen đến nhà chơi hoặc đi du lịch cùng gia đình anh chị đã ngạc nhiên: “Trời, bà Hiền Thanh ra ngoài hùng hổ bao nhiêu thì về nhà mềm mỏng, nhu mì bấy nhiêu”.
Dù vẻ ngoài năng động, ăn mặc phá cách, nhưng chị lại là người mềm mỏng, tình cảm nhẹ nhàng, dễ xúc động, đôi khi mộng mơ. Cũng có lúc bị cám dỗ, lôi cuốn từ những người đàn ông lịch thiệp, tài năng, hào hoa, nhưng chị “điều chỉnh” ngay, luôn trở về quỹ đạo của mình vì rất tôn trọng chồng - người đàn ông tử tế, luôn biết nghĩ về gia đình.
VỢ CHỒNG KHÔNG NÊN CƯỠNG BỨC NHAU
* Nhìn chị và ông xã có vẻ như hai thái cực, vậy bí quyết nào giúp hai người hòa hợp bên nhau ngần ấy năm?
Chị Nguyễn Thị Hiền Thanh: Vợ chồng tôi rất khác biệt, từ tính cách, sở thích, ăn uống… Ngay từ lúc yêu nhau, chúng tôi đã thỏa thuận: Ai thích gì thì làm đó, không nên “cưỡng bức” nhau. Tôi nghĩ không thể thay đổi bản tính một con người vì cố gắng “giống nhau” kiểu gì cũng là giả tạo. Quan trọng là không được xúc phạm nhau.
Chị Hiền Thanh biết ơn người chồng luôn kiệm lời nhưng sẵn sàng hỗ trợ vợ
* Vậy khi có xung đột, ai là người làm lành trước?
- Giận hờn thì có, nhưng chúng tôi không để xảy ra xung đột. Chồng tôi luôn là người giảng hòa đầu tiên, dù bản tính anh rất ít nói.
* Nếu được chọn lại một lần nữa…
- Tôi vẫn chọn ông xã mình, dù chưa một lần anh ấy nói ba chữ “Anh yêu em”. Ở với nhau từng ấy năm, anh ấy cũng chưa từng mua quà tặng vợ hay nói những câu lãng mạn, nịnh vợ. Nhưng tôi thấy cuộc đời quá may mắn khi có anh - người đàn ông giản dị, chân chất, tôn trọng, yêu thương, chịu đựng tôi. Từ lúc quen nhau đến giờ đã mấy chục năm, anh vẫn giữ thói quen ngày nào cũng đưa đón tôi đến trường, hoặc bất kỳ nơi nào tôi phải đến. Anh ấy cũng chưa từng làm lỗi gì để tôi phải giận.
* Điều gì khiến chị áy náy nhất trong cuộc sống gia đình?
- Đôi lúc tôi chưa trọn vẹn chăm sóc chồng con. Tôi từng rơi nước mắt khi con gái nói: “Con đăng ký tên mẹ, mẹ ráng đi họp phụ huynh cho con nhe”. Nhưng bù lại, tôi luôn mang lửa ấm áp và những điều tốt nhất về gia đình. Hai con gái tôi đã 24 và 20 tuổi, đều có công việc ổn định, học hành giỏi giang và luôn mong muốn học cao như mẹ.
Tiền bạc, bằng cấp, vị trí xã hội với tôi không thể quan trọng bằng gia đình. Để giữ hạnh phúc gia đình và cân bằng được cuộc sống thì điều vợ chồng tôi luôn tuân thủ là “Tôn trọng sự khác biệt của mỗi người”.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.