Kính gửi chị Hạnh Dung,
Tôi có cảm giác hiện nay nhiều phụ nữ đã đi quá xa trên con đường đấu tranh đòi bình đẳng mà không thực sự hiểu về bình đẳng, và tôi là một nạn nhân của việc đó.
Tôi hơn vợ hai tuổi, vợ chồng làm chung cơ quan, có với nhau hai đứa con nay đã trưởng thành. Mọi chuyện yên ổn cho tới khi vợ tôi về hưu, đi sinh hoạt với nhóm các bà ở khu phố.
Tôi biết nhóm này. Hễ rảnh rỗi chuyện con cái gia đình, họ rủ nhau hết tập thể dục rồi lại đi chùa, đi từ thiện, đi du lịch chỗ này chỗ khác và… nói xấu chồng con.
Vợ tôi tham gia được vài tháng thì bắt đầu thở ra hơi bình đẳng. Bà ấy cho rằng vì cả thời tuổi trẻ bà đã hy sinh cho chồng con, nên bây giờ bà phải sống cho mình (làm như bấy lâu nay tôi không hy sinh cho vợ con?).
Vợ tôi theo hội chị em đi làm đẹp (chỉnh sửa chỗ này chỗ kia, chăm da…), liên tục mua sắm (quần áo, giày dép, trang sức, mỹ phẩm…). Việc nhà chỉ có hai bữa cơm trưa và tối, nhưng nhiều hôm vợ tôi nói tôi cứ mua cơm hộp về ăn.
Tôi góp ý thì vợ tôi nói tôi gia trưởng, áp bức bà ấy cả đời rồi. Bao nhiêu chuyện trong mấy chục năm vợ chồng, đã sống với nhau êm đẹp, nay vợ tôi cứ lôi ra, kể lại để dằn hắt là tôi hành xử bất bình đẳng, khiến bà ấy thiệt thòi.
Tôi không muốn đôi co với vợ, nhưng phải làm sao nếu vợ tôi cứ quyết liệt đòi bình đẳng theo cách này? Bình đẳng đâu không thấy, chỉ thấy nhà cửa cứ lộn xộn hết.
Vũ Mạnh Tín (TP.HCM)
|
Ảnh minh họa |
Anh Mạnh Tín thân mến,
Đúng là nhiều chị em hơi quá đà khi nói đến chuyện bình đẳng. Đôi khi, chị em cứ nghĩ bình đẳng giới chỉ là chuyện… đưa phụ nữ lên cho ngang bằng với nam giới, quên rằng mục tiêu bình đẳng giới là cả hai giới đều phải được quan tâm, tôn trọng, chia sẻ, giải tỏa áp lực. Thật may anh đã nhận ra điều này.
Thay vì đôi co xem ai bình đẳng hơn ai, hay chỉ trích rằng chị em hiểu ngắn hiểu cạn, anh hãy giúp chị hiểu, như vậy sẽ giải quyết được nhiều việc, và kết quả lâu bền hơn.
Anh và chị có thuận lợi là cả hai đều đã về hưu, con cái trưởng thành, anh chị đều có nhiều thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên, anh đã thấy hậu quả khi chỉ có một mình chị tham gia hội nhóm và thay đổi nhận thức về bình đẳng. Anh quyết định đứng ngoài có lẽ cũng vì ít nhiều định kiến.
Anh có thể bỏ qua định kiến, bắt đầu tham gia các hội nhóm này cùng chị được không? Thể dục, mua sắm, chăm sóc sức khỏe hay chỉ là chuyện trò vui vẻ với nhau, nếu có anh tham gia, câu chuyện sẽ cân bằng hơn.
Anh cũng có thể góp ý kiến của mình với câu chuyện của nhóm, hiểu vợ mình đang bị tác động bởi ai, bởi điều gì, từ đó chủ động điều chỉnh.
Nếu chị không kịp nấu cơm, cả hai vợ chồng cùng đi ăn cơm bên ngoài, vẫn vui. Có anh bên cạnh, chị sẽ cảm nhận được sự “bình đẳng” một cách thiết thực. Hai người cũng sẽ có chung chủ đề trò chuyện, trao đổi, dễ dàng hơn để anh giúp vợ có cái nhìn đúng đắn về bình đẳng.
Nhiều chị em do bị đối xử bất công suốt một thời gian dài, khi có điều kiện, họ có thể nói năng, hành xử hơi “quá khích”. Phụ nữ cũng thường dễ bị nhầm lẫn giữa việc đấu tranh cho bình đẳng giới với việc kêu gọi, đòi lợi ích riêng cho chính bản thân mình. Phụ nữ cũng hay “vận vào mình”, hiểu từ trải nghiệm của bản thân. Anh có thể giúp vợ nhận ra và thay đổi từ chính những trải nghiệm này.
Anh cứ thể hiện tình yêu thương, bền bỉ đồng hành với vợ, chị ấy sẽ hiểu và điều chỉnh được. Chúc anh thành công.
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Huyền Bùi (H.Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh): Anh hãy để cho vợ thoải mái một chút
Quả thực, phần đông phụ nữ dành phần lớn thời gian của họ cho gia đình, con cái. Thế nên khi bắt gặp ai đó giúp mình mở mang, cho mình những tư duy mới về yêu bản thân, một số người cảm thấy đã đến lúc phải thay đổi. Vợ anh cũng vậy.
Như nhiều phụ nữ khác, tôi luôn cảm thấy mình sống không đúng với kỳ vọng cuộc đời của mình. Suốt thời son trẻ, tôi và nhiều chị em cứ tất bật lo toan: chăm con, đưa đón con, cơm nước cho cả nhà, chăm sóc mẹ cha… Mọi thứ bóp nghẹt chúng tôi trong muôn vàn định nghĩa khắt khe. Vậy nên đến tuổi thong thả, chúng tôi muốn được sống theo ý mình. Nói bình đẳng nghe thật to tát, chứ thực ra là chúng tôi chỉ muốn… không tất bật nữa.
Hiện tại, những gì vợ anh làm cho bản thân có lẽ không giống với những gì anh đã quá quen thuộc. Thực ra, đó cũng là những điều chị chưa từng làm cho mình. Nay, chị làm và thấy vui. Tôi nghĩ để đi đến quyết định làm mới bản thân, có lẽ chị đã suy nghĩ thật nhiều. Nhìn thấy hình ảnh mới hơn của mình, có lẽ chị cũng vui. Anh nên ủng hộ chị dù anh không thực sự ưng ý.
Tuy vậy, anh cũng cần tìm thời điểm phân tích thiệt hơn để chị thấy đâu là giới hạn. Thỉnh thoảng ăn cơm hộp, mì gói cũng không sao. Ai rồi cũng có thời điểm thấy việc nấu nướng như một gánh nặng. Vợ chồng đã cùng nhau đi qua những hỉ nộ của cuộc sống hôn nhân thì cũng nên vì nhau một chút, anh nhỉ?
Trần Hà (Q.7, TP.HCM): Chỉ cần mỗi người điều chỉnh một chút
Chị có lẽ cũng như hầu hết bạn bè trong nhóm của chị, đang hiểu hơi lệch về định nghĩa “bình đẳng” hoặc họ cố mượn từ bình đẳng để sống theo cách mình muốn. Việc của chị là cần hiểu đúng nghĩa của khái niệm bình đẳng.
Bình đẳng theo cách chị đang nghĩ đơn thuần là việc sống vì bản thân. Giá như chị biết cân đối hơn giữa việc vui chơi hội nhóm bạn bè với gia đình có lẽ đã không khiến anh khó chịu như thế.
Nên trong chuyện này, anh có thể giúp vợ bằng cách bày tỏ chính kiến, hỏi xem chị quan niệm thế nào là bình đẳng, rằng nếu bây giờ anh cũng muốn “bình đẳng” y như chị hiện tại, cũng vui chơi thay đổi nhân danh những ngày hưu, liệu chị có cảm thấy dễ chịu không.
Vợ chồng đã sống với nhau suốt mấy chục năm nên chắc ít nhiều anh cũng hiểu tính chị, biết lúc nào cương/nhu với chị để ra vấn đề. Nhiều người cứ nghĩ rằng làm tất cả những điều mình chưa từng làm là sống vì mình. Hệ lụy của những tuyên ngôn sai lệch thực sự ảnh hưởng không nhỏ đến các gia đình.
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn