Tôi lập gia đình gần 4 năm và có một cô con gái lên 3 tuổi. Vì là bộ đội đóng quân ở vùng núi, ít có cơ hội làm quen với bạn gái nên tình duyên đến với tôi khá muộn. Năm 35 tuổi, tôi mới gặp được vợ tôi bây giờ trong một lần về chơi nhà anh bạn cùng đơn vị. Chúng tôi yêu nhau được gần hai năm thì làm đám cưới. Vợ tôi không xinh xắn, dáng người hơi thấp nhưng bù lại rất năng động giỏi giang.
|
Tôi lấy một người vợ rất năng động. Ảnh minh họa |
Lúc mới ra trường, cô ấy làm cho một công ty liên doanh ở gần nhà sau đó nghỉ việc để đi học cao học. Khi chúng tôi cưới xong, vợ xin việc ở một công ty khác cách nhà ngoại khá xa nhưng bù lại lương bổng khá cao. Gia đình tôi ở tỉnh xa nên sau khi cưới, vợ tôi chỉ làm dâu ba ngày rồi trở lại nhà ngoại còn tôi về đơn vị.
Vợ khéo vun vén nên khoảng một năm sau đó, chúng tôi đã mua được đất xây nhà. Tôi đi xa không đỡ đần được nhiều cho vợ, một mình cô ấy quán xuyến việc xây nhà dù đang có thai. Trong thâm tâm, tôi luôn biết ơn sự hy sinh của cô ấy cho gia đình nên bao nhiêu lương bổng, tôi đều chuyển thẳng về tài khoản cho vợ.
Tính ra, đến nay, lương tôi khoảng 8 triệu đồng một tháng còn vợ hơn 20 triệu đồng chưa kể tiền làm thêm. Với mức thu nhập đó ở vùng tỉnh lẻ thì đã quá dư dả, thậm chí được gọi là “giàu”. Nhưng mới đây, mẹ tôi gọi điện than phiền mấy gói trà hôm vợ chồng về thăm quê biếu chú bác đều đã hết hạn làm mẹ muối mặt với bà con họ hàng.
Tôi không để ý lắm vì chuyện lo quà cáp mỗi lần về quê đều do vợ tôi đảm nhận. Tôi còn khen vợ tỉ mỉ chu đáo vì biết cách cư xử, từ nhỏ đến lớn ai cũng có quà khi chúng tôi về thăm. Nghe mẹ phàn nàn thế thì tôi nhận lỗi về mình nhưng trong lòng có chút lấn cấn. Vợ tôi làm kinh doanh, rất sành sỏi trong mua sắm lại có thể bị lừa mua hàng hết hạn là điều khá vô lý.
|
Vợ chồng tôi luôn quà cáp cho bố mẹ hai bên. Ảnh minh họa |
Tuần sau đó, tôi được nghỉ phép nhưng không về nhà mà đi thẳng về quê thăm ba mẹ. Lần này, tôi không mua quà mà biếu ba mẹ tiền để bồi dưỡng. Lúc ấy ba tôi bảo: “thế này còn dùng được chứ mấy thứ chúng mày mua về biếu toàn của bỏ đi thôi”.
Tôi ngạc nhiên thì cô em gái tiếp lời: “mấy bộ áo quần chị dâu mua cho mấy bác, mấy dì toàn đồ “bành”, người ta dùng lau chân chứ đâu có mặc”. Mẹ tôi lắc đầu: “hôm trước, mẹ có điện nói với vợ con rồi đó, mua quà thì mua cho đàng hoàng không mua thì đâu có ai trách. Ở nông thôn bây giờ, người ta cũng tân tiến lắm chứ đâu dễ bị lừa mà mua hàng thải về cho”.
Nhìn tôi có vẻ không tin, mẹ đưa ra mấy thứ vợ tôi mua về biếu, nhìn chẳng ra thể thống gì, áo thun bán xổ chưa mặc đã rách, trà bánh thì hết hạn, giày dép, mũ nón cho cháu toàn lại cũ. Thậm chí, mẹ còn đưa cho tôi xem hộp bánh có bề ngoài rất sang trọng của một loại bánh đắt tiền nhưng bên trong thì toàn bánh rẻ tiền làm tôi không thể tin nổi.
Tôi biết mẹ mình không bịa chuyện nói xấu vợ mà vì việc cứ lặp đi lặp lại nên bà mới lên tiếng. Tôi nhớ lại, trước khi về quê, vợ tôi thường mua sắm rất nhiều rồi tự tay gói ghém cả đêm. Dù tôi không hỏi nhưng cô ấy thường kêu ca, mỗi lần về quê tiền quà cáp đã hơn chục triệu nhưng giờ nhẩm tính mấy thứ vợ mua chưa đến 1 triệu.
Đôi lần, tôi bảo cô ấy biếu bố mẹ tiền cho tiện, vài tháng mới về một lần nên ông bà muốn mua gì thì mua nhưng vợ trách tôi không hiểu tâm lý người già, chỉ thích quà cáp. Tôi để ý, về quê đi chợ, vợ rất dè sẻn trái ngược lại khi ở nhà ngoại, mua toàn của ngon vật lạ. Thường vợ chỉ mua rau với dăm ba lạng cá gọi là có, mẹ tôi phải mua thêm hoặc bắt gà làm thịt để đãi con cháu.
So với anh em trong nhà, vợ chồng tôi thuộc loại khá giả nhất, vậy mà, cách cư xử của vợ làm tôi rất mất mặt. Tết vừa rồi, vợ bảo lì xì mỗi đứa cháu 100 ngàn đồng nhưng vô tình, đứa cháu nhỏ bóc phong bao ngay trước mặt tôi thì chỉ có 10 ngàn đồng. Tôi nhắc thì vợ giải thích mình bỏ nhầm nhưng giờ ngẫm lại, không biết cô ấy có nói thật hay không.
|
Vợ chồng vì chuyện quà cáp cho cha mẹ mà gây nhau hoài. Ảnh minh họa |
Tôi định nói với vợ nhưng nghĩ lại, sẽ khiến vợ chồng mâu thuẩn. Trong khi mỗi lần đi công tác, tôi luôn công bằng giữa hai bên, ông bà nội có gì thì ông bà nội có cái đó. Còn vợ, trong chuyến đi Hàn Quốc mới đây, về biếu ba mẹ đẻ củ sâm mấy chục triệu còn ba mẹ chồng một gói kẹo sâm, tôi thắc mắc thì cô ấy bảo: “cái gì cũng là sâm cả chứ có hơn thua gì nhau đâu mà anh ý kiến” khiến tôi đắng miệng.
Tôi tính, giờ đây, thu nhập hàng tháng tôi sẽ giữ lại một ít để chi tiêu và lo cho ba mẹ. Còn khi về quê, tôi sẽ tự tay mua quà cho mọi người chứ không để vợ phải lo nữa. Bởi khi vợ đã keo kiệt với nhà chồng như vậy thì khó có thể thay đổi được tình hình.
Hoàng Hải