Trẻ được nuông chiều sẽ vô ơn

Vô ơn ở trẻ - câu chuyện của thế giới 4.0

08/12/2021 - 06:00

PNO - Cuộc sống ngày càng phát triển kéo theo biết bao hệ lụy ở góc độ xã hội lẫn gia đình, trong đó có sự thờ ơ, có những nhạt nhẽo trong các mối quan hệ, có những đứa trẻ lớn lên chỉ biết đòi hỏi và yêu cầu được phục vụ. Ở đó, đôi khi chúng ta cũng quên cách dạy trẻ học làm người trước khi bước chân vào danh vọng, thành công.

 

Dưới đây là những trao đổi giữa Báo Phụ nữ Chủ nhật với tiến sĩ Lê Nguyên Phương - giảng viên chương trình cao học bộ môn Tâm lý học đường, Đại học Chapman - tác giả bộ sách Dạy con trong hoang mang.

 

Không thể và không nên đánh giá một người là “thiếu chiều sâu”

Phóng viên: Thưa tiến sĩ, nhiều người cho rằng trong cuộc sống, ngày càng có nhiều đứa trẻ “rỗng” - hiểu nôm na là thiếu chiều sâu. Dưới góc độ một chuyên gia về giáo dục tâm lý trẻ, ông có đồng tình?

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương: Thật ra, trong tâm lý học nói chung và tâm lý học nhi đồng hay tâm lý học đường không có khái niệm nào như thế. Ngay cả khái niệm “thiếu chiều sâu” cũng không thể định tính lẫn định lượng. Một đứa trẻ có thể có trí thông minh (IQ) thấp nhưng vẫn có thể sở hữu trí thông minh cảm xúc (EQ) cao, đó là nói về biểu hiện trên công cụ đo lường đã được chuẩn hóa. Hay khi nói về cá tính, nếu chúng ta dùng mô hình “5 cá tính chính” (Big Five) gồm: cởi mở, có lương tâm, hướng ngoại, thân thiện và nhạy cảm cũng không thể nói một đứa trẻ hướng ngoại thì không sâu sắc bằng trẻ hướng nội hay trẻ nhạy cảm thì sâu sắc hơn trẻ tự tin. Mỗi con người còn nhiều chiều kích khác nhau và quả thực chúng ta không nên đánh giá một người là thiếu chiều sâu. 

* Người ta vẫn thường nói “con cái là nạn nhân của cha mẹ”. Dưới góc nhìn của ông, thực tế có đúng như thế?

- Mỗi người trong môi trường sinh học - sinh thái của mình gồm các hệ sinh học cá nhân, hệ vi mô, hệ giao hội, hệ ngoại vi, hệ vĩ mô và hệ thời gian, như nhà tâm lý học Urie Bronfenbrenner đã mô tả, đều là “tác nhân” lẫn “thụ nhân” của muôn vàn tương tác và giao thoa. Đó như là lưới trời của Đế Thích, trong mỗi hạt châu có phản chiếu hình ảnh của muôn vàn hạt châu khác. Câu “con cái là nạn nhân của cha mẹ” nếu nói trong một tình huống cụ thể ở một gia đình mà cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng lẫn tình thương yêu dẫn tới sự phá hủy tính cách và tâm hồn của một đứa trẻ thì có thể đúng còn nếu dùng chung chung thì vô nghĩa. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Vô ơn không phải là cá tính 

* Càng phát triển, chúng ta lại càng dễ nhìn thấy quanh mình những con người vô ơn, vô cảm… Theo ông, gia đình ở đâu trong câu chuyện vô ơn của những đứa trẻ?

- Tôi sẽ không gọi “vô cảm, vô ơn” là cá tính mà chỉ gọi nó là thái độ và thái độ này có thể chỉ biểu hiện trong một số tình huống hay đối với một số người cụ thể. Đúng là xung quanh chúng ta có những con người có thái độ vô ơn, vô cảm. Một số nhà hoạt động xã hội cho rằng, ít nhất một số yếu tố xã hội là tác nhân hình thành nên thái độ này. Tôi không gọi những nhà hoạt động xã hội là nhà nghiên cứu và tôi cũng không cho rằng việc “nhận diện” của họ là “đổ lỗi”.

Chúng ta đều biết, tương tác trong gia đình là sự tác động gần gũi nhất giữa các thành viên trong gia đình. Vì thế, các kiểu hay nếp hành vi trong gia đình cũng đồng dạng với các quan hệ nói chung của một cá thể, chẳng hạn như vai trò gia đình, quyền lực, mối liên kết và sự gắn kết. Nếu một người có thái độ vô cảm, vô ơn, chúng ta có thể phát hiện một vài yếu tố trong gia đình họ là tác nhân cho thái độ đó.

* Vậy theo ông, tại sao lại có những đứa trẻ vô ơn? 

- Chúng ta thấy những đứa trẻ có thái độ vô ơn trong một tình huống nào đó vì sự ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của những mối quan hệ và kiểu mẫu vô ơn trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Trong tâm lý học, chúng ta có thể gọi chung đó là quan hệ xã hội để đối lập với các yếu tố nội tại như nhận thức, cảm xúc hay đạo đức. Dĩ nhiên chúng ta cũng không thể phủ nhận ý chí tự do của một con người. Chúng ta vẫn có thể đánh thức họ để họ thấy họ thực sự đang làm chủ chính mình và vì vậy có thể chuyển hóa chính mình. Đó là vai trò của giáo dục. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

* Trong xã hội vẫn hay xảy ra những câu chuyện về sự bất hiếu của con cái đối với cha mẹ. Có vẻ những đứa trẻ càng được nuông chiều càng vô ơn. Điều này có được suy xét dưới góc nhìn tâm lý không?

- Có một số nghiên cứu của David J.Bredehoft và đồng sự cho thấy những đứa trẻ vui vẻ và biết ơn là những trẻ không được cha mẹ nuông chiều quá mức và ngược lại. Các nghiên cứu trên cho thấy tương quan giữa hai biến số này khá quan trọng. Thông thường, hành vi nuông chiều của cha mẹ thường xuất phát từ những trải nghiệm quá khứ như lớn lên trong nghèo đói hay tình huống hiện tại, chẳng hạn như nỗi mặc cảm không chăm sóc con chu đáo vì phải đi làm hay vắng mặt quá nhiều. Khái niệm nuông chiều cũng phức tạp. Nó liên quan đến quá nhiều thứ: quần áo, đồ chơi, giải trí; các cấu trúc mềm không có quy tắc hay quy tắc không ép buộc; sự chăm sóc quá mức như quá chú ý, làm thay cho trẻ những việc trẻ phải tự làm…

Hãy nuôi dạy con bằng trí tuệ

* Có một tác giả viết rằng: “Cách thể hiện sự giàu có trong gia đình tốt nhất là nuôi dạy một đứa trẻ biết ơn. Và cách tiên tiến nhất để một người thể hiện sự giàu có của mình là trở thành một người biết ơn”. Giữa cuộc sống như chúng ta hiện tại, ông có lời khuyên nào dành cho các bậc cha mẹ?

- Lòng biết ơn, cảm tạ cuộc đời chân thực chỉ có thể xuất phát từ trí tuệ thấy rõ chúng ta không là “cái rốn của vũ trụ” mà chỉ là sản phẩm của sự giao thoa giữa muôn vàn yếu tố và chúng ta nhận ra sự thật rất nhiều thứ không chỉ từ con người mà còn từ thiên nhiên. Vì vậy, nếu có lời đề nghị thì tôi xin phép được đề nghị các bậc cha mẹ hãy nuôi dạy con bằng trí tuệ để trẻ trở thành những con người có trí tuệ. 

Cha mẹ hãy nuôi dạy con bằng trí tuệ để trẻ trở thành những con người có trí tuệ - ẢNH: INTERNET
Cha mẹ hãy nuôi dạy con bằng trí tuệ để trẻ trở thành những con người có trí tuệ - ẢNH: SHUTTERSTOCK

 

* Nếu trong sự trưởng thành của con cái, được - mất là do cách nuôi dạy của cha mẹ, vậy thực sự chúng ta có đang quá hoang mang khi dạy con - như một đầu sách của ông từng viết?

- Việc nuôi dạy con cái không thể nói là được - mất hoàn toàn. Khi nghĩ như thế, chúng ta đã từ chối trách nhiệm giáo dục của mình đối với con cái. Đó phải là hành trình suốt đời, trách nhiệm phần lớn là của chúng ta nhưng cũng còn những yếu tố khác. Đừng vội tự trách chính mình khi không hài lòng về con hay chỉ tay đổ lỗi cha mẹ một đứa trẻ có thái độ vô ơn. Hoang mang là cần thiết vì nó xuất phát từ thái độ lẫn hành động tra vấn về những gì lâu nay chúng ta tưởng là chân lý. Bởi vậy, cũng có thể nói hoang mang là tiền đề của trí tuệ.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ. 

Đoàn Tâm (thực hiện)

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương nhận bằng thạc sĩ tâm lý giáo dục và chứng chỉ hành nghề tâm lý học đường tại Đại học California State Long Beach (CSULB) và bằng tiến sĩ lãnh đạo giáo dục chuyên ngành Tâm lý giáo dục tại University of Southern California (USC). Ông cũng đã hoàn tất chứng chỉ thực hành điều trị tâm lý bằng liệu pháp chánh niệm nhận thức (Mindfulness-Based Cognitive Therapy) và chứng chỉ cao cấp liệu pháp thân nghiệm (Somatic Experiencing). Ông là chuyên gia tâm lý học đường của Học khu Long Beach và giảng viên chương trình cao học bộ môn Tâm lý học đường tại Đại học Chapman, đồng thời là tác giả bộ sách gối đầu giường của nhiều phụ huynh: Dạy con trong hoang mang. 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI