Vợ nuôi con theo khoa học?

18/06/2024 - 20:41

PNO - Điều quan trọng là anh chị nên cùng tìm hiểu những nguồn tài liệu đáng tin cậy và khoa học để có thể cùng đọc, chia sẻ và thống nhất với nhau.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Vợ chồng tôi vừa sinh cháu đầu lòng. Nghe nói khi dạy con, vợ chồng dễ mâu thuẫn, bất đồng quan điểm. Nhưng tôi thấy mới sinh con, mà vợ chồng tôi đã cãi nhau suốt ngày vì chuyện nuôi con.

Con còn trong tháng, tôi nghĩ rằng nên ẵm bồng cháu thường xuyên, để cháu cảm nhận được hơi ấm của bố mẹ, thấy an toàn và được bình ổn. Thế nhưng vợ tôi thì sắm ngay cái cũi, quăng con vào đó và bảo rằng cho nó ngủ riêng để học tính độc lập sớm.

Nhìn thằng bé nhiều khi khóc gào đến tím tái cả người, mà vợ vẫn thản nhiên ngồi lướt điện thoại, tôi gần như phát khùng. Mà chỉ cần muốn bế con, thì cô ấy đã hét lên rằng, nếu tập con thói quen ẵm bồng, thì sau này tự bế con chứ cô ấy sẽ không làm.

Con mới ra tháng, vợ đã bồng đi cà phê với bạn bè, còn nói con nhà lao động ngủ ngoài bậc thềm, lều rách mà lớn lên chắc nịch thì sao?

Nhưng mâu thuẫn lớn nhất của tôi với vợ là cô ấy sợ hỏng bộ ngực, không chịu cho con bú. Giờ này mà cô ấy chỉ chăm chăm giảm cân, ăn kiêng, để mau chóng lấy lại vóc dáng trước khi đi làm.

Tôi nói ở nhà hết thời gian được nghỉ thai sản để chăm con cho cứng cáp, nhưng cô ấy nói cảm thấy đầu óc mình mụ mị đi khi quanh quẩn với bỉm sữa...

Con mới 3 tháng nên chưa thể có cách nào giải quyết quan hệ vợ chồng. Tôi nghe nói nếu bị phản đối, áp lực, thì sản phụ sẽ bị trầm cảm nên tôi không dám động vào cô ấy. Nhưng tôi thật sự rất căng thẳng và cảm thấy mình chọn sai mẹ cho con. Tôi rất xót con và lo cho con, chị Hạnh Dung có cách nào giúp tôi không ạ?

Thanh Hùng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Anh Thanh Hùng thân mến,

Những mâu thuẫn của vợ chồng trẻ khi nuôi con nhỏ cũng là điều bình thường, không phải chuyện hiếm hoi trong đời sống hôn nhân anh ạ. Đứa con với họ, vừa là một điều vô cùng quý giá, quan trọng, vừa là trung tâm để chăm sóc yêu thương... Đứa con với họ cũng là sự mới mẻ, khó hiểu và thậm chí còn gây cảm giác lo lắng, hồi hộp, sợ hãi...

Các kiến thức khoa học trong lĩnh vực nuôi con trên mạng, sách vở thì mênh mông, và cũng không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau, bất biến, không thay đổi, hay có thể được mọi người nghiên cứu đồng tình.

Vì vậy, tranh cãi với nhau đến mức nổ ra mâu thuẫn, thật sự là chỉ làm hại cho mối quan hệ cha mẹ, và gián tiếp ảnh hưởng đến đứa trẻ. Quan trọng là anh chị nên cùng tìm hiểu những nguồn tài liệu đáng tin cậy và thật sự khoa học để có thể thống nhất với nhau. Sẽ càng tốt đẹp hơn, nếu cha mẹ làm điều này từ trước khi con ra đời, hoặc muộn nhất là trong quá trình mang thai.

Về việc không cho con bú sữa mẹ vì muốn giữ vóc dáng của cô ấy, thì hầu như ai cũng hiểu trẻ đựợc bú sữa mẹ sẽ là tốt nhất. Tuy nhiên, cơ thể là của vợ anh, cô ấy có quyền làm bất cứ điều gì tốt nhất cho cơ thể của mình. Khuyên can hay ngăn cản cô ấy cũng chỉ có các nhà chuyên môn.

Biết rằng anh vì sức khỏe của con mà lo lắng, nhưng cũng đành phải tôn trọng những mong muốn của cô ấy, nếu anh không thể thuyết phục được cô ấy, và vẫn còn những biện pháp thay thế (như cho bé bú sữa bột...)

Cả anh và vợ chắc chắn đều muốn làm điều tốt nhất cho con mình, vì vậy để sự việc mâu thuẫn đến mức phải nghĩ tới những điều xấu nhất cho gia đình, cho vợ chồng và cho con, phải chăng là một đánh đổi quá thiệt thòi?

Giận, bực hãy cố gắng thuyết phục nhau bằng khoa học. Điều quan trọng nhất là con trẻ được lớn lên trong tình thương yêu của cha mẹ, được thấy cha mẹ hạnh phúc bên nhau. Nuôi dạy con cũng chính là một thử thách cho sự đồng tâm, hiệp lực gắn bó, chia sẻ của cha mẹ, anh ạ.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI