Vỡ nợ vì vụng tính toán

10/07/2019 - 14:00

PNO - Một người quanh năm suốt tháng chỉ biết xách giỏ đi chợ, chưa hề có lấy một chuyến du lịch, cũng không se sua chưng diện, bỗng một ngày có tin bị vỡ nợ, chủ nợ đến nhà làm ầm ĩ.

Bạn bè cứ ngơ ngác hỏi nhau: “Bạn ấy làm gì mà ra nông nỗi vậy?”. May mà số nợ không lớn lắm, chỉ vài trăm triệu đồng.  

Nhiều câu hỏi đặt ra, người ngoài cuộc nghiêng về giả thiết có thể bạn chơi số đề, hay bị giật hụi. Là đam mê của những người chỉ biết quẩn quanh gia đình, suốt ngày chợ búa, cơm nước, nhưng một khi đã sa vào đó, mỗi ngày một chút, càng thua nhiều càng cay cú. 

Vo no vi vung tinh toan
Không phải ai cũng giỏi tính toán cân đối thu chi cho chồng, cho con. Mình minh họa.

Một bạn trẻ kể chuyện mẹ cậu bị vỡ nợ trong lúc cha cậu là lao động chính bị thất nghiệp, và hai anh em cậu chưa học xong đại học. Lúc chồng làm ăn khá, bà chi hơi mạnh tay hơn những bà mẹ cùng thời, cùng hoàn cảnh (không giàu nhưng ổn).

Khi chồng mất việc, bà vẫn quen nếp cũ. Và để duy trì sinh hoạt gia đình như trước kia, khi chồng còn làm ra tiền, bà quyết định đi vay để giải quyết chi tiêu trong gia đình.

 Mẹ cậu luôn muốn con cái được học hành đến nơi đến chốn, có cơm ăn, áo mặc, có đầy đủ điều kiện để không phải thua kém bạn bè. Ba người trong gia đình quen việc có mẹ lo toan, nên vô tâm hưởng thụ mà không thắc mắc tiền ở đâu ra. Lại thêm ông chồng nản chí, không thiết làm gì, càng không quan tâm đến con cái. Tiền vay không trả được, lãi mẹ đẻ lãi con. Cho đến khi tiền nợ lên đến con số quá lớn, không còn khả năng chi trả, bà đành phải bán căn nhà đang ở. 

Bán nhà xong, chồng không còn tin tưởng vợ, các con thất vọng về mẹ mà không hề nghĩ ngược lại vì sao mẹ sa vào hoàn cảnh như vậy. Tiền bán nhà lớn, mua nhà nhỏ, chồng và các con quản chặt, người mẹ phải ngửa tay nhận tiền chợ mỗi ngày.

Mãi đến khi có gia đình riêng, cậu mới hiểu được chỉ vì muốn chồng con đủ đầy mà mẹ cậu mới ra nông nỗi vậy. Nhiều năm sống trong sự coi thường của chồng và sự oán trách của con cái, bà mẹ đâm ra nhút nhát, rụt rè, luôn trong tâm trạng mình là người có lỗi. 

Ai cũng biết, người vợ là tay hòm chìa khóa. Có người vợ cả đời chắt chiu không dám mua gì cho riêng mình. Cũng có người vợ tiêu xài hoang phí, lấy tiền bạc thỏa mãn những đam mê riêng. Lại cũng có những người vợ như những trường hợp vừa nêu, người ta gọi là vụng tính toán. Thật ra, trách họ vụng tính cũng tội cho họ, họ gầy nợ có phải để chi tiêu cho cá nhân đâu. Có trách thì chỉ trách họ đã yêu thương chồng, con một cách mù quáng, không tỉnh táo và thiếu bản lĩnh. 

Những lúc thế này, may mắn thì có được ông chồng biết chuyện, biết tha thứ, an ủi vợ, không để vợ mặc cảm, tủi thân hay quẫn trí. Còn ngược lại, thì đúng là bi kịch. 

Một bà vợ kể chuyện, ngày bán ngôi nhà phố mua nhà nhỏ trong hẻm để trả nợ, bà không dám nhìn mặt chồng con, chỉ muốn chết phứt cho xong với cái suy nghĩ vì mình mà con cái phải tủi hổ. Thế nhưng, ông chồng luôn bên cạnh, hỏi han, nhờ bà góp ý thứ này thứ khác trong ngôi nhà mới, khác hẳn những ông chồng bỏ mặc vợ, thể hiện ra mặt nỗi bực tức và oán trách người bạn đời của mình.

Những người mẹ không giỏi tính toán kiểu này thường mang nhiều mặc cảm với bạn bè cùng thời, hay bạn bè của con cái. Nỗi cô đơn không thể tránh khỏi khi không tìm được ai để giãi bày.

Vo no vi vung tinh toan
Miệng thế gian có thể giết người. Hình minh họa.

Miệng thế gian đôi lúc quá khắc nghiệt dễ đẩy họ đến đường cùng. Thế nên, nhóm bạn trong câu chuyện đầu bài sau khi tìm hiểu kỹ nguyên nhân, họ hiểu ra bạn mình vụng tính trong tiền bạc khi nuôi hai con học xong đại học với khoản nợ ngày một nhiều. Không dám nói với con, sợ con bị áp lực. Không dám nói với chồng, sợ chồng sẽ thất vọng khi cho rằng vợ không biết giữ tiền.

May mà chị còn những người bạn học. Biết chuyện của chị, họ hoàn toàn thông cảm, động viên và chia sẻ với chị từ tinh thần đến vật chất. Nghĩ đến những năm tháng dài chị nai lưng ra gánh nợ mà không chia sẻ được với ai, bạn bè mỗi người phụ một tay giúp chị giải quyết bớt nợ nần, “đả thông tư tưởng” người chồng, và khuyên chị hãy quên những việc đã qua. Ai cũng có lỗi lầm, quan trọng là biết khắc phục và sửa chữa. 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI