Vợ như đàn ông, chồng như đàn bà?

03/09/2024 - 16:52

PNO - Cứ tư duy theo kiểu 2 bà hàng xóm thì biết bao giờ nam nữ mới bình quyền và phụ nữ mới được bước ra ngoài xã hội, được giao tiếp, được thể hiện tài năng?

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chị Vân có 2 bà hàng xóm thân thiết. Hôm nay, đề tài của 2 người láng giềng ấy là gia đình chị Vân. Cả 2 bà đều nhất trí rằng, ở gia đình chị Vân, vai trò vợ chồng bị đảo ngược, chồng làm vợ và vợ làm chồng. Vợ như đàn ông, chồng như đàn bà!

Bao năm nay chị Vân không chú ý đến điều này. Do đặc thù công việc, chị là một nữ doanh nhân bận rộn và chồng chị là công chức khá thảnh thơi. Chị phó mặc hết cho anh từ đưa đón con cái đến việc nhà. Ngày Chủ nhật, anh chở chị đi siêu thị, cho hết các thứ vào tủ lạnh rồi hàng ngày anh "tự xử", chẳng thấy anh kêu ca hay than thở. Thậm chí, con cái lớn mà anh vẫn giành việc giặt, xếp quần áo cho cả nhà.

Nói chung, anh thuộc kiểu người dễ chịu, hạnh phúc khi được lo lắng, quan tâm chăm sóc vợ con. Thỉnh thoảng anh cũng ngồi đâu đó vui vẻ với bạn bè. Những lúc như vậy anh chu toàn hết việc nhà rồi mới đi.

Chị Vân và các con điềm nhiên hưởng “đặc ân” này và họ không thấy anh “thất thế” trong gia đình, giờ đây, nghe 2 người hàng xóm thân thiết bình luận về gia đình mình, chị Vân bỗng phải băn khoăn suy nghĩ.

Thật ra, chị có suy nghĩ cũng không giải quyết được gì, vì việc nhà lâu nay đã có anh chu toàn, chị chỉ lo việc giao tiếp xã hội. Tất nhiên mức thu nhập của chị cao hơn anh nhiều, nhưng như vậy đâu có nghĩa là anh không có phần đóng góp? Thỉnh thoảng anh nhận vài khoản thưởng ngoài lương, do anh không có nhu cầu bạn bè nhiều nên ít tốn kém. Số dư từ khoản này cộng dồn nhiều năm đâu phải ít?

Rồi chị Vân bực bội trong lòng: Đàn ông làm việc nhà có gì xấu, sao xã hội định kiến thế? Tại sao người ta không nghĩ ngược lại rằng, chính đàn ông làm việc nhà mới khẳng định được “bản lĩnh đàn ông”?

Trong khi đó, rất nhiều người bạn của chị than thở vừa ngập trong việc cơ quan vừa phải trần lưng làm việc nhà, trong khi ông chồng rảnh rỗi xách xe đi nhậu, ngồi "chém gió" chuyện thiên văn địa lý, trên mạng ngoài đời, kinh tế vĩ mô... Các ông không hề biết con cái hôm nay học hành thế nào, bà vợ đầu tắt mặt tối ra sao. Chưa kể những ông chồng nhàn cư vi quá, lại sinh chuyện trai gái, bài bạc…

Cứ tư duy theo kiểu 2 bà hàng xóm thì biết bao giờ nam nữ mới bình quyền và phụ nữ mới được bước ra ngoài xã hội, được giao tiếp, được thể hiện tài năng với đấng phu quân luôn tươi cười ủng hộ vợ?

Nhiều cô gái trẻ bây giờ không muốn lập gia đình vì sợ khổ, phải hầu chồng, mất tự do… Do các cô thấy từ kinh nghiệm thơ ấu của mình, trong gia đình mẹ luôn tay, luôn việc. Xong việc cơ quan về đến nhà là túi bụi dọn dẹp nhà cửa, cơm nước. Trong khi đó, ông bố thì chiều nào cũng có độ nhậu, có hôm còn đem hơi men về nhà, hoạnh hoẹ vợ con.

Cô đồng nghiệp của chị Vân kể rằng, ông chồng cô nhậu dữ lắm. Chịu đựng ổng bao nhiêu năm "lên bờ xuống ruộng" để cố gắng duy trì gia đình, nên cô nghĩ, chắc chắn nếu con gái gặp cảnh như vậy, cô không khuyên con hãy cư xử nhẫn nhịn như mẹ. Đời người nhanh lắm, thoáng chốc, tuổi thanh xuân trôi qua hồi nào, gia đình không hạnh phúc khiến cảm xúc chai sạn, sống như bổn phận. Con gái cô lâu nay không thân thiết với bố vì ấn tượng không đẹp về người sinh thành in hằn trong tim, trong óc. Sân khấu cuộc đời đâu xa xôi, cha mẹ là diễn viên và con cái là khán giả, tất cả sờ sờ trước mắt, vết hằn tuổi thơ khó mà xóa mờ.

Chị Vân và các con điềm nhiên hưởng “đặc ân” này và họ không thấy anh “thất thế” trong gia đình(ảnh minh họa)
Chị và các con điềm nhiên hưởng “đặc ân” và họ không hề thấy anh thất thế trong gia đình (ảnh minh họa)

Chị Vân quyết định bỏ ngoài tai câu chuyện 2 bà hàng xóm. Đèn nhà ai nấy tỏ, đã quyết lập gia đình và sinh con cái thì vợ chồng phải xúm vào mà lo cho con, lo cho nhau. Lo như thế nào tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi người, đừng phán xét đàn ông thế này, đàn bà thế nọ. Việc san sẻ gánh nặng chăm sóc gia đình không chỉ là trách nhiệm mà là xu thế của mỗi con người văn minh.

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI