Vợ người cựu binh và sự hy sinh thầm lặng

28/04/2024 - 07:30

PNO - Chiến tranh đã lùi xa 49 năm, nhưng trong ký ức hào hùng của người cựu chiến binh Nguyễn Bá Tứ, thời khắc thiêng liêng khi ông cùng đồng đội trên chiếc xe tăng tiến vào dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 vẫn hiện rõ. Để ông được cống hiến trọn vẹn tuổi trẻ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phía sau ông là người vợ tần tảo, thủy chung. Sau khi đất nước thống nhất, bà tiếp tục là chỗ dựa vững chắc giúp ông vượt qua những đớn đau bệnh tật thời hậu chiến.

Hễ ông ấy cần gì, chỉ nhìn là tôi hiểu

Ông Nguyễn Bá Tứ - sinh năm 1953 tại Hà Nội. Năm 1973, tròn 20 tuổi, sau khi lấy vợ được 1 năm, ông nhập ngũ và được biên chế vào lữ đoàn 203. Ngày 30/4/1975, trên chiếc xe tăng số hiệu 846, một trong những chiếc xe tăng tiến vào dinh Độc Lập, ông là pháo thủ số 2, bên cạnh trưởng xe Nguyễn Quang Hòa, lái xe Trần Bình Yên và pháo thủ số 1 Nguyễn Ngọc Quý. Sau chiến tranh, ông về làm nghề lái xe khách ở Hà Nội và đối mặt với bao khó khăn của cuộc sống.

Là một trong 3 triệu người Việt bị nhiễm chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam, năm 2011, ông Tứ tiếp tục mắc căn bệnh hiểm nghèo - u thanh quản. Từ đó, ông không còn nói được, sức khỏe cũng suy giảm.

Cựu chiến binh Nguyễn Bá Tứ và vợ - bà Nguyễn Thị Mùi
Cựu chiến binh Nguyễn Bá Tứ và vợ - bà Nguyễn Thị Mùi

Ông chỉ tôi xem bức ảnh về chiếc xe tăng 846 do nhà báo Trần Mai Hưởng - nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - ghi lại, được treo trang trọng trong nhà. Lúc ấy, xe tăng tiến vào cổng dinh Độc Lập với lá cờ giải phóng tung bay trên tháp pháo, bên cạnh cánh cổng đã đổ sập… Ông Tứ đặt bút tâm sự: “Khi vượt qua cầu Sài Gòn, tim của những người lính trẻ trên xe đều đập rộn ràng, cả bốn người đều có chung sự hồi hộp khi chiến tranh sắp kết thúc, non sông sắp thu về một mối”.

Dù không thể diễn đạt bằng lời nhưng ánh mắt ông vẫn toát lên niềm tự hào khi nhắc đến chiến thắng của ngày 30/4 lịch sử. Ông viết, khi tiến vào dinh Độc Lập, ông là người duy nhất “thò đầu ra” và cầm súng lên bắn. Lúc đó, ông chỉ nghĩ đến việc chiến đấu và nhanh chiến thắng để được về với gia đình.

Tôi tưởng tượng ra vóc dáng oai hùng của ông - người lính trên chiến tăng năm xưa - với ông giờ đây đang phải gồng mình chống chọi với bệnh tật mà cảm thấy xót xa. Hơn 13 năm đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo - ung thư thanh quản - và tìm cách quên đi nỗi đau “chất độc da cam”, ông Tứ vẫn sống lạc quan, tích cực. Đồng hành cùng ông, bà Nguyễn Thị Mùi (sinh năm 1957) không chỉ là vợ mà còn là người “phiên dịch” đặc biệt cho ông. Bà cho biết: “Tôi vốn dĩ không được khỏe, nhưng vì chồng và con đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nên mình lại trở thành người khỏe hơn. Vả lại, đã lấy nhau rồi thì phải hết lòng yêu thương nhau, vì chồng, vì con mà sống và cố gắng”.

Bà kể, trong hơn 13 năm ông Tứ bị mất tiếng, bà không thể nói hết nỗi vất vả, nhất là những khi trái gió trở trời, huyết áp ông tăng đột ngột, cơ thể ông đau nhức bởi những di chứng của chiến tranh, của bệnh tật. Mỗi buổi sáng thức dậy, bà đều an ủi, động viên như để tiếp thêm động lực cùng ông vui sống. Và cũng từ năm 2011, bà Mùi còn phải hỗ trợ ông Tứ trong quá trình giao tiếp, vì thế bà hiểu ông như hiểu bản thân mình. “Cả một đời hy sinh cho đất nước, đến cuối đời lại bệnh tật, mất đi giọng nói. Thương chồng nên tôi tìm cách động viên. Nhờ vậy mà hễ ông ấy cần gì, chỉ nhìn là tôi hiểu” - bà Mùi tâm sự.

Tre già phủ bóng xuống đời con

Năm nay bà Mùi đã 67 tuổi. Dù tuổi già sức yếu nhưng bà vẫn luôn cố gắng trở thành điểm tựa cho cả gia đình. Trong căn nhà chật hẹp của vợ chồng bà ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội, không có gì quý giá ngoài những tấm huân, huy chương của người lính xe tăng được lồng vào khung kính và đặt ở nơi trang trọng.

Đằng đẵng chờ chồng trong chiến tranh, đến khi hòa bình, bà Nguyễn Thị Mùi tiếp tục trở thành chỗ dựa vững chắc cho chồng con vượt qua di chứng bệnh tật
Đằng đẵng chờ chồng trong chiến tranh, đến khi hòa bình, bà Nguyễn Thị Mùi tiếp tục trở thành chỗ dựa vững chắc cho chồng con vượt qua di chứng bệnh tật

Bà Mùi nghẹn ngào khi nhắc đến người con gái lớn: “Chúng tôi lấy nhau năm 1972. Tết năm 1973 anh ấy nhập ngũ, sau 3 năm đợi chờ thì chiến tranh kết thúc, anh Tứ trở về, đến năm 1978 tôi sinh con đầu lòng. Nuôi con đến 3 tuổi mà cháu vẫn chưa biết nói, biết ngồi, cơ thể cứ cong queo. Đến lúc đó cả nhà mới biết cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố”.

Xót con, hơn 10 năm trời ông bà đã bồng con chạy chữa khắp nơi. Nhưng họ đành bất lực. Ở tuổi 46, đáng lẽ chị Nguyễn Thị Thùy Hương đã có một gia đình hạnh phúc, nhưng trớ trêu chị vẫn phải sống dựa vào cha mẹ. Để con gái tiến bộ từng ngày, bà Mùi như một gia sư đeo bám sát sao và ân cần chỉ dạy con từng chút một. Nhờ vậy chị Hương có thể nấu ăn, rửa bát, giặt đồ và phụ giúp những công việc vặt trong gia đình. Nhìn con với ánh mắt yêu thương, bà Mùi chia sẻ: "Trông thế thôi, chứ đỡ đần cho tôi nhiều việc lắm. Hôm nào mẹ bận là một tay cơm nước, giặt giũ cho cả nhà".

Rồi ánh mắt bà trở nên lo toan khi nghĩ về tương lai. Từ ngày ông Tứ đổ bệnh, một mình bà gồng gánh mọi việc, trong nhà có đồng nào đều dồn hết để chạy chữa cho chồng và nuôi 3 đứa con. Hằng ngày bà Mùi chế biến đồ ăn sáng rồi mang ra đầu ngõ bán kiếm thêm. “Sau này, khi tôi tuổi cao sức yếu không thể tiếp tục chăm con, chỉ mong 2 cậu con trai sẽ trưởng thành hơn, thay tôi chăm sóc chị của chúng. Giờ còn chút sức khỏe thì cứ phải làm, mong có chút của ăn của để cho con mình về sau” - bà Mùi đau đáu.

Suốt buổi nói chuyện, dù có lúc ưu tư, nhưng bà Mùi không hề kể khổ mà thay vào đó là những tiếng cười lạc quan của một người xốc vác, bươn chải. Bà Mùi tự hào: “Dù vất vả nhưng tôi vẫn là một người hạnh phúc. Tôi tự hào vì có người chồng tham gia kháng chiến, 3 đứa con chăm chỉ, trong đó 2 đứa khỏe mạnh, bình thường”.

Không thể kể hết nỗi vất vả, gian truân của những người vợ lính, khi tuổi thanh xuân của họ là những tháng ngày đằng đẵng đợi chờ, đến khi xế bóng lại làm chỗ dựa giúp chồng con vượt qua những nỗi đau - di chứng của chiến tranh. Nhưng bà Mùi vẫn tràn đầy niềm tự hào và hạnh phúc. Bất chợt, bà nhớ ra và nhắc ông đi dự lễ kỷ niệm ngày chiến thắng lịch sử 30/4 để hội ngộ cùng những đồng đội cũ.

Tường Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI