Năm thứ ba hôn nhân, tôi phải đi làm xa nhà vì con bắt đầu lớn, mọi chi tiêu trong nhà cũng nhiều lên, nhất là tôi quyết định sửa lại căn nhà bao năm xập xệ của cha mẹ.
Vợ vẫn đồng ý lựa chọn của tôi, cô ấy còn hứa sẽ ở nhà làm dâu làm mẹ chu toàn để tôi yên tâm. Cũng có lúc cô ấy lo lắng những cực nhọc sẽ nhiều hơn vì con mọn, những khi tan ca khuya sớm sẽ không có chồng đưa đón. Nhưng vì tương lai, chúng tôi đành xa nhau một thời gian.
Đi làm xa ở nơi rừng núi quả thật thu nhập khá hơn, vì cả tháng chủ thầu mới trả tiền một lần, mà ở đây không có gì để chi tiêu nên nếu có tiền cũng chẳng xài vào đâu. Những tầng tầng lớp lớp nhà xưởng mọc lên là công sức mồ hôi của chúng tôi đổ xuống không biết bao nhiêu mà kể. Làm ở đó, không có chủ nhật, vì cuối tuần chẳng mấy ai về nhà, nên cứ… làm tiếp cho đỡ buồn. Mỗi ngày chúng tôi làm việc mười, mười hai tiếng nhưng thu nhập quả thật là đáng kể. Vào năm 2007 mà lương “thợ nhì” của tôi đã ba trăm ngàn/ ngày.
Ròng rã tám tháng trời tôi gửi tiền về nhà không sót một xu. Vẫn là gửi qua đường bưu điện bằng tên của vợ, chứ mẹ tôi cũng có tuổi, đường từ nhà tới bưu điện huyện cả chục km đi lại cũng khó khăn.
|
Tám tháng ròng rã tôi lao động nơi núi rừng. Ảnh minh họa |
Tám tháng đó, tôi về nhà có hai lần, mỗi lần được hai ngày đêm. Vợ vẫn vui vẻ đón tiếp, chuyện trò rôm rả, yêu thương vẫn nồng nàn thì làm sao tôi biết được vợ đã ngoại tình?
Thời gian đi làm của tôi được giáp năm, cần cù siêng năm nên chủ thầu hứa sẽ thưởng cuối năm rất hậu. Tôi cũng thưa rằng, sau đó sẽ xin nghỉ việc về lại gia đình.
Thế rồi trong một lần, chủ thầu bảo tôi theo ông về phố huyện mua ít vật tư cho công trình. Hai anh em mua sắm cho đủ đồ thì trời đã tối, cơn mưa dai dẳng nước trắng trời không thể nào về lại công trình được. Anh bảo thôi kiếm một cái nhà nghỉ nào đó, ngủ tạm qua đêm mai về sớm.
Trời xui đất rủi, anh thầu đã chọn nhà nghỉ Thủy Tiên, cái nhà nghỉ mà cả đời tôi không thể quên được tên. Khi xe chúng tôi vừa vào sân thì cũng là một cặp đôi bước ra. Họ loay hoay đội áo mưa cho nhau, trong bóng đèn không sáng lắm của vuông sân rộng, của màn mưa mịt mù ngoài trời, tôi vẫn nhận ra người phụ nữ đó chính là… vợ tôi.
Cô ấy đứng như tượng đá khi thấy tôi. Còn tên kia thì lên xe bỏ chạy mất dạng. Từ phố huyện này về nhà tôi những hơn 10km, bây giờ tám giờ tối, em ra ca chiều lúc sáu giờ, không về nhà mà hẹn hò thế này ư? Rồi con cái thì sao, mẹ già thì sao? Mưa gió thì sao?
Mặc tôi chất vấn, em chỉ im lặng. Tôi xin phép ông thầu đưa vợ về, ông xua tay: “Ừ, về mà giải quyết việc gia đình cho xong. Nhưng nhớ kỹ, đàn ông phải rộng lượng”. Ông gọi một chiếc taxi cho chúng tôi về.
Vợ tôi khóc lóc nói rằng do ngày tháng cô đơn, những đêm mưa gió sương khuya đi về không ai đưa đón, chồng thì đi làm xa, chẳng biết cậy nhờ ai nên có người quan tâm thành ra cô “lỡ dại”.
Tôi chỉ biết thở dài, tất cả những cô đơn em phải trải qua, thì tôi không đối diện sao? Thế nhưng vì tương lai của gia đình, muốn cho cuộc sống tinh tươm hơn, tôi đã vượt qua tất cả. Thì tại sao em lại yếu lòng? Vợ lại khóc, xin tôi tha thứ, chỉ một lần này thôi, không bao giờ có chuyện như thế nữa.
Tôi chấp nhận và nghỉ việc nơi xa về làm gần nhà.
Thế mà… cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng.
|
Tôi đã cố gắng chống chọi. Ảnh minh họa |
Vụ ngoại tình đó đã trở thành đề tài nóng bỏng cho làng xóm. Tôi nhận ra cả xóm biết chuyện từ lúc nào. Đàn bà đàn ông gì cũng chuyện một nói mười, thêu dệt đủ điều để chuyện như cây kim đã thành cây sắt. Từ đầu đường cuối ngõ của xóm ấp, cứ thấy tôi đi qua là xì xào, tai nghe nhiều nhưng cứ bỏ qua vì tôi cho rằng trong việc này có một phần lỗi do mình.
Một lần tôi ra quán mua sữa cho con thì mấy tay đàn ông đã bắt mâm nhậu cạnh quán tạp hóa kiếm chuyện:
- Đàn bà thế giới này chết hết hay sao mà mày cứ xài của chung vậy hả Toản?
- Anh nói mày nghe, chỉ cần mày nói một tiếng, gái 18 xếp hàng cho mày chọn chứ tội gì phải xài chung?
- Trời ơi! Mày làm nhục lây tụi anh hết Toản ơiiii!
- …
- …
Tôi chỉ biết im lặng đi về, vì họ đang say xỉn thế kia, đôi co có ích gì?
Thời gian đó của tôi, chuyện đi đứng cứ lấm la lấm lét như kẻ trộm. Sáng tôi phải cố gắng đi làm thật sớm, khi con đường nông thôn chưa mấy ai thức giấc. Chiều cố tình về tối để ít gặp mọi người.
Cuộc sống gia đình tôi khép kín như kẻ tội đồ để tránh miệng đời hầu vớt vát chút hạnh phúc cuối cùng là tôi tin vợ chỉ một lần lỡ dại.
|
Vợ tôi đã không chịu nổi điều tiếng đã bỏ làng đi. Ảnh minh họa |
Vậy mà… khi tôi cố vá víu niềm tin, củng cố gia đình thì vợ… bỏ nhà đi mất. Em gửi mấy tin nhắn “nhờ” tôi nuôi con, em phải đi xa để quên chuyện cũ, em không thể sống ở cái nơi mà người người nhìn em bằng ánh mắt khinh thường.
Tôi vội vã về bên vợ tìm, thì cả gia đình cũng chới với vì mấy nay em cũng không về.
Mười một năm nay, tôi gà trống nuôi con, chuyện tìm kiếm vợ đã thành vô vọng. Tôi không thể bán nhà đi nơi khác vì đây là nhà từ đường dòng họ, tôi lại còn mẹ già, con dại đang học hành. Tôi cứ chờ… chờ đến khi tiếng đời phai nhạt… biết đâu em lại quay về.
Bây giờ những người nói ra nói vô chuyện xưa của chúng tôi đã có không ít người khuất núi, nhưng em vẫn bặt vô âm tín. Chuyện cũ đã không còn ai nhắc nữa, nhưng mỗi khi có dịp chuyện trò với họ là tôi nghe nỗi đau dâng lên, cái nỗi đau vợ ngoại tình chỉ một - mà lời đàm tiếu đã khiến vết thương đau mười này. Đáng ra nó sẽ không có nếu con người ta biết nghĩ một chút, bằng tình người.
Quang Toản (Nam Định)