PNO - Đâu chỉ các ông chồng bị ảnh hưởng bởi làn sóng mua hàng online. Hỏi các anh bảo vệ chung cư hay cơ quan, công ty thì biết. Nhiều người than, suốt ngày phải nhận hàng cho các cô văn phòng hay các chị chung cư.
Thời công nghệ, thật tiện lợi cho các bà nội trợ khi chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể mua được từ que đan, cây kim móc đến chiếc xe máy. Những năm gần đây, dịch vụ mua bán qua mạng nở rộ với vô số trang bán hàng từ bán lẻ đến bán sỉ. Muốn tìm một sản phẩm, chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm là hàng loạt gian hàng khắp nơi trên cả nước và cả thế giới hiện ra, đủ giá đủ loại, tha hồ chọn lựa.
Ảnh minh họa
Các nghiên cứu cho thấy, đối tượng mua hàng online thường là những người trẻ, công việc “dính” vào chiếc ghế văn phòng. Ban đầu, họ thường mua thử một vài món, thấy chấp nhận được, rồi chọn một nhà cung cấp quen làm… đối tác. Người mua lẫn bán đều có tài khoản riêng trên các trang bán hàng trực tuyến, để có thể theo dõi đơn hàng, được chấp nhận, đang di chuyển, đã giao hàng, khiếu nại, hủy, rút tiền...
Sự thực được nhiều người khẳng định: việc mua hàng online dễ gây nghiện cho bất cứ ai, không riêng gì phụ nữ. Bằng chứng là những món hàng dành cho nam giới như đồng hồ, thiết bị điện tử, dụng cụ cơ khí, quần áo, phụ kiện thời trang… cũng được các ông săn lùng chứ không chỉ bày ra cho các nàng mua tặng chàng. Dù sao, sản phẩm dành cho phụ nữ vẫn nhiều hơn - từ mỹ phẩm cho đến giày dép, thực phẩm, nhu yếu phẩm… Giờ thì người Việt ngồi nhà click chuột tìm hàng ở Costco tận bên Mỹ. Hay Facebook cũng là kênh mua bán online nhộn nhịp.
Có ông chồng kể, bắt đầu từ việc tìm mua một cuốn sách trên mạng, giá khuyến mãi giảm đến 60%. Cuốn sách được giao mới cứng, bìa đẹp… khiến bà vợ yên tâm, quyết định tìm thêm các sản phẩm khác để rồi “lậm” lúc nào không hay. Suốt ngày vợ ông cứ cầm điện thoại và quẹt. “Tôi chẳng hiểu bà ấy cần mua gì khi trong nhà đã đầy đủ” - ông nói. Tuy nhiên, khi ông vừa hé môi định góp ý, bà vợ “dập” ngay: “Em thích cái nồi chiên không dầu. Nhà ai cũng sợ lên ký mà lại thích ăn chả giò. Mỗi lần chiên, dầu văng, ngại nhất là khâu vệ sinh bếp. Anh có vào bếp đâu mà hiểu cảnh này”. Ông đành nhượng bộ, thầm nhủ, vẫn tốt hơn việc bà đòi ông chở ra cửa hàng điện máy tìm mua nồi. Dù vậy, ông vẫn không thôi ngạc nhiên chuyện bà vợ luôn kỹ tính với việc mua hàng bên ngoài lại chấp nhận mua một sản phẩm chỉ thấy qua hình ảnh và những lời giới thiệu (chắc chắn là) có cánh.
May cho ông, những sản phẩm vợ mua qua mạng đều dùng được; nếu không, ông hẳn sẽ nhức đầu với những lời ca cẩm của vợ về chuyện bị lừa, như ông hàng xóm vẫn thường cùng ông đánh cờ buổi chiều. Số là vợ ông hàng xóm đặt mua một cái ví cầm tay, theo ý bà là giá khuyến mãi, chấp nhận được. Quan trọng là sản phẩm “đẹp”. Ông chồng không dám ý kiến gì, vì biết rõ một khi vợ đã quyết thì có trời mới cản nổi. Bà đặt mua chiếc ví màu hồng. Hôm đó, ông nhận hàng, vì vợ đi vắng. Thuộc lòng lời vợ dặn nên lúc nhận hàng, ông đọc rõ hai chữ “màu hồng” trên bao bì mới yên tâm. Vậy mà khi vợ mở ra thì thấy chiếc ví màu đen. Nhờ hai chữ “màu hồng”, ông đã thoát khỏi một màn ca cẩm nhức óc. Chuyện khiếu nại, đổi trả là của bà, ông vô can. Do lỗi bên bán, ông được nghe vợ giả lả: “Cũng là cơ hội kiểm tra xem họ giải quyết khiếu nại thế nào”.
Ảnh minh họa
Đâu chỉ các ông chồng bị ảnh hưởng bởi làn sóng mua hàng online. Hỏi các anh bảo vệ chung cư hay cơ quan, công ty thì biết. Nhiều người than, suốt ngày phải nhận hàng cho các cô văn phòng hay các chị chung cư. Nhiều ông chồng may mắn có vợ không nghiện mua hàng online vẫn “dính chưởng” nếu người nghiện là cô con gái. “Ông vào phòng nó mà coi, gói to, gói nhỏ chưa mở, đầy trên bàn. Tôi ở nhà mà phát sốt lên vì cứ phải nhận hàng giùm nó” - chị dâu tôi gào lên với ông anh. Vốn chủ trương dĩ hòa vi quý, anh tôi tìm cách đánh trống lảng, chuyển kênh. Ông bảo, ông mà ý kiến ủng hộ, sẽ bị chị dâu tôi kéo làm đồng minh ngay. Ông đâu có dại! Ngược lại, ông mà bênh con gái, ý như, nó làm ra tiền, muốn tiêu thế nào là quyền của nó thì thể nào cũng hứng một trận mưa lý luận của vợ.
Than thì than thế thôi, chứ đàn ông ngày nay thừa biết, họ… bất lực thế nào trước cơn mua sắm của phụ nữ. Nên nếu ngày mai vợ có việc đi đâu, nhờ các ông nhận giùm gói hàng, các ông vẫn sẽ vui vẻ, còn biết cẩn thận xem kỹ các thông số ghi trên bao bì để làm… “bằng chứng” vô can nhỡ khi có chuyện. Cô con gái có điện thoại nhờ bố nhận giúp món đồ, ông vẫn sẽ hoan hỉ, thậm chí thấy mình còn có ích cho con cái nữa cơ.
Thế đấy, không ai biết còn những “làn sóng” gì sẽ đến trong thời đại số, nhưng đàn ông thông minh sẽ biết cách vui vẻ đón nhận, xem chúng như ký ức một thời, để có kỷ niệm sau này cho con cái, cũng là cách sống nhẹ nhàng cho mình mà còn giúp vợ vui.