Vỡ mộng du học

19/06/2019 - 09:42

PNO - 'Mẹ ơi. Con không thể chịu đựng nổi việc học ở Úc. Con muốn về nhà. Con xin lỗi bố mẹ!'. Đọc dòng tin nhắn của con trên Zalo, chị Hoàn lặng người đi.

Suốt một tháng trời, chị đã vận dụng hết mọi cách, nhờ cả chuyên gia tâm lý hỗ trợ khuyên bảo con gái chị đang du học xa nhà, và kết quả là thế đó! Con vẫn muốn về nhà.

Thách thức kinh tế

Khi nhận ra con gái đã chào thua, trong đầu chị Hoàn lập tức hiện lên một loạt các con số choáng váng mang hình đồng đô la xanh. Nếu con gái chị bỏ học ở Úc để trở về nhà, vợ chồng chị mất béng hơn hai chục ngàn đô la! 

Vo mong du hoc
Ảnh minh họa

Thấy con háo hức với việc du học, và biết một số trường hợp du học Úc thành công,  chị và chồng khấp khởi hy vọng, quyết tâm đầu tư khoản tiền lớn cho con đi xa. Anh, chị đã cật lực “cày cuốc” để đầu tư gần ba tỷ đồng cho con gái lớn học ngành quản trị kinh doanh ở Úc. Số tiền bằng giá trị một căn hộ chứ ít ỏi gì. 

Trong lúc vất vả làm thêm kiếm tiền cho con du học, chị Hoàn thường tưởng tượng viễn cảnh con chị sẽ lấy chồng Úc, có một cuộc sống chất lượng hơn, thanh thản và đẹp đẽ nơi xứ người. Con chị không phải đầu tắt mặt tối bon chen lao lực vì đồng tiền ở quê hương như bố mẹ nó. Con sẽ được ở một nơi không khí trong lành, thanh bình, không khói bụi ồn ào và hỗn loạn như ở quê nhà. Sau này về hưu, chị và chồng sẽ được sang Úc thăm con hàng năm, được hưởng chút cuộc sống an nhàn tuyệt đẹp đó.

Thế mà nay con chị nằng nặc đòi về. Con nêu biết bao lý do, rằng ngôn ngữ của con kém, không thể hiểu bài giảng, con không chịu nổi cô đơn khi ở một mình, ban đêm con không thể ngủ nổi, thức ăn làm con bị rối loạn tiêu hóa vì không phù hợp, các bạn nhìn con với ánh mắt kỳ thị, con luôn thu mình, thậm chí muốn trở nên vô hình trước mặt các bạn và giáo viên tại trường, con đã sụt gần chục ký kể từ ngày sang Úc... Nếu bố mẹ không cho con về, con sẽ chết ở đây.

Vo mong du hoc
Ảnh minh họa

Chị Hoàn đành nói với chồng, chấp nhận mất khoản tiền lớn đã trót đầu tư, chấp nhận mất mặt với bao người thân từng chúc mừng anh chị và cháu khi đến dự lễ chia tay cho con chị du học... Coi như đây là một cuộc đầu tư thất bại. Đón con về thôi!

Thách thức tâm lý

Nhiều bạn trẻ quyết định du học chỉ vì nhìn thấy bề nổi của nó. Được hưởng thụ nền giáo dục hiện đại, tiên tiến, chất lượng cao; Được thẩm thấu một nền văn hóa khác biệt; Được du lịch ở nơi xa kỳ thú với bao điều lạ lẫm; Được kết bạn với nhiều người ngoại quốc; Thậm chí có cơ hội đổi đời nếu tìm được việc làm nơi bản xứ và thành lập gia đình, cắm sâu gốc rễ tại một quốc gia phát triển...

Ít ai liệt kê ra một danh sách dài những thách thức mà mình phải chuẩn bị để vượt qua: đó là khoản tiền đầu tư lớn (khoản này có bố mẹ hỗ trợ nên bản thân bạn trẻ thường không ý thức về giá trị của nó); thử thách về sức khỏe (bạn phải khỏe, bạn phải thích nghi với môi trường khí hậu mới, nếu không bạn sẽ ốm đau triền miên và khó lòng trụ lại được); thử thách về tâm lý khi người Việt chúng ta tóc đen da vàng, vóc dáng bé nhỏ, xuất thân từ một nước kinh tế kém, ắt sẽ gặp phải ánh nhìn kỳ thị của những người từ phương Tây (tuy không phải ai cũng vậy); thử thách về sự khác biệt trong văn hóa, ứng xử, lối sống, luật lệ (bạn sẽ liên tục sốc mỗi khi ra đường, mỗi khi làm việc gì đó và luôn thấy không phù hợp, bạn như rơi vào một thế giới mà bạn không được chấp nhận, bạn luôn hành động sai, bạn hoàn toàn lạc lõng cả nghĩa đen và nghĩa bóng).

“Trên lớp học, em khó tập trung vào bài giảng vì nỗi lo ngay trong tuần này phải tìm nhà trọ mới, vì chủ nhà trọ cũ không muốn cho em ở nữa, bà ấy khó chịu với mùi thức ăn Việt mà em nấu nướng. Khi về đến nhà trọ, em lại không ngủ nổi ban đêm vì nỗi lo không hiểu bài học ở lớp, vì cô đơn và nhớ nhà, vì chẳng tìm thấy người nào có thể kết bạn được. Thế là em lại lên mạng trò chuyện than thở với bạn cũ ở Việt Nam. Em cứ thế thức trắng đêm và hôm sau mệt tới nỗi không muốn đi học”, Nguyễn Tường A., một du học sinh tại Đức kể.

Vo mong du hoc
Ảnh minh họa

Rủi ro là có thật

Chúng ta cần nhìn nhận rằng, việc đầu tư cho con cái du học nước ngoài cũng giống như việc đầu tư kinh doanh. Tỷ lệ thành công đáng để kể ra chỉ là 20%. Còn lại là đa số các bạn trẻ học hành làng nhàng, vui chơi là chính, khó có được bằng tốt nghiệp. Sau đó họ cũng trở về Việt Nam, có gắn mác du học, nhưng cũng chỉ làm những công việc làng nhàng, chẳng khác gì hơn người học trong nước. Có những bạn trẻ tiêu phí vài tỉ đồng của bố mẹ, du học thực ra chỉ là một cuộc du lịch kéo dài mà thôi. Cũng có khá trường hợp bị bật trở lại Việt Nam không quá sáu tháng du học. 

Khi con cái chúng ta du học, nhưng nhận ra rằng mảnh đất ấy không phù hợp để cây non xỏ rễ và lớn lên khỏe mạnh, chúng ta không nên ép con cố quá. Hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật đau đớn đó, chấp nhận nó và mở ra cho con mình con đường trở về, học tập, sinh sống và cống hiến tại đất nước quê hương mình, đơn giản là chấp nhận một cuộc sống bình thường như bao người xung quanh. Cánh cửa du học không chỉ có màu hồng như ta nghĩ.

Kiều Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI