Vỡ mộng chồng Tây - tại ai?

13/04/2022 - 05:53

PNO - Câu chuyện á hậu Hoàng Oanh ly hôn đang được tranh luận trên các diễn đàn vợ Việt - chồng Tây. Nhiều người cho rằng vợ Việt dễ "vỡ mộng" vì khác biệt văn hóa với chồng Tây.

Á hậu Hoàng Oanh đã lên tiếng về mối quan hệ của cô và chồng trong một bài phỏng vấn như sau:

"Oanh không vơ đũa cả nắm nhưng Oanh nghĩ đây cũng là một văn hóa của người Mỹ. Họ rất độc lập, chủ nghĩa cá nhân. Cái đó không xấu nhưng nó hơi xung đột với văn hóa Việt Nam mình. Ví dụ như anh ấy đã có vợ có con nhưng cuối tuần vẫn thích đi với bạn bè, vẫn giữ cuộc sống độc lập".

"Phụ nữ Việt Nam mình có gia đình là dành hết mọi thứ cho chồng cho con, nhưng anh ấy là đàn ông, lại là người Mỹ, nên rất yêu cuộc sống riêng của bản thân. Nhiều khi mình phải nhắc vì cuối tuần là thời gian dành cho gia đình", Hoàng Oanh chia sẻ.

Thực tế, xung đột văn hóa - nhất là các vấn đề về quyền riêng tư và trách nhiệm với gia đình -  gần như là nguyên nhân "kinh điển" trong cuộc ly hôn của nhiều cặp vợ chồng Á - Âu. Nếu chưa đến mức ly hôn thì đó cũng là đề tài nhiều người "than thở" nhất, được chia sẻ nhiều nhất trong các hội nhóm phụ nữ Việt lấy chồng nước ngoài.

Với nhiều phụ nữ Việt, lấy chồng nghĩa là sinh con, đẻ cái. Với đàn ông phương Tây, kết hôn và sinh con là hai vấn đề không hẳn đi cùng nhau.

Với phụ nữ Việt, đã lập gia đình nghĩa là từ bỏ hết những thú vui của người độc thân. Đàn ông phương Tây không cho rằng hôn nhân là điều kiện để họ thay đổi bất kỳ điều gì. Nhiều phụ nữ Việt cho rằng không còn giấu giếm nhau bất kỳ điều gì, kể cả những gì có trong điện thoại, chính là cách minh bạch với nhau. Với phương Tây, điện thoại là không gian riêng tư mà chỉ người thiếu văn hóa mới xâm phạm...

Rất nhiều cô gái Việt đã bước vào hôn nhân sau quãng thời gian yêu đương cuồng nhiệt (đàn ông Tây lúc nào cũng cuồng nhiệt, ga-lăng hơn đàn ông Việt), mà chưa hề sẵn sàng cho những khác biệt đó.

Có cô sau khi cưới rồi, mới biết Tây họ... sòng phẳng quá. Chồng đi làm vợ cũng đi làm, giả sử vào một bữa cơm tối cuối tháng, chồng hỏi vợ rằng "em góp bao nhiêu, anh góp bao nhiêu vào chi phí trong nhà?" là cô vợ sốc. Có anh thì hét qua điện thoại với mẹ vợ: "Mẹ đừng xen vào chuyện riêng của vợ chồng con" rồi quay qua vợ: "Đây là chuyện của anh với em hay chuyện của mẹ, mà mẹ cứ bảo phải thế này phải thế kia" - thế là cô vợ tổn thương. 

Có chị kể, anh chồng trợn mắt rồi đem đĩa thức ăn vứt thẳng vào thùng rác, sau khi vợ dùng thìa của mình múc cho anh miếng xúp. Anh chồng bảo: "Thìa đó của em mà, ăn như thế thật gớm ghiếc". Thế là chị vợ nằm khóc cả đêm.

Cô bạn tôi, quen chàng giáo viên Mỹ mấy năm, và trước khi tính đến chuyện hôn nhân rồi sống ở xứ người, cô cũng soạn cho mình chút vốn liếng về cơ hội việc làm. Cô toàn xin làm ở các tập đoàn nước ngoài, ban đầu là châu Á, sau đó đến Mỹ...

Cô muốn làm quen với văn hóa làm việc của Mỹ, có "visa công việc Mỹ" để dễ tìm việc hơn khi sang bên đó. Thế nhưng cô quên soạn cho mình kiến thức về văn hóa Mỹ. Một ngày đẹp trời, gọi Facetime cho người yêu, cô hét lên khi thấy một chú chó đang nằm trên giường anh bạn trai, nằng nặc bắt anh phải "ném nó xuống". Chuyện không thể cứu vãn khi bên thì bảo "anh thật dơ bẩn", còn một bên thốt lên: "Em là người không có trái tim, em dã man". May mà họ chưa kịp lấy nhau. 

Trước á hậu Hoàng Oanh, từng có một nữ MC chia sẻ về cha của con trai cô, rằng anh tuy xúc động khi biết mình trở thành cha, nhưng lại không thể gánh vác được trách nhiệm đó, không thể từ bỏ lối sống của chàng trai độc thân. Anh khó chịu khi đang uống bia với bạn bè nhưng lại phải trở về nhà để đưa con đi viện vì bé bị sốt. Anh cũng không thể dành ngày chủ nhật hiếm hoi để thay tã cho con thay vì bận đi đánh golf cùng những người bạn thân.

Tôi cho rằng, "trách nhiệm làm cha" là thứ mà người phụ nữ Việt yêu cầu, cùng với những tiêu chuẩn mà họ cho là, chứ nào phải là điều mà các anh Tây mặc định khi xác định vai trò làm bố của mình? 

Tôi nghĩ, phụ nữ Việt vốn, dù đôi phần đã cởi mở và có suy nghĩ tân tiến, vẫn còn đâu đó cái mặc định mang tính "hy sinh vì chồng con" khi lập gia đình. Thế nhưng, khi sự "hy sinh" ấy không nhận được đáp trả tương tự, phụ nữ dễ trở nên trầm uất và mang cảm giác không được sống cho chính mình. Trong khi, với đàn ông phương Tây, "hy sinh" là từ không có trong từ điển.

Hạo Lan (Q1, TPHCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI