Chị Hạnh Dung thân mến,
Tôi ly hôn cách đây hơn 10 năm. Khi chia tay vợ cũ, tôi để con và nhà cửa lại cho cô ấy, chỉ lấy khoản tiền tiết kiệm của hai vợ chồng (không lớn lắm, giá trị chỉ 1/10 căn nhà) để ra đi.
Vì buồn, nên tôi đi sang thành phố khác sống, ít khi thăm và gặp con, dù khi đó con mới bảy tuổi (tôi nhớ chỉ gặp cháu đâu chừng sáu lần). Tôi không cấp dưỡng cho con, theo thỏa thuận với vợ cũ trên tòa án, vì căn nhà có khả năng kinh doanh.
Hơn hai năm sau, tôi lập gia đình mới. Vợ tôi cũng có con riêng, cháu cũng xấp xỉ tuổi con trai tôi. Chúng tôi sống hòa thuận bấy nhiêu năm. Tôi thực lòng yêu quý con của vợ, dồn hết tình thương của mình cho cháu.
Vừa rồi, vợ cũ của tôi gọi điện, nhắn tin cầu cứu, nói rằng con trai tôi có dấu hiệu hư hỏng, cháu tập tành hút thuốc, chơi với bạn xấu, liên tục bỏ học... Vợ tôi nói "một tiếng cha bằng ba tiếng mẹ", xin tôi giúp cô ấy dạy con. Hơn nữa, cô ấy đang mang thai bé thứ hai với người chồng sau. Cô ấy không đủ sức để lo cho con chung của chúng tôi...
Tôi bàn với vợ muốn đưa con về ở với tôi, vì lòng tôi cũng rất lo lắng. Hơn nữa, hơn 10 năm qua, tôi gần như không có trách nhiệm gì với con trai. Tôi chỉ toàn nhớ những hình ảnh hồi nhỏ của cháu, ngoan ngoãn, hiền lành, ngây thơ. Xưa nay tôi cũng có nghe loáng thoáng là chồng sau của vợ cũ không ưa con tôi, và đối xử có phần thiên lệch.
Nhưng vợ tôi cương quyết từ chối. Cô ấy nói đã 10 năm không nuôi con, cháu lớn lên tâm sinh lý phát triển như thế nào tôi không biết. Giờ lại muốn giúp cháu thì làm sao giúp? Cô ấy mắng vợ cũ tôi rất nặng nề, nói vợ cũ tôi vô trách nhiệm, khi muốn ôm hết tài sản thì dành quyền nuôi con, giờ khó khăn thì muốn đẩy qua cho vợ chồng tôi.
Nhưng mấu chốt vấn đề là tôi nghĩ cô ấy sợ con trai riêng của tôi ảnh hưởng xấu đến con cô ấy, cô ấy nói: "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng". Tôi cũng hiểu nỗi lo của cô ấy, vì con riêng cô ấy hiện giờ rất ngoan, hiền, học giỏi. Nhưng càng nhìn cháu, tôi càng đau lòng cho con trai tôi.
Vợ mới của tôi ra quyết định hết sức sắt đá: "Chọn vợ hay chọn con?". Tôi vô cùng bối rối và đau lòng. Bên nào với tôi cũng quan trọng. Tôi yêu vợ tôi hiện giờ và hiểu cô ấy. Cô ấy đang hết sức bảo vệ con mình mà thôi.
Tôi cũng thương con tôi và cũng hiểu vợ cũ. Cô ấy không phải kiểu người bỏ con hay ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân. Cô ấy đã cầu cứu tôi, chắc là cũng không còn cách nào khác.
Chọn ai cũng đau lòng. Tôi phải làm sao bây giờ đây chị Hạnh Dung?
Huỳnh Công Khanh
Anh Khanh thân mến,
Quả là một chọn lựa vô cùng khó khăn, Hạnh Dung hiểu và chia sẻ nỗi bối rối, đau lòng của anh. Tuy nhiên, anh hãy cố gắng hết sức bình tĩnh lúc này, vì đôi lúc có những tình huống không đến mức phải chọn lựa như là "sống - chết", mà có thể chỉ là những ưu tiên tạm thời chẳng hạn, và có những phản ứng đôi khi chỉ là chuyện khủng hoảng tạm thời, chứ không phải là bản chất.
Trước tiên, anh cần phải đánh giá đúng tình hình của con trai anh, để có thể có quyết định chính xác nhất. Tuổi của cháu đang là tuổi nổi loạn, lại có thể có những biểu hiện mới lạ của tuổi tò mò tìm hiểu, mà mẹ cháu vì đang trong tình trạng mang thai, nhạy cảm, nên lo lắng quá sức mà thôi.
Anh nên có một chuyến về thăm, đưa con trai cùng đi chơi, trò chuyện, thăm dò, tìm hiểu xem nguyện vọng của cháu thế nào? Cháu muốn sống với ai, muốn làm gì, muốn học hành ra sao đã.
Tất nhiên, việc này sẽ vô cùng khó khăn, vì anh và cháu đã cách xa quá lâu, không có chia sẻ, thấu hiểu về nhau. Nhưng cháu đang ở tuổi bắt đầu biết chuyện, muốn được lắng nghe, có khi còn rất muốn giúp đỡ, nên nếu anh tôn trọng và muốn hiểu cháu, mà cháu cảm nhận được điều đó, thì có khi cha con có thể chạm được đến nhau. Có khi chỉ cần một tình thân chắc chắn, như một chỗ dựa, dù xa hay gần, cũng giúp cháu thay đổi.
Với vợ, anh hãy cố gắng đánh động vào tình cảm của cô ấy, làm sao cho cô ấy hiểu được cái khó, nỗi khổ của anh, để đừng đẩy anh vào thế chọn lựa; mà là cùng nhau bàn bạc, để có thể đưa ra những cách giải quyết khiến cô ấy yên tâm, và anh cũng không phải đau lòng.
Nếu có thể, anh hãy cùng cô ấy gặp con trai mình, để xem sự nhạy cảm của phụ nữ có giúp cô ấy đưa ra cho anh lời khuyên nào không? Hãy chứng tỏ rằng anh tin cô ấy, muốn tìm sự giúp đỡ của cô ấy, hy vọng vào sự bao dung của cô ấy, vì cô ấy cũng là mẹ, và cô ấy đã giáo dục con mình rất tốt.
Sau tất cả những quan sát, nhận định, bàn bạc, anh và cả hai người vợ cũ và mới mới có được quyết định đúng đắn. Bứt cháu ra đi chưa chắc đã là tốt. Thay đổi môi trường và đời sống của cháu cũng chưa chắc đã là giải pháp tối ưu. Nhưng phối hợp với mẹ cháu thế nào, có những quan tâm chăm sóc ra sao, là vấn đề anh và cả hai người vợ cùng nên có những thống nhất.
Đưa cháu về với anh, với vợ mới và con riêng của cô ấy, trong điều kiện nào cũng là điều phải cân nhắc xem có tốt cho cháu không? Gần mực thì đen, nhưng cũng còn gần đèn thì rạng. Có thể ảnh hưởng của con riêng vợ mới lên cháu sẽ tốt hơn thì sao? Anh thử thuyết phục cô ấy suy nghĩ lại xem?
Việc lựa chọn cho con anh hay con vợ anh một môi trường học mới tốt như nội trú, hay thậm chí là cho một trong hai cháu du học, để mọi người đều có một khoảng thời gian thay đổi cho phù hợp, cũng không phải là phương án tồi, nếu nó phù hợp với cả hai cháu.
Nói chung, có rất nhiều hướng để thảo luận, cân nhắc và chọn lựa, trước khi buộc phải quyết những điều có thể phá vỡ hoàn toàn, đập đi xây lại cuộc sống khác. Chỉ có điều, ai cũng cần có chút cố gắng, hy sinh, vì điều này liên quan đến tương lai của hai đứa trẻ, đến hạnh phúc của hai mái gia đình.
Tất nhiên, đó là mọi phương án có thể thử. Trong trường hợp quá khó khăn, anh buộc phải chọn lựa sự ưu tiên nào hơn cả, dù có thể khiến trái tim anh đau, nhưng lương tâm và trí óc của anh sẽ không bị dằn vặt cho đến mãi về sau. Và ngay cả trong trường hợp đó, anh cũng có thể giới hạn chúng trong khoảng thời gian cho phép, để có thể dành ưu tiên cho một bên, chứ không phải là dứt bỏ hoàn toàn.
Hạnh Dung không thể chọn lựa giùm anh được, vì đó là câu chuyện của tình yêu thương, trách nhiệm, và nó sẽ có hậu quả lâu dài, thậm chí vĩnh viễn tới cuối đời. Chúc anh bình tĩnh, sáng suốt và được thông cảm.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn