edf40wrjww2tblPage:Content
Đã có 13 công nhân (CN) bị thiệt mạng và 28 người bị thương trong vụ sập giàn giáo ở công trường đổ bê tông chắn sóng thuộc Dự án Formosa (khu kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh).
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Phép màu đã không đến
Ngay trong đêm xảy ra vụ sập giàn giáo, nhiều người vợ, người mẹ hay tin chồng, con đang bị vùi lấp trong đống đổ nát. Họ gào khóc, gọi điện thoại cho các CN kẹt trong khu tai nạn, nhưng tuyệt nhiên không có trả lời. Trời đêm, lại có mưa rả rích khiến công tác tìm kiếm cứu nạn thêm khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Kiều (ở xã Diễn Thành, H.Diễn Châu, Nghệ An) - ở cách hiện trường hơn 150km không tin là chồng mình - anh Nguyễn Hữu Chính (37 tuổi) đã ra đi, bỏ mẹ con chị. Cả đêm, chị Kiều ngồi bấm điện thoại cho chồng, chuông vẫn đổ, không ai nghe máy. Đến rạng sáng hôm sau, thi thể anh Chính được tìm thấy, chị mới tin đó là sự thật.
Cùng hoàn cảnh như chị Kiều, chị Nguyễn Minh (ở H.Yên Thành, Nghệ An) cũng ôm con nhỏ trắng đêm chờ tin chồng. Khi chiếc xe chở quan tài về đến đầu ngõ vào chiều 26/3, chị Minh gào khóc rồi ngất xỉu.
Chị Nguyễn Thị Thương (trú tại thôn 2, xã Lâm Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) mới tạm biệt chồng là anh Nguyễn Văn Lịch được hai ngày thì ngày thứ ba, anh đã về nhà trong chiếc quan tài. Cùng xã với chị Thương, chị Đinh Thị Phương cũng ôm hai con nhỏ chịu tang chồng - anh Nguyễn Văn Dũng... Tất cả họ đều cầu mong phép mầu đến với gia đình mình. Nhưng phép mầu đã không đến, khi lực lượng tìm kiếm cứu nạn lần lượt đưa thi thể nạn nhân ra từ đống sắt thép.
Làm rõ trách nhiệm nhà thầu
Sau khi được đưa về BV Đa khoa H.Kỳ Anh cấp cứu, những CN bị nặng đã được chuyển lên BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Chiều 26/3, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng và ông Võ Kim Cự - Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Bộ trưởng Xây dựng gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân, đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh thành lập ngay đoàn liên ngành để điều tra, rà soát điều kiện năng lực, công tác quản lý an toàn thi công xây dựng của các nhà thầu hạng mục công trình này; làm rõ trách nhiệm quản lý an toàn thi công lao động của chủ đầu tư và trách nhiệm kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở địa phương.
Công tác tìm kiếm cứu nạn cho đến 13g chiều 26/3 mới kết thúc. Anh Tạ Minh Hoàng (29 tuổi, quê tỉnh Ninh Bình) - CN Công ty NIBELC chưa hết bàng hoàng: “Trước khi giàn giáo đổ sập xuống chừng 30 phút, CN đã đề nghị đại diện nhà thầu cho phép ngừng làm việc. Một số người thấy rung lắc mạnh đã xuống khỏi giàn giáo. Tuy nhiên, ông Ly Đen (người Hàn Quốc quản lý tại công trường) vẫn buộc CN tiếp tục làm việc vì cho là không ảnh hưởng gì”. CN Cao Minh Đàn (26 tuổi, quê H.Minh Hóa, Quảng Bình) chưa hết hoảng sợ: “Em cứ nghĩ mình không còn cơ hội sống sót. Khi ấy bọn em đang làm việc trên giàn giáo ở độ cao 20m, bỗng thấy cả hệ thống giàn rung lắc, tiếp đó là tiếng va đập mạnh giữa các thanh sắt lớn. Em cố níu chặt thanh sắt, chẳng còn biết làm gì. Lúc đó tất cả như một đống hỗn độn, đen tối. Nhiều tiếng hô lớn, sau đó là tiếng kêu cứu. Rồi em không còn nhớ gì nữa cho đến khi tỉnh dậy thì thấy mình ở BV”.
Chị Võ Thị Đào đang chăm sóc chồng tại bệnh viện - Ảnh: H.L.
Điều tra nguyên nhân sập giàn giáo
Sáng 26/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có công điện số 417/CĐ-TTg chỉ đạo tổ chức cứu nạn sự cố sập giàn giáo công trường xây dựng dự án cảng Sơn Dương thuộc khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm những người còn đang bị mắc kẹt trong đống đổ nát, đồng thời bảo đảm an toàn cho các lực lượng cứu hộ, cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, kịp thời cấp cứu những người bị thương; phối hợp với các địa phương liên quan hỗ trợ, tổ chức an táng chu đáo đối với những người bị thiệt mạng.
Cùng ngày, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã rút ngắn chương trình công tác tại Quảng Ngãi để ra ngay hiện trường, trực tiếp chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn. Sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo BV Việt Đức cử ngay một đoàn bác sĩ với các chuyên gia đầu ngành về chấn thương, hồi sức cấp cứu vào Hà Tĩnh hỗ trợ. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị y tế tập trung mọi nguồn lực cấp cứu cho các nạn nhân, hạn chế tối đa số tử vong. Đoàn công tác của BV Việt Đức với bốn bác sĩ đã lên đường làm nhiệm vụ lúc 1g sáng 26/3.
Bộ Xây dựng đã có chỉ đạo về việc giải quyết sự cố, đề nghị cùng với việc cứu hộ, cứu chữa những nạn nhân, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần thành lập ngay đoàn điều tra liên ngành theo quy định của pháp luật để điều tra làm rõ nguyên nhân sập giàn giáo. Trong đó, cần lưu ý kiểm tra quy trình thi công lắp dựng và hạ giàn giáo, đối chiếu so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng số QCVN 18:2014/BXD và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác liên quan... Ông Lê Đình Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: tỉnh đã lập tổ điều tra, đang khám nghiệm hiện trường và lấy lời khai của các CN.
Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã quyết định hỗ trợ cho các nạn nhân 150 triệu đồng. Đoàn trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do ông Đặng Minh Châu - Phó tổng thư ký dẫn đầu đã về thăm hỏi, động viên các CN bị thương. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ ban đầu ba triệu đồng đối với gia đình có người tử nạn và hai triệu đồng đối với nạn nhân đang điều trị tại các BV.
Công ty Samsung T&C Comporation đồng ý mức hỗ trợ ban đầu 30 triệu đồng cho mỗi gia đình nạn nhân tử vong. Phía Formosa cũng hỗ trợ 20 triệu đồng/người chết, 10 triệu đồng/người bị thương nặng, 9 triệu đồng/người bị thương nhẹ hơn…
Bà Lê Thị Hải Yến - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh cùng đoàn đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và trao 19 suất quà, mỗi suất trị giá một triệu đồng cho 19 nạn nhân đang cấp cứu. Các nạn nhân không phải chi trả mọi khoản điều trị.
H.LÂM - P.MAI - H.ANH - B.THOA