Vợ mang thai, chồng không 'nhịn' nổi nên 'ăn bánh trả tiền' và nhiễm HIV

13/05/2017 - 12:13

PNO - Anh không dám gần gũi, sợ lây cho em. Anh không biện minh, cũng không yêu cầu tha thứ, chỉ nói đơn giản là em muốn giải quyết chuyện này thế nào anh cũng chấp nhận

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Chồng em là người đàn ông đầu tiên của đời em, quen nhau qua giới thiệu của bạn bè. Anh 33 tuổi, hơn em gần chục tuổi, chững chạc, nghiêm túc. Hôn nhân khởi đầu vô cùng hạnh phúc.

Vo mang thai, chong khong 'nhin' noi nen 'an banh tra tien' va nhiem HIV
Ảnh minh họa

Không chỉ chồng mà cả gia đình chồng đều thương quý em. Em tin tưởng tuyệt đối vào chồng mình vì anh là người nền nếp, mẫu mực; dù bạn bè thường nhắc nhở em, đàn ông chung thủy mười năm có khi phản bội chỉ trong mười phút.

Em không phản đối bạn bè, nhưng thực tế hàng ngày bên cạnh chồng đã cho em niềm tin để không bận lòng với nhắc nhở đó. Rồi em mang thai, sinh được con trai đầu lòng, thỏa mãn khao khát có cháu nối dõi bấy lâu của nhà chồng; vì chồng em là con một, lại lập gia đình muộn. Hạnh phúc ngỡ sẽ nhân đôi, không ngờ…

Do em mang thai lần đầu, ông bà lại quá trông cháu, nên mẹ chồng buộc em phải tuyệt đối kiêng cữ, sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Chồng em cũng cảm thông, chấp nhận, không một lần ép em phá rào.

Thế nhưng, sau khi sinh, em phát hiện thái độ của chồng rất khác lạ. Lúc nào anh cũng có vẻ thất thần, lo âu, mặt gần như không còn chút sinh khí; dù hàng ngày vẫn lo cho vợ con chu đáo. Bất an, em nhiều lần gặng hỏi; anh ấp úng, loanh quanh, cuối cùng đổ tại áp lực công việc.

Em không tin nên càng thêm hoang mang. Sợ anh thiếu thốn lâu ngày ảnh hưởng tinh thần, tuy còn yếu nhưng em vẫn chủ động gợi ý bù đắp, anh cũng không hưởng ứng, nói là em chưa được khỏe, không cẩn thận sẽ bị viêm nhiễm, ảnh hưởng cả hai mẹ con. Nghe hợp lý, em yên tâm dưỡng sức đến khi con đủ sáu tháng, mới tính chuyện gần gũi vợ chồng.

Không ngờ, anh lại tiếp tục tránh né, vặn hỏi cách nào anh cũng không giải thích. Cả tháng trời như vậy, không ngày nào em không rớt nước mắt tủi thân, suy diễn đủ điều, càng lo nghĩ càng khủng hoảng tinh thần. 

Một hôm, dọn dẹp phòng làm việc của chồng, thấy chìa khóa ngăn kéo anh bỏ quên trong ổ, em quyết định mở ra xem thử và chết đứng khi tìm thấy tờ xét nghiệm máu, kết quả ghi rõ ràng là anh dương tính với HIV. Tại sao anh vướng vào căn bệnh ác nghiệt đó? Mẹ con em có bị lây nhiễm chưa?

Đếu lúc đó, anh mới chịu thú nhận là trong những ngày em mang thai, không nhịn nổi nên anh đã ra ngoài “ăn bánh trả tiền”, sơ ý để bị nhiễm. Vì thế, anh không dám gần gũi, sợ lây cho em. Anh không biện minh, cũng không yêu cầu tha thứ, chỉ nói đơn giản là em muốn giải quyết chuyện này thế nào anh cũng chấp nhận.

Vì con, em cũng muốn tha thứ, nhưng làm sao có thể sống chung với một người nhiễm căn bệnh mà nghĩ đến là em đã rùng mình ghê sợ. Còn nếu ôm con ra đi, mẹ con em sẽ sống thế nào? Liệu anh có vượt qua được khi đã mất tất cả? Chị giúp em.

Hạnh (Q.9, TP.HCM)

Em Hạnh mến,

Chuyện của em đã rõ. Sau những khủng hoảng, hoang mang, giờ là lúc em cần thật bình tĩnh để giải quyết vấn đề, cố gắng giảm thiểu hậu quả được chừng nào tốt chừng ấy. Thật ra, ít nhiều cũng có thể hiểu và thông cảm cho những phút yếu lòng của chồng em. “Nhịn” mãi suốt hơn một năm dài thì đúng là một thử thách không đơn giản.

Vo mang thai, chong khong 'nhin' noi nen 'an banh tra tien' va nhiem HIV
 

Chồng em chọn cách “ăn bánh trả tiền”, không dây dưa bồ bịch, là đã tự biết mình làm sai, sợ phải ảnh hưởng đến gia đình. Nếu anh ấy không sơ suất để bị nhiễm HIV, hẳn chuyện đã chìm khuất mãi trong bóng tối.

Em thử nghĩ, nếu không yêu thương, không lo cho vợ, khi đã nhiễm, liệu anh có cố giữ cho em như đã làm, hay nhắm mắt bất cần để che giấu sự thật thêm ngày nào hay ngày ấy, bất chấp hậu quả? Em cũng đã nghĩ nếu chia tay, khi phải mất tất cả, từ hy vọng sống đến vợ con, chồng em còn biết tựa vào đâu để chống chọi với bệnh tật?

Em có thử hình dung đến cái kết xấu nhất? Tất nhiên, để bị lây nhiễm là lỗi của anh ấy. Cũng chẳng ai có thể ép được em trói đời mình vào một người nhiễm HIV. Tất cả tùy vào lòng em. Em yêu thương chồng đến đâu? Có cảm thông, tha thứ được không? Có đủ sức mạnh để chung vai cùng chồng đối mặt với cơn sóng gió này không? Chỉ em mới có quyền quyết định đời mình!

Trước mắt, việc em cần làm ngay là cả hai mẹ con phải làm xét nghiệm để xác định xem có bị lây nhiễm không. Đồng thời, em cần tìm sự tư vấn, hỗ trợ từ cơ quan y tế và những tổ chức chuyên giúp đỡ những người liên quan đến HIV.

Nếu hiểu biết và có ý thức phòng ngừa, việc chung sống với người nhiễm HIV thật ra không đáng sợ như em hình dung. Phải hiểu rõ tình trạng của mình, có đủ thông tin về HIV và có sự hỗ trợ chuyên môn, em mới đủ cơ sở để cân nhắc và quyết định cho tương lai hai mẹ con. HIV không phải là dấu chấm hết.

Chúng ta vẫn còn tình người và không thiếu hy vọng. Vấn đề nằm ở lòng em - có thấy chồng xứng đáng để mình chấp nhận hy sinh? 

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gởi theo địa chỉ:

hanhdungonline@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI