'Vợ lớn' mang trầu cau đi hỏi vợ 2 cho chồng

29/07/2017 - 09:59

PNO - Hơn 15 năm chung sống nhưng không có con, bà Tuyết đánh liều mang trầu cau đi hỏi vợ 2 cho chồng rồi một tay chăm bẵm các con riêng của chồng với mong muốn có người hương khói cho gia đình bên nội.

Quyết tâm cưới vợ mới cho chồng vì không có con

Thắp vội nén nhang cho người chồng quá cố rồi quay ra chuẩn bị cơm trưa, bà Nguyễn Thị Tuyết (76 tuổi, trú xóm Tân Hồng, xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) cho biết, hơn 50 năm trước, bà nên duyên vợ chồng với ông Dương Đình Thắng (quê huyện Nam Đàn, Nghệ An) qua mai mối của người chị gái. Sau khi kết hôn, bà Tuyết theo chồng lên vùng kinh tế mới tại huyện Tân Kỳ lập nghiệp.

Cuộc sống của hai vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn nơi vùng đất mới, nhưng nhờ tính cần cù chịu khó nên rồi cũng có của ăn của để. Cuộc sống dần ổn định cũng là lúc đôi vợ chồng trẻ tính đến chuyện có con để vui nhà cửa. Bi kịch cũng bắt đầu từ đây, bà Tuyết biết tin mình không thể có con. Thương vợ, ông Thắng bỏ công ăn việc làm chở vợ đi khắp nơi chữa trị nhưng bất thành.

'Vo lon' mang trau cau di hoi vo 2 cho chong
Bà Tuyết rơi nước mắt mỗi khi nhắc đến người chồng quá cố.

“Ngày đó không sinh được con như nghiệp chướng ấy, áp lực không những từ gia đình mà còn cả từ làng xóm láng giềng. Ông ấy cũng mệt mỏi vì điều tiếng, dù chưa nói một lời nhưng tôi cảm nhận rõ chuyện đó”, bà Tuyết nghẹn ngào nhớ lại.

Bà Tuyết kể, phần vì áp lực chuyện không thể sinh người lo nhang khói cho chồng, phần vì thương, bà quyết định ly dị để rộng đường cho chồng mình đi thêm bước nữa nhưng bị ông Thắng quyết liệt phản đối. Không thực hiện được ý tưởng của mình, người đàn bà 76 tuổi này lại bàn với chồng lấy thêm vợ nữa để sớm có con cái cho “vui nhà, vui cửa”, về già có người chăm nom.

'Vo lon' mang trau cau di hoi vo 2 cho chong
Bà Tuyết và bà Hợi vẫn thường xuyên lui tới chuyện trò với nhau khi đã về già.

Bà Tuyết kể, biết bà Nguyễn Thị Hợi (68 tuổi, cùng quê với bà Tuyết) tuy lầm lỡ, đã có một người con, nhưng lại được đánh giá là người hiền lành, đức độ nên bà đã quyết định đi se duyên cho chồng mình. Sau nhiều lần tìm đến nói chuyện, thổ lộ, bà Tuyết quyết định tự tay sắm trầu cau mang qua nhà bà Hợi hỏi làm vợ hai cho ông Thắng.

“Do gia đình ở xa nên mọi thứ từ sắm trầu cau qua ăn hỏi rồi đến làm mấy mâm cơm mời bà con lối xóm đều do một tay tôi chuẩn bị cả. Lúc đó tôi cũng không thể hiểu được cảm xúc của mình như thế nào, vui có, buồn có, thậm chí là cả một cảm xúc như sắp mất một thứ gì đó rất lớn của cuộc đời”, bà Tuyết ngậm ngùi kể lại.

Sống nương tựa vào nhau

Bà Hợi cho biết, sau đám cưới, ba người cùng sống chung dưới một mái nhà. Do công việc đi giảng dạy xa nên từ mọi công việc trong nhà cho đến chăm sóc đứa con riêng của mình đều phải trông chờ vào một tay bà Tuyết.

'Vo lon' mang trau cau di hoi vo 2 cho chong
Dù chồng không còn nhưng hai người vợ "chung chồng" này vẫn luôn giúp đỡ và động viên nhau vui sống mỗi ngày.

Sống chung chồng dưới một mái nhà nhưng chưa một lần cả 3 người xảy ra một mâu thuẫn hay cãi vã, niềm vui của “cuộc tình tay 3” này liên tiếp đến khi bà Hợi sinh cho ông Thắng 6 người con. “Dù không phải do chính mình sinh ra nhưng tôi chưa khi nào nghĩ là con ai chỉ biết làm sao để cho chúng được hạnh phúc nhất. Được chăm sóc và nuôi dạy các con, tôi cùng thấy an ủi và đỡ chạnh lòng với số phận của mình”, bà Tuyết chia sẻ.

Sau nhiều năm chung sống với nhau, ông Thắng quyết định nhường lại căn nhà cho người vợ cả rồi cùng bà Hợi dọn đến gần trường học sống để thuận tiện cho công việc của vợ. Không than phiền, ngày ngày bà Tuyết vẫn lui tới chuyện trò, thậm chí là lo mọi chuyện cho cha con ông Thắng mỗi lúc có công chuyện.

'Vo lon' mang trau cau di hoi vo 2 cho chong
Hai "bà nội" vui vẻ, quây quần bên đứa cháu nội.

Bà Hợi cho biết, ít năm trước, khi bà đang ở miền Nam thăm con thì ông Thắng lâm bệnh nặng. Mọi việc ở nhà từ cơm nước, thuốc thang đều được bà Tuyết một tay lo liệu chu đáo cho tới khi ông Thắng đến khi nhắm mắt xuôi tay.

“Nay ông ấy không còn, nhưng chúng tôi vẫn lui tới giúp đỡ nhau mỗi lúc có công chuyện. Giờ già rồi, con cái cũng trưởng thành cả, hai bạn già lại nương tựa vào nhau mà sống thôi”, bà Tuyết vui vẻ nói.

Ông Nguyễn Văn Trung, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc cho biết, dù sống chung với nhau nhưng giữa 3 người vẫn rất hòa thuận và êm ấm. Chưa khi nào làng xóm nghe tiếng than phiền, nói nhau nặng lời. Sau khi chồng mất, giữa bà Tuyết và bà Hợi vẫn đi lại, cùng nhau lo mọi việc chung và lo cho con cái rất tốt.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI