Ngày ăn tân gia ngôi nhà hoành tráng ở H.Nhà Bè, TP.HCM, anh Minh Tiến mời rất nhiều bạn bè đến chung vui. Khi khách rôm rả nâng ly, vợ anh hào hứng tuyên bố: “Có ngôi nhà này 95% là nhờ công sức “bạch mã hoàng tử” của tui, tui chẳng góp được bao nhiêu, cùng lắm chỉ là góp… cái cầu thang sắt lên sân thượng”.
Anh được dịp nghênh mặt như người anh hùng mới thắng trận. Mấy bàn tiệc cười rần rần với lời lẽ dí dỏm và hình ảnh hết sức cụ thể “cầu thang sắt” của chị. Giai thoại ấy khiến chị chết danh: “Cầu Thang Sắt”.
|
Ảnh minh họa |
Đó là chuyện của ba năm về trước, khi anh Tiến thu nhập cao ngất. Không may, trong mùa COVID-19 này, anh tạm thời thất nghiệp, cũng có nghĩa là tuột hạng trong bảng tổng sắp của vợ chồng.
Thời điểm này, anh Tiến không còn tiền tích lũy (do dồn hết vào ngôi nhà) và cũng hên là vừa trả dứt nợ mua nhà. Đối mặt với con số 0 tròn trĩnh, vợ chồng anh sống nhờ vào đồng lời bán gạo của chị.
Có vất vả hơn, chi tiêu gì cũng phải cân nhắc hơn nhưng nhờ chị nhẹ nhàng, vui tính, lạc quan nên anh mau chóng thích ứng cuộc sống mới, bớt nặng nề rầu lo chuyện thất thu hay công việc gãy đổ giữa chừng.
Chị thì từ hồi mới cưới đã luôn dậy sớm hơn chồng một chút, chải tóc, thay quần áo tươm tất. Không bao giờ chị để chồng nhìn thấy bộ dạng lù xù, nhếch nhác, nó sẽ vô tình gieo cấy cảm giác chán vợ ngấm sâu vào tiềm thức.
Dù khi chồng đem về chục triệu đồng hằng tháng hay không đồng vẫn vậy, chị cũng phải gọn đẹp. Chồng đang gặp trở ngại, căng thẳng, buồn bã, người vợ càng phải tươi mới.
Hôm anh chính thức thất nghiệp, mặt buồn rười rượi về nói chuyện với chị, chị không lộ vẻ thất vọng, lo lắng. Thật ra, chị đã đoán điều này chẳng sớm thì muộn sẽ xảy ra, do ảnh hưởng của COVID-19 đã gõ cửa từng nhà.
“Không đi làm công ty thì ở nhà phụ vợ. Vợ bao ăn, bao ở, bao điện, bao nước, bao quần áo mặc cả ngày và bao ôm luôn” - chị hài hước trấn an chồng.
Niềm vui bắt đầu từ sáng sớm, chị đánh thức chồng bằng mùi ngào ngạt của tách cà phê. Chị liếc xéo chồng, chọc ghẹo: “Chưa bao giờ thấy trên đời có ai giám đốc mà lại đi pha cà phê cho nhân viên mới tuyển. Đúng là đẹp trai nên có giá thiệt đó!”.
Anh cười, không quên cảm ơn “Cầu Thang Sắt”. Tức thì chị đổi giọng đanh đá: “Hứ. giám đốc chứ, Cầu Thang Sắt gì! Xưa rồi!”.
Có anh phụ bán gạo, chị đỡ cực, nhất là với những bao gạo to, nặng. Trước đây, thỉnh thoảng anh cũng giúp một tay nhưng không xuyên suốt vì bận đi làm. Anh công nhận chị là “siêu nhân” khi chu toàn cả việc buôn bán lẫn cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Lao động chân tay chưa quen, anh mệt, mồ hôi chảy ròng ròng.
Khi anh làm chậm hoặc nhầm lẫn, chị chỉ dẫn cặn kẽ, nhẹ nhàng. Lúc nghỉ tay, chị pha trò, kể chuyện vui cho anh nghe bay mệt.
Ví như chị kể chuyện rằng có người vợ nói: “Kiếm tiền dễ ợt chứ có khó gì đâu, chồng!”. Rồi vợ hướng dẫn trò chơi: Vợ sẽ lấy tiền giấu vào hốc kẹt nào đó rồi chồng có nhiệm vụ đi kiếm. Kiếm tiền.
Ví như chuyện rằng có một ông lâm vào đói kém, định sang mượn lúa gạo của ông hàng xóm giàu có (trước giờ hai ông vẫn ăn thua nhau từng chút như trẻ con).
Nhưng “muối mặt” qua mượn thì e nhục quá, thế nào lão nhà giàu kia cũng cười cợt cho mà coi, rồi xỉa xói, móc mỉa cho mà coi, không loại trừ khả năng sẽ từ chối, xua đuổi với thái độ hết sức trịch thượng...
Diễn biến tâm lý cuồn cuộn đến nỗi ông nhà nghèo vừa bước tới cửa, thấy ông nhà giàu ra chào và mời vào thì ông nhà nghèo bỗng hét lên: “Thôi, ông cứ giữ lấy bồ lúa của ông đi!”.
Anh nghe kể, lắc đầu, cười sặc. Chuyện như vậy mà vợ cũng nghĩ ra được, hoặc lụm lặt ở đâu, không biết có chính xác với nguyên tác hay không nhưng cũng có tác dụng thay đổi bầu không khí.
Anh hy vọng nhà mình ổn, hy vọng mau hết dịch để không phải tranh chấp nhau việc cử vợ hay chồng ra “tuyến đầu”… mượn tiền bà con, bạn bè, hàng xóm.
Những tháng ngày này, dẫu cơ cực nhưng để lại trong anh nhiều cung bậc cảm xúc bên người vợ giỏi chọc cười như một diễn viên hài mà cũng có bàn tay ấm như cô tiên lắm phép màu.
Tô Diệu Hiền
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Trụ cột cũng cần điểm tựa tinh thần
Làm trụ cột, gánh vác kinh tế gia đình hay xây nhà để “an cư lạc nghiệp” là ba nhiệm vụ tạo ra áp lực cho cánh mày râu. Áp lực này một phần do định kiến của xã hội, do chính suy nghĩ của người đàn ông và cũng xuất phát từ kỳ vọng quá lớn ở người vợ.
“Mọi người vẫn thường kháo nhau và đo lường sự thành đạt của người đàn ông dựa trên nhà cửa và công việc. Thật ra đó cũng là động lực để tôi cố gắng bao năm qua. Thế nhưng, từ ngày COVID-19 bùng phát, tôi phải làm việc tại nhà.
Nguồn thu nhập giảm đi trong khi những sinh hoạt phí hằng tháng phải đảm bảo và đặc biệt phải góp cho xong khoản tiền nhà. Nhiều lúc rất mệt mỏi nhưng cố gắng an cư trước để còn tập trung sự nghiệp và chuẩn bị kế hoạch đón thành viên mới sắp ra đời” - anh Kỳ Quang Minh (35 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM) tâm sự.
Sự ổn định về kinh tế là một cơ hội để có cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc, tuy nhiên, nhịp sống thời nào cũng thiên biến vạn hóa và đầy thử thách, bên cạnh thành công thì còn có xác suất thất bại không nhỏ. Dĩ nhiên khi người gánh vác kinh tế rơi vào hoàn cảnh trở ngại hay thất bại thì áp lực trụ cột sẽ khiến họ vô cùng mệt mỏi.
Anh Phạm Văn Luân (40 tuổi, Tiền Giang) chia sẻ: “Từ trước đến giờ tôi quen với việc kiếm tiền bên ngoài để lo cho vợ con, nhưng mấy tháng qua mọi thứ dường như đóng băng, tôi đành bất lực ở nhà. Điều này khiến tôi bức bối vô cùng. Nghe vợ than, tôi càng áp lực hơn”.
Thực tế cho thấy đại dịch COVID-19 đã tạo ra sức ép về mặt tài chính và sự kéo dài của nó như tảng đá đang đè nặng trên vai của người gánh vác kinh tế gia đình. Nếu như người chồng - vai chính gánh vác kinh tế - không có được sự đồng cảm, chia sẻ từ người vợ thì rất dễ cảm thấy rơi vào trạng thái tinh thần căng thẳng.
Thay vì dồn trách nhiệm về phía đàn ông thì người vợ hãy cùng chồng tìm cách thích ứng với những điều kiện mới. Vậy chị em cần làm gì để người gánh vác kinh tế gia đình giữa mùa dịch bớt áp lực?
Đàn ông vốn rất tự trọng, nhạy cảm với chuyện tiền bạc, người vợ nên tôn trọng chồng trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt khi người gánh vác kinh tế rơi vào bế tắc vì đại dịch, đừng để họ đối diện một mình.
Mấy tháng qua vì dịch bùng phát, chồng phải làm việc tại nhà nên tài chính có phần bị hụt và eo hẹp, chị Phạm Thị Thanh Tâm (Q.6, TP.HCM) đã linh hoạt tìm cách gói ghém, cân đối chi tiêu hợp lý hơn. Những ngày dịch, chị và anh xã cùng nhau trồng thêm rau sạch, nấu ăn. Vợ chồng tập thể dục, thậm chí spa tại nhà.
Chị Lê Thị Ánh Nguyệt (TP.Thủ Đức, TP.HCM) quan niệm rằng việc đẩy trách nhiệm gánh vác kinh tế gia đình cho người đàn ông đã lỗi thời và xã hội đang hướng đến sự bình quyền về mọi mặt. Chị luôn tin chỉ cần “đồng vợ đồng chồng” thì áp lực gánh vác kinh tế trên đôi vai người đàn ông phần nào sẽ nhẹ đi và mọi khó khăn trước mắt cũng chỉ là thử thách.
Không phải tự nhiên mà nhiều người thường nói “đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Là hậu phương, người vợ cần phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của người gánh vác kinh tế gia đình.
Và lẽ dĩ nhiên trên hành trình tiến thân, người đàn ông sẽ không tránh khỏi những vui buồn, những thăng trầm, những được mất…
Bằng cách này hay cách khác, chị em hãy cho chồng thấy mình luôn bên cạnh, luôn tôn trọng anh ấy. Đôi khi chỉ cần một lời an ủi, sự đồng lòng nhắc nhở nhau cùng vượt qua đại dịch đã như một liều thuốc tinh thần giúp người đàn ông có thể vững vàng hơn trước những sóng gió cuộc đời.
Thế mới nói, còn gì tuyệt vời hơn khi bên người đàn ông vẫn luôn hiện hữu một điểm tựa tinh thần.
Thạc sĩ tâm lý ĐẶNG HOÀNG AN
|