Vợ làm gì cũng 'sợ người ta nói'

10/10/2019 - 14:11

PNO - Khi đám cưới bạn thân, tôi muốn hai vợ chồng cùng đi, nhưng cô ấy cương quyết: “Chồng đi một mình nhé. Mấy cái đầm kia em mặc cả rồi, mất công người ta thấy em mặc lại đồ cũ”. Nghe vợ nói, tôi chỉ biết than trời.

Vợ tôi mắc chứng bệnh “sợ người ta nói” đã lâu, nhưng không ngờ ngày càng trầm trọng. Đôi khi, cô ấy lo lắng một cách vô cớ, luôn sợ bị soi mói, bàn tán.

Cô ấy hay kể về Hà, người bạn thân thời đại học. Cách đây hai năm, biết tin vợ chồng bạn đổ vỡ, vợ nhắn tin hỏi thăm nhưng chẳng nhận được phản hồi. Cũng bởi vì sợ mang tiếng chồng chê, chồng bỏ, sợ phải nghe những lời xì xào của người khác nên Hà thu mình lại, không gặp gỡ, giao tiếp với ai. 

Vợ thấy Hà như vậy thì lắc đầu nói "việc gì phải sống quan quan tâm như vậy". Thế nhưng chính vợ cũng “sợ người ta nói”.

Người phụ nữ bản lĩnh, hiện đại cần biết kiểm soát cuộc sống của mình, họ biết mình cần gì, muốn gì, tự yêu lấy mình. Nhưng đối với những người dễ bị tác động, "tâm lý yếu", họ không dễ dàng chịu được sức nặng từ những lời nói và hành vi tiêu cực từ người khác. Gặp chuyện gì, họ cũng không dễ dàng chia sẻ, và khi có vấn đề không may xảy đến, họ cần thời gian xoa dịu khá dài.

Vo lam gi cung 'so nguoi ta noi'
Ảnh minh hoạ

Ngày trước, tôi đã phải rất vất vả để nương theo cảm xúc của vợ. Tôi mất khá nhiều thời gian để khuyên nhủ, động viên. Ngày nào cô ấy cũng loay hoay trong mớ câu hỏi: “Mình làm vậy, người ta nói gì không?”. Thời điểm hai vợ chồng cưới được hai năm nhưng chưa có con, thay vì lo sức khỏe không tốt, vợ lại sợ bị hỏi “sao lâu thế không có tin vui?”, rồi vợ sợ bị người ta xì xào bán tán chúng tôi bị bệnh tật gì.  

Sau khi sinh con đầu, thấy khá lâu vợ không ra ngoài hò hẹn, gặp gỡ bạn, tôi khuyến khích cô ấy đi, tình nguyện làm xe ôm chở vợ. Nhưng vì cô ấy sợ bạn bè trêu chọc, chê dáng vẻ nên ru rú trong nhà. Những khi đám cưới bạn thân, tôi muốn hai vợ chồng cùng đi, nhưng cô ấy nói: “Thôi chồng đi đi, mấy cái đầm kia em mặc cả rồi, mất công người ta nói em mặc lại đồ cũ”. Nghe vợ nói, tôi chỉ biết than trời. 

Hội chứng “sợ người ta nói”, “sợ không đẹp, không ổn” trong mắt người vợ "sở hữu" từ thời còn trẻ. Thi trượt đại học, cô ấy trốn biệt cả năm trời, vì "không có mặt mũi nhìn ai". Cô ấy thường đặt ra một mục tiêu hoàn hảo, và dĩ nhiên chẳng bao giờ những gì cô ấy muốn cũng đạt được. Đến khi thấy mình vô dụng và chẳng làm nên trò trống gì, thì cô ấy mất đi sự tự tin.

Vo lam gi cung 'so nguoi ta noi'
Ảnh minh hoạ

Ba năm trước vợ vay vốn ngân hàng để mở quán cà phê và hoa tươi. Sau một năm kinh doanh thất bại, cô ấy phải thanh lý và chịu lỗ vài trăm triệu đồng. Dù đến nay, khoản nợ đã được trả xong, nhưng tâm lí thất bại cũng cho vợ cảm giác không muốn gặp bà con họ mạc. Cô ấy thường viện lý do bận việc, tránh mặt những khi hội họp vì sợ mọi người nói ra nói vào.

Vì áp lực trở thành con người ưu tú mà cô ấy tự gây khó dễ, bực bội cho bản thân. Ai cũng bận rộn theo vòng quay cuộc sống, người ngoài không có thời gian để có thể nhớ rằng vợ đã mặc những chiếc đầm nào, đi đôi giày nào. Rồi mà có mặc lại đồ cũ thì cũng đã sao. Chuyện làm ăn cũng vậy, đâu phải ai cũng thuận lợi, chú ý quá tới lời ăn tiếng nói người ta làm gì.

Đã nhiều lần tôi khuyên vợ sống vì mình. Vì điều quan trọng nhất là mình nhìn nhận cuộc sống như thế nào. Tôi muốn vợ suy nghĩ tích cực hơn, muốn cô ấy biết chẳng mấy ai dư thời gian để quan tâm người khác quá nhiều, hoặc ít nhất cô ấy phân biệt được đâu là sự quan tâm chân thành, đâu là sự tò mò, để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc.

Mạnh Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI