Vợ không hôn thú lại được xử thắng trong vụ kiện đòi chồng

05/07/2018 - 10:16

PNO - Từ khi chồng “sống đời thực vật”, một tay bà Quế chăm chồng, chăm con, chăm lo vườn rẫy, cuộc sống vất vả nhưng cũng khá yên bình. Bỗng dưng, bà Dương Thị Lím cùng Dương Văn Đạt xuất hiện, nhận ông Đa là chồng, là bố.

Người phụ nữ gầy đen cúi gằm mặt vừa cạo hạt điều khô vừa kể lại câu chuyện bằng thứ tiếng Việt chưa sõi: “Khổ lắm cô ạ, không có tiền đong gạo đâu. Mình đi cạo mủ vườn nhà mình thì họ vào trút hết. Bây giờ chỉ cạo điều thuê, mỗi ngày được 30.000 đồng mua gạo cho con ăn.

Chồng mình giờ họ không cho chăm. Chồng cũng mất mà vườn bãi người ta cũng chiếm hết. Mình đi kiện mà không biết chữ, không hiểu luật nên không biết làm thế nào để họ giải quyết”. Đó là tâm sự của bà Lý Thị Quế - người S’tiêng, ngụ tại xã Phước Sơn, H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.  

Vo khong hon thu lai duoc xu thang trong vu kien doi chong
Hằng ngày, bà Lý Thị Quế (x) phải cạo hạt điều thuê kiếm sống và nhìn bà Dương Thị Lím thu hoạch mủ cao su trên phần đất của mình

Đòi chồng sau 20 năm chia tay

Năm 2007, bà Lý Thị Quế nên duyên vợ chồng với ông Hứa Văn Đa và sinh được một người con trai. Vợ chồng đều là người dân tộc thiểu số, không biết chữ, không rành tiếng Việt, không hiểu pháp luật, nhưng lại rất siêng làm. Bảy năm sau, tức năm 2014, họ mới đăng ký kết hôn. 

Mọi thứ đảo lộn vào đầu năm 2015, khi ông Đa gặp bạo bệnh và mất năng lực hành vi dân sự. Từ khi chồng “sống đời thực vật”, một tay bà Quế chăm chồng, chăm con, chăm lo vườn rẫy, cuộc sống vất vả nhưng cũng khá yên bình. Bỗng dưng, bà Dương Thị Lím - ngụ tại xã Hoàng Nông, H.Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - cùng Dương Văn Đạt xuất hiện, nhận ông Đa là chồng, là bố.

Sau đó, họ đưa ông Đa rời khỏi địa phương. Gần nửa năm sau, họ đưa ông Đa trở lại và dọn đến chiếm luôn nhà cùng 5ha cao su, điều đang thu hoạch,  đứng tên bà Quế và ông Đa. Mẹ con bà Quế bị đuổi ra khỏi chính ngôi nhà mà mình đã gây dựng hơn 10 năm qua. 

Để “hợp thức hóa” quyền sử dụng số tài sản do vợ chồng bà Lý Thị Quế và ông Hứa Văn Đa tạo dựng, ngày 18/7/2017, bà Dương Thị Lím khởi kiện, yêu cầu Tòa án nhân dân (TAND) H.Bù Đăng tuyên hủy giấy đăng ký kết hôn của bà Quế và ông Đa với bằng chứng duy nhất là lời khai của bà Lím trước tòa.

Bà Lím khai, bà chung sống với ông Hứa Văn Đa tại xã Hoàng Nông, H.Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên từ năm 1984 nhưng không đăng ký kết hôn, đã có 4 người con. Các con bà đều mang họ mẹ theo chế độ mẫu hệ. Năm 1994, cả gia đình bà vào thôn 5, xã Phước Sơn, H.Bù Đăng sinh sống.

Đến năm 1998, bà Lím dẫn các con về quê, còn ông Đa ở lại xã Phước Sơn. Gần 20 năm sau, khi ông Đa bị bệnh, bà Lím quay lại và kiện “đòi” chồng. TAND H.Bù Đăng chỉ căn cứ vào lời khai của bà Lím, không hề xem xét các giấy tờ, chứng cứ mà bà Quế trình bày, ra phán quyết hủy giấy đăng ký kết hôn giữa bà Quế và ông Đa. 

“Sống thực vật” vẫn ký giấy ủy quyền

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế, bà Lím cùng ông Đa đã có quãng thời gian chung sống với nhau, có khai phá và mua gần 8 sào đất. Sau khi bà Lím trở về Thái Nguyên (năm 1998), năm 1999, UBND H.Bù Đăng mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 145 cho hộ Hứa Văn Đa.

Khi sống với bà Quế, ông Đa và bà Quế tạo dựng thêm hai khối tài sản khác là một thửa đất 20.164,2m² (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Hứa Văn Đa và Lý Thị Quế vào năm 2014) và một thửa khác khoảng 2ha, bản đồ đo vẽ cũng đứng tên ông Đa và bà Quế.

Khi đó, ông Đa và bà Quế đã đăng ký kết hôn. Sau khi bà Lím dọn đến ở, bà và con trai mình đã giành quyền chăm sóc ông Đa và giành quyền thu hoạch toàn bộ điều và cao su trên đất. Sự việc đã khiến hai bên xảy ra xung đột nhiều lần. Công an xã Phước Sơn tham gia giải quyết nhưng lại đồng ý cho bà Lím và con trai thu hoạch tài sản của bà Quế khiến mâu thuẫn ngày càng thêm gay gắt.

Để hợp thức hóa quyền quản lý, sử dụng diện tích 5ha, con trai bà Lím là Dương Văn Đạt đã làm đơn yêu cầu tòa tuyên bố ông Đa mất năng lực hành vi dân sự để trở thành người giám hộ cho ông Đa.

Đầu năm 2017, Dương Văn Đạt về quê và mang vào một giấy ủy quyền ghi ngày 14/2/2017 với nội dung: ông Hứa Văn Đa ủy quyền cho Dương Văn Đạt làm và thu hoạch, trông coi số tài sản tại ấp 5, xã Phước Sơn, H.Bù Đăng. Giấy ủy quyền này có chữ ký và con dấu xác nhận của UBND xã Hoàng Nông, H.Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Tuy nhiên, trong kết luận giám định pháp y tâm thần số 439/KL-VPYTU của Viện Pháp y tâm thần Trung ương ngày 26/10/2017 ghi rõ: “Đầu năm 2015, Đạt đón ông Đa ra Thái Nguyên thì ông Đa đã mất ngôn ngữ, không nói được, không nhớ được, không đưa ra ý kiến hay yêu cầu gì được, mất nhận thức hoàn toàn, sống phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân”. Nghi ngờ giấy ủy quyền này là giả, được làm ra khi ông Hứa Văn Đa đã mất năng lực hành vi dân sự nên bà Quế đã làm đơn tố cáo. 

Về bản án tuyên hủy giấy đăng ký kết hôn giữa bà Quế và ông Đa của TAND H.Bù Đăng, hiện bà Quế cũng đã có đơn kháng cáo đến cấp phúc thẩm là TAND tỉnh Bình Phước.

Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Luật sư Ngô Quốc Chiến (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) nhận định: bà Dương Thị Lím chưa được cơ quan hay tòa án nào công nhận là vợ ông Hứa Văn Đa. Tại phiên tòa xử sơ thẩm, bà Lím vẫn không cung cấp được giấy tờ gì chứng minh nên bà không (chưa) có quyền khởi kiện. Dương Văn Đạt có phải là con của ông Hứa Văn Đa hay không cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho giám định ADN nên không thể cho rằng, Đạt là con ông Đa, nhưng TAND H.Bù Đăng đã tự ý đưa Đạt vào với tư cách là người giám hộ cho ông Đa là vi phạm thủ tục tố tụng

Trần Oanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI