Vợ hay chồng đều phải không ngừng tiến bộ

27/05/2022 - 05:59

PNO - Tôi biết rõ rằng chừng nào mỗi người trong chúng tôi vẫn ý thức được về sự phát triển của bản thân thì chừng đó sự kết nối vẫn còn.

Khi người bạn gái chia sẻ với tôi chuyện vướng mắc trong công việc và xử lý vấn đề với nhân viên, tôi bảo: “Ở nhà chị có hai quyển sách mà chị nghĩ sẽ hợp với vấn đề này của em. Để chị hỏi xem chồng chị đọc xong chưa, sẽ gửi lên cho em mượn nhé!”. Em ấy nghe vậy thì thốt lên: “Có chồng siêng đọc sách thích thật chị nhỉ? Chồng em thì không đọc sách gì cả”. 

Lời em nói khiến tôi nhớ ra thêm một điều tôi yêu thích ở chồng. Tôi cũng nhận ra, qua hơn mười năm chung sống, anh vẫn không ngừng đọc sách, làm mới tư duy. Chính anh truyền cảm hứng khiến tôi mong muốn mình tốt hơn mỗi ngày. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Chồng truyền cảm hứng để tôi tiến lên (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Khoảng thời gian vợ chồng tôi khủng hoảng nhất lại là khi tôi… ngừng tư duy, đóng băng mọi thứ và không còn thiết tha gì với công việc, cuộc sống nữa. Trong sáu năm, tôi sinh liền ba đứa con, tôi chọn nghỉ việc để ở nhà trông con, nhưng cuối cùng đổi lấy những khủng hoảng vì chuyện nhà cửa, bỉm sữa. Tôi bế tắc và đổ dồn tất cả những sự bế tắc, tội lỗi lên đầu chồng. Những cuộc nói chuyện của chúng tôi rốt cuộc chỉ toàn cãi vã mà trong đó tôi thường khơi mào.

Một lần, tôi đọc được một tâm sự trên nhóm Facebook. Chị vợ kể lại câu chuyện về việc vợ chồng chị yêu nhau từ thời sinh viên, đã từng rất hạnh phúc. Nhưng sau này, khi chị bắt đầu phát triển công việc, không những tiền kiếm được rất nhiều mà còn không ngừng phát triển bản thân thì chồng chị vẫn giậm chân tại chỗ. Anh mãi chỉ là một nhân viên bình thường, không thích phấn đấu, không thích giao lưu học hỏi hay trải nghiệm. Mặc dù chị luôn tạo điều kiện, khuyến khích để anh có đời sống thú vị hơn (trong mắt chị) nhưng anh lại thấy đủ rồi.

Những cuộc nói chuyện giữa hai vợ chồng bỗng dưng… chẳng còn gì để nói nữa. Chị muốn nói về những mối bận tâm của mình, anh nghe cũng chẳng chia sẻ được nên ậm ừ cho qua. Anh chỉ loanh quanh chuyện gia đình, cơm nước. Cuối cùng, sau khoảng ba năm như thế, chị quyết định dừng lại. Cuộc hôn nhân tan vỡ trong sự tiếc nuối của người thân, bạn bè bởi họ chẳng thể nào hiểu được lý do không phải là ngoại tình, vũ phu, chơi bời mà là cái câu “không tìm thấy tiếng nói chung”.

Câu chuyện ấy khiến tôi bừng tỉnh. Tôi dành thời gian quan sát xung quanh. Tôi thấy những cặp đôi hạnh phúc và thấy được một điểm chung, đó là so với ngày mới kết hôn thì mỗi người đều phát triển, hoàn thiện hơn trước. Nói cách khác, họ có thể chia sẻ nhiều vấn đề trong cuộc sống và cùng với nhau “lớn lên”, không một người nào dừng lại, giậm chân tại chỗ. Họ bên nhau như hình với bóng nhưng là trong những dấu mốc trưởng thành của cuộc đời chứ không phải kè kè để kiểm soát. Tất nhiên, dù họ vẫn có tốc độ đi khác nhau, nhưng lại luôn biết cách chờ đợi, nâng đỡ nhau. 

Ngược lại, cũng không ít cặp đôi tan vỡ và nguyên nhân đơn giản lại đến từ sự lệch pha của tư duy, nhận thức. 

Ví như nhiều anh chồng cứ thế phát triển, không ngừng thăng tiến và có những mối quan hệ khác. Còn vợ thì chỉ ở lì một chỗ, không bước ra xã hội mà chỉ quẩn quanh với con cái, cơm nước.

Hay nhiều người vợ đã đi một quãng rất xa khi thường xuyên đổi mới, tìm các cơ hội làm giàu, không ngừng chăm chút bản thân, nhưng anh chồng lại vẫn chỉ sáng sáng đi xe cà tàng đi làm, chiều la cà quán bia hơi. Hoặc phải kể đến những anh chồng có xuất phát điểm rất yêu chiều vợ, lo nghĩ cho gia đình nhưng vợ lại tính tình trẻ con, suốt ngày chỉ chửi rủa, trách mắng chồng mà không chịu thay đổi bản thân…

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Thật tuyệt nếu vợ và chồng cùng bước về phía trước (Ảnh mang tính minh họa - PressFoto)

Ngẫm lại, tôi thấy chồng mình vẫn đang không ngừng phát triển và đi lên. Dù chỉ làm công việc nghiên cứu bình thường, thu nhập không cao, nhưng anh đam mê học hỏi để mở rộng tư duy. Trong chuyện dạy con, dù tôi được mệnh danh là “bà mẹ siêu nhân” nhưng ngoài chuyện sinh con, nuôi con, tôi chẳng làm được gì tử tế. Tôi thường xuyên nổi xung và đóng vai nạn nhân trong mọi vấn đề. Tôi đổ lỗi cho chồng con về sự trì trệ của bản thân và không hề tìm cách để sửa chữa, sắp xếp lại cuộc sống cho khoa học. Sự thật là vì tôi chứ không phải vì chồng mà chúng tôi không nói chuyện với nhau được nữa…

Hiểu được sự cách biệt quá xa trong sự phát triển của hai vợ chồng, hiểu được rằng vợ chồng chỉ có thể kết nối và chuyện trò, đồng hành trong cuộc sống nếu cả hai cùng phát triển, tôi bắt tay vào công cuộc thay đổi. 

Tôi khởi động đọc những quyển sách mà chồng giữ từ thời sinh viên và nhận ra rất nhiều kiến thức có giá trị với mình đã bị phủi bụi chục năm trên sách. Tôi trao đổi với anh những điều mới mẻ, thích thú hoặc hỏi anh về những điều tôi không hiểu. Anh kiên nhẫn giải thích cho tôi dù những câu hỏi có ngớ ngẩn đến nhường nào. Tôi cũng nhận ra niềm tự hào của anh khi được chia sẻ kiến thức với vợ.

Song song đó, tôi cũng sắp xếp cho các con đi học và tôi quay lại nhiều hơn với việc viết lách. Dù không chọn công việc văn phòng, nhưng tôi vẫn có những người bạn để chia sẻ nhiều vấn đề của cuộc sống. Tôi thấy mình đang trong hành trình đi lên của bản thân, thức dậy với mong muốn có thêm thời gian để trải nghiệm, để học hỏi chứ không phải mỗi ngày trôi qua trong mệt mỏi như trước.

Tôi không biết mối quan hệ vợ chồng tôi rồi sẽ đi đến đâu, nhưng tôi biết rõ rằng chừng nào mỗi người trong chúng tôi vẫn ý thức được về sự phát triển của bản thân thì chừng đó sự kết nối vẫn còn. 

Cát Tường

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI