Vở hát bội tri ân những anh hùng chống Pháp

18/11/2023 - 18:04

PNO - Nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM vừa dàn dựng vở "Anh hùng" (kịch bản: Vương Huyền Cơ, chuyển thể hát bội: NSƯT Hữu Danh, đạo diễn: Hoàng Vũ). Vở diễn sẽ chính thức công diễn vào tháng 12 và tham gia biểu diễn trong các chương trình sân khấu học đường, quảng bá di sản.

 

Vở diễn có sự tham gia của lực lượng diễn viên chủ lực của nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM là: NS ƯT Linh Hiền
Vở diễn có sự tham gia của lực lượng diễn viên chủ lực của nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM là: NSƯT Linh Hiền, các nghệ sĩ Bảo Châu, Ngọc Giàu, Kiều My, Đông Hồ, Minh Khương, Hoàng Hà, Anh Thi, Hà Trí Nhơn... 

Vở hát bội Anh hùng nêu bật hình tượng người hùng kháng Pháp Nguyễn Trung Trực với loạt chiến công được truyền tụng muôn đời qua 2 câu thơ của danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt: “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa/Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”.

Đồng thời là hành trình gian khó của lực lượng nghĩa binh chỉ có tấm lòng yêu nước và vũ khí thô sơ phải chiến đấu với tàu sắt, súng đồng, đã đồng cam cộng khổ cùng người thủ lĩnh lang bạt khắp lục tỉnh, ra Phú Quốc làm căn cứ kháng địch…

Mối quan hệ anh hùng trọng anh hùng giữa 2 thủ lĩnh Trương Định và Nguyễn Trung Trực là điểm nhấn thú vị của vở.
Mối quan hệ "anh hùng trọng anh hùng" giữa 2 thủ lĩnh Trương Định và Nguyễn Trung Trực là điểm nhấn thú vị của vở.

Tác giả Vương Huyền Cơ cho biết, tuy nhân vật trung tâm là Nguyễn Trung Trực, nhưng trong vở diễn vẫn hiện lên hình tượng nhiều người hùng kháng Pháp trong giai đoạn lịch sử đầy tăm tối của đất nước, như: Trương Định, các phó tướng của Trương Định và Nguyễn Trung Trực, kể cả gia quyến như người vợ, người mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần cho những người anh hùng, và đặc biệt là những nhân vật không tên như các nghĩa binh, người dân yêu nước…

Vở diễn tái hiện sự hy sinh anh dũng của
Vở diễn tái hiện cái chết bi hùng của Bình Tây đại nguyên soái Trương Định tại "đám lá tối trời" (Gò Công - Tiền Giang).
NS ƯT Hữu Danh chỉ mất 1 tháng để chuyển thể kịch bản từ kịch nói sang hát bội, cố gắng
NSƯT Hữu Danh chỉ mất 1 tháng để chuyển thể kịch bản từ kịch nói sang hát bội, cố gắng dùng làn điệu hát bội chuyển tải những câu nói bất hủ của Nguyễn Trung Trực còn để lại.

Vở diễn cũng nhìn người anh hùng ở góc độ nhân văn, khi họ không chỉ là những chiến binh sắt thép, mà còn là người chồng, người cha, người con, cũng có những phút yếu lòng khi gia quyến, người thân bị liên lụy, phải cân phân giữa “nợ nước - tình nhà” giữ sao cho vẹn?

Nghệ sĩ Kiều My và Bảo Châu để lại nhiều cảm xúc
Nghệ sĩ Kiều My và Bảo Châu để lại nhiều cảm xúc cho người xem trong lớp đối diễn của mẹ con Nguyễn Trung Trực, khi ông quyết định nộp mình cho quân Pháp để cứu nghĩa binh và người dân đang bị vây trong tình trạng quân lương cạn kiệt, sức chiến đấu của nghĩa quân không còn.

Đạo diễn Hoàng Vũ chủ trương tiết chế cảnh trí và tập trung dàn dựng các mảng miếng vũ đạo đặc trưng của hát bội và biểu diễn hình thể. Trong vài năm trở lại đây, Anh hùng là vở diễn đòi hỏi người nghệ sĩ thể hiện khả năng vũ đạo điêu luyện, diễn tả hành động lẫn nội tâm với yêu cầu cao.

Vở diễn tiết chế tối đa cảnh trí và sử dụng chiếc võng như đạo cụ chính khi là võng đưa nôi, khi là chiếc thuyền
Vở diễn tiết chế tối đa cảnh trí và sử dụng chiếc võng như đạo cụ chính, khi là võng đưa nôi, khi là chiếc thuyền nghi binh...
Đây là vở diễn mà khán giả yêu thích hát bội có thể xem vũ đạo đến "sướng mắt".

Giám đốc nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM Võ Hồ Hoàng Vũ cho biết, nhà hát đang trong giai đoạn sửa chữa cơ sở vật chất, dự kiến hoàn thành trong tháng 12. “Lúc đó, chúng tôi sẽ hoàn thiện vở Anh hùng và chính thức công diễn tại khán phòng nhà hát được sửa chữa khang trang. Với khán phòng mới này, chúng tôi cũng đang làm kế hoạch tổ chức chương trình sáng đèn định kỳ” – ông Võ Hồ Hoàng Vũ cho biết.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI