"Vợ ép chồng đi làm, kiếm nhiều tiền có phải bạo lực gia đình?"

31/05/2022 - 16:46

PNO - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đặt câu hỏi, với các trường hợp vợ ép chồng kiếm nhiều tiền, có phải là hình thức bạo lực không?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, rất khó để có thể xác định hết các hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt là về mặt tinh thần 

Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận tổ về Dự luật phòng chống gia đình (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, xây dựng bộ luật này có nhiều khó khăn. Điển hình là việc xác định các hành vi bạo lực gia đình. 

Theo Bộ trưởng, các hành vi bạo lực thể xác, kinh tế có thể nhận ra được, nhưng bạo lực tinh thần thì không hề đơn giản. Cơ quan soạn thảo đã lựa chọn ra 18 hành vi được quy định vào bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trong thực tiễn còn những hành vi nào có thể khu trú thành những biểu hiện cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn các đại biểu Quốc hội góp ý, nhất là vấn đề bạo lực tinh thần. Bộ trưởng trích dẫn lại câu chuyện được đặt ra, đó là trong gia đình, nhiều người chồng bị vợ ép đi làm kiếm thật nhiều tiền, thăng chức… Đó có phải là hình thức bạo lực không?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao du lịch cũng đặc biệt nhấn mạnh, cần quan tâm đến đối tượng yếu thế trong dự luật này như trẻ em, người già, đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần tính đến yếu tố trách nhiệm của cộng đồng, con người. “Nếu cứ “đèn nhà ai nấy rạng” thì không thể phòng chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó cần thiết kế thế nào để phát huy được vai trò xã hội hóa trong việc phòng, chống bạo lực gia đình”, ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) chỉ ra, thời gian qua, có nhiều nơi vẫn chưa thực hiện tốt. Điển hình như vụ việc bé gái bị người tình của bố bạo hành đến tử vong vừa qua tại quận Bình Thạnh (TPHCM), người xung quanh nghe em bé khóc nhiều lần nhưng không quan tâm vì sao, cô giáo cũng không quan tâm nhiều. “Nếu nhận được sự quan tâm nhiều hơn, vai trò của cộng đồng tốt hơn thì trường hợp đó có khi không đến nỗi như vậy”, ĐBQH bày tỏ quan ngại khi nhiều nơi, nhiều người vẫn giữ quan điểm, bạo lực gia đình là việc riêng của mỗi nhà, mình không có trách nhiệm. Từ đó, ĐBQH cho rằng, cần thay đổi nhận thức bằng cách tuyên truyền, thuyết phục để nâng cao vai trò của cộng đồng trong phòng chống bạo lực gia đình.

M.Quang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI