Vô duyên

30/12/2015 - 07:53

PNO - Theo chuyên gia giao tiếp Nguyễn Thu Hiên, hiện môn giao tiếp nơi công sở đang thu hút được nhiều đối tượng theo học, nhất là những người đang làm việc.

Nhiều người đã hiểu giao tiếp tốt cũng là những người đang làm việc. Nhiều người đã hiểu giao tiếp cũng là một bảo đảm cho thành công. Thế nhưng, trong gia đình, không ít người vẫn xem nhẹ kỹ năng giao tiếp, chỉ nghĩ đơn giản: :Vợ chồng mà, bày đặt chi cho mệt!".

Suốt tuần qua, bà Nguyễn Thị Châu, nhân viên ngành may mặc, tập trung chú ý đến các chương trình ẩm thực trên ti vi, để tìm gợi ý làm một bữa cơm thật ngon dịp Giáng Sinh và cuối năm. Bữa cơm đó, chồng bà vừa ăn rất ngon lành, vừa ngạc nhiên tấm tắc: “Ngon lắm!”. Bà chưa kịp “phổng mũi” thì đã tức ngang khi chồng nói tiếp: “Sao mấy bữa trước bà không nấu ngon như vầy, để tui khỏi rát cổ họng vì ráng nuốt…”.

Rồi ông sẵn dịp, nhắc lại chuyện mỗi lần nhà có giỗ là khách mời biết ngay họ sẽ được ăn món gì, vì bà cứ “bổn cũ soạn lại”. Bà nghe mà cứ tức anh ách, dù biết ông là người rất tiết kiệm lời khen vợ con. Những lúc hiếm hoi ông khen vợ con, thì cách nói cũng làm cho người được khen “Xin lỗi, vui hổng nổi!”.

Bà hiểu, ông không quá lời, vì bà đúng là người vụng nấu; nhưng ông cũng vụng nói chẳng kém. Bao giờ cũng vậy, lời ông khen chẳng những không mang đến sự động viên, mà còn làm người được khen thấy nhụt tinh thần. Trọn bữa cơm, bà chỉ còn biết thở dài, bởi đây không phải lần đầu ông vô duyên, nói cho đã miệng mà không cần quan tâm đến cảm xúc của người khác.

Vo duyen
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Bà Thái Ngọc Mai, giáo viên cấp I, dù khéo nấu ăn, nhưng vẫn rất “sợ” những khi nghe chồng khen. Cứ nghe bạn bè, người thân tỏ ra ngưỡng mộ bà vợ khéo tay là ông tranh thủ giải thích ngay: “Ông Trời công bằng lắm! Trong năm chị em của vợ tôi, chỉ bà ấy là không có ngoại hình, vừa lùn vừa đen, nên ông Trời bù cho tính siêng năng, đảm đang”.

Rồi như chưa “đã miệng”, ông còn tiếp tục dông dài mô tả nhan sắc của các cô em vợ với vẻ đầy ái mộ. Bà không ghen vì chồng không tiếc lời khen với các cô em, nhưng cũng chẳng ưa cái kiểu anh rể quan tâm quá “sâu sắc” đến "thiên nga" như thế.

Thật ra, ông là người thương vợ con, biết lo cho gia đình; có nhậu nhẹt nhưng không say sưa, có mê bóng đá nhưng không ham cá độ. Nghĩ tới, nghĩ lui, bà thấy ông rõ ràng cũng là người chồng tốt nhưng chẳng hiểu sao lại quá vô duyên trong chuyện ăn nói, nhiều khi làm vợ ngượng “muốn chết cho rồi”.

Bà Trương Quỳnh Chi, làm kế toán, có con đầu lòng đã sáu tuổi. Chồng bà chăm con rất chu đáo, thường xuyên chở con đi chơi, mua sách, đọc sách cho con nghe… Ông còn kết thân với nhiều bác sĩ chuyên khoa nhi, để có nơi yên tâm đưa con đến khám bệnh ngay lúc nào cần.

Thế nhưng, khi bà đề xuất với chồng: “Hôm nào anh đưa em đi khám loãng xương thử xem”, ông buông ngay một câu: “Em còn trẻ, làm sao bệnh được. Anh thấy em ăn được, ngủ được lo chi!”. Bà cứ nghĩ xa xôi, không biết sau này lớn tuổi, ông còn thờ ơ với bà đến thế nào.

Không chỉ các ông chồng mà nhiều bà vợ cũng đầy “năng khiếu”… xúc phạm chồng. Trong một cuộc "điều tra bỏ túi" 50 người đàn ông đã lập gia đình, chúng tôi nhận thấy có đến 85% các ông từng bị vợ lên án là “đồ vô tích sự”.

Đó cũng là lời nhận xét của vợ mà các ông cay cú nhất, vì đa số cho rằng nhận xét đó là “không đúng sự thật”. Thực tế, các ông vẫn cố gắng chu toàn nhiệm vụ làm chồng, làm cha, chỉ đôi lúc vì chậm sửa cái bóng đèn, lau nhà chưa sạch, quên đón con… mà các bà lập tức phủi sạch mọi công sức của chồng bằng lời đánh giá quá đáng đó. Một bà vợ khéo léo sẽ chẳng bao giờ khiến chồng phải bẽ bàng trong chính ngôi nhà của mình như vậy.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI