Vợ đụng xe, chồng hoảng hốt: 'Xe có sao không?'

19/10/2019 - 11:55

PNO - Tôi đưa đồng nghiệp vừa bị quệt xe về nhà. Cũng may cô ấy chỉ trầy xước nhẹ. Nhưng điều tôi bất ngờ chính là thái độ khó chịu và câu hỏi đầu tiên của chồng cô ấy: “Xe có sao không? Đi với đứng kiểu gì vậy?”.

Nghe anh chồng nói vậy, tôi buột miệng chen ngang: “Anh không hỏi vợ mình có sao không, lại đi hỏi xe ư?”. “Trời ơi, xe anh vừa mua đó em…”. Tôi khựng lại.

Trên đời có người đàn ông vô cảm với người đầu ấp tay gối đến thế sao? Thản nhiên đến độ coi trọng chiếc xe máy hơn tính mạng vợ. Tôi ức lắm, nhưng vợ anh còn chưa lên tiếng mà tôi lại mở miệng đòi “quyền lợi“ e hơi vô duyên. 

Vo dung xe, chong hoang hot: 'Xe co sao khong?'
Ảnh minh họa

“Chị không biết thôi, anh ấy còn đánh em nữa. Anh ấy gia trưởng, rất cục tính nên khi không vừa ý là la lối om sòm… Thằng lớn nhà em nó hiểu chuyện rồi nên mỗi lần ba nó la to là nó bênh mẹ, nó sợ mẹ bị đánh”. Tôi lặng đi. Hôn nhân của em rõ ràng có vấn đề. Đến đứa trẻ cũng hiểu và hẳn là tổn thương vì những gì ba đã đối xử với mẹ. “Những lúc em làm căng, anh ta xin lỗi, tỏ ra hối hận. Nhưng giờ… hình như anh ta có bồ bên ngoài nữa” - giọng cô ấy nghẹn lại.

 “Sao em không bỏ quách đi?” - tôi hỏi. “Em cũng nghĩ tới điều đó, nhưng em sợ hai tiếng bỏ chồng lắm chị à. Đàn bà bỏ chồng rồi sống yên được không?”. “Trời đất sao lại không yên? Em ở bên con người không trân trọng, yêu thương em, mới là không thể bình yên…”. Mắt cô ngân ngấn nước.

Vo dung xe, chong hoang hot: 'Xe co sao khong?'
Ảnh minh họa

Tôi biết, đoạn tuyệt một cuộc hôn nhân đâu phải dễ dàng. Chung sống với một người xa lạ là cả một quá trình xây đắp, dung hòa và chấp nhận những nhược điểm của nhau. Nhưng có cái vỗ tay nào thành tiếng, khi chỉ có một bàn tay nhiệt tình, còn bàn tay kia không chịu chìa ra? Hai tiếng “bỏ chồng” thì có gì ghê gớm? Không hợp thì xa, không chung được thì chia, mình nghĩ đơn giản thì nó đơn giản. 

Thu nhập của em gần hai chục triệu đồng một tháng, đủ cho ba mẹ con chi tiêu. Chồng em có phụ vào kinh tế gia đình đâu. Thỉnh thoảng anh ta đưa em ít tiền mà như ban ơn cho vợ con. Có lẽ vấn đề nằm ở em - người đàn bà được giáo dục từ nhỏ là vợ thì cần nhẫn nhịn để gìn giữ tổ ấm. Khi em cho người ta cái quyền được chà đạp, được coi thường mình, người ta mới làm chứ. Em cứ nghĩ mình đáng được nâng niu, trân trọng, thì chồng sẽ không bao giờ dám đối xử với em như thế đâu. 

Thùy Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI