Em chào chị!
Vợ chồng em kết hôn đã 6 năm và đã có con trai 4 tuổi. 3 ngày sau khi kết hôn là em đã về ở nhà vợ, để thuận tiện cho việc mua bán. Ở được 2 năm, khi vợ em mang bầu, thì mẹ vợ kêu vợ chồng em ra riêng. Suốt 6 năm hôn nhân, vợ chồng không xảy ra vấn đề gì cả, vấn đề em muốn nói là gia đình bên vợ em.
Dù ra riêng, nhưng mẹ vợ vẫn bắt em làm những việc lặt vặt trong nhà vợ. Mỗi lần mẹ vợ kêu em làm công việc (hàn đồ, dọn đồ bán, hàn sửa dù che nắng che mưa, hàn kệ trưng bày đồ đạc...) em làm thì không sao, mà đôi lần em mệt không làm, thì lại bị mẹ vợ nói này nọ với vợ, và vợ em lại la mắng em, còn mẹ vợ thì làm mặt lạnh không ngó ngàng gì.
Vợ em cứ đòi ly hôn vì lý do chồng không nghe lời mẹ cô ấy. Đã rất nhiều lần cô ấy đòi ly hôn với lý do vô lý như vậy.
Trong khi đó, em trai vợ đã 17 tuổi và em gái vợ 27 tuổi lại được mẹ vợ hết sức nuông chiều. Em trai chỉ ở nhà chơi game mà không phụ bất cứ việc gì dù là việc nhỏ. Mẹ vợ bảo: "Mày là anh rể, không có quyền la hai sai bảo gì tụi nó hết". Trong khi việc lớn nhỏ trong nhà, mẹ vợ toàn kêu em làm.
Em rất mệt mỏi khi vợ em làm đơn ly hôn, em nhờ chị tư vấn giúp em.
Cao Hoàng Minh
Em Cao Hoàng Minh thân mến,
Hạnh Dung đọc đi đọc lại bức thư của em rất nhiều lần, lúc đầu chính là để tìm hiểu xem có thể trả lời em thế nào cho tốt nhất. Nhưng đọc được vài lần, thì Hạnh Dung chợt nhận ra là Hạnh Dung đọc chỉ để hiểu xem, vì sao mà em bị mắng mỏ, bị "bắt nạt", bị coi thường đến thế trong nhà vợ?
Và từ những dòng em viết, giọng văn em viết, trong đầu Hạnh Dung bật lên một câu hỏi ngược lại: Phải chăng em luôn bị vợ đòi ly hôn với lý do "không nghe lời", chỉ vì trong suốt quá trình làm chồng, làm con rể, em đã thể hiện ra rằng mình là chàng rể rất biết "nghe lời".
Thật sự đấy em, Hạnh Dung đọc thư và có cảm giác em là một chàng trai hơi có phần hiền lành, thậm chí là hiền lành đến mức thiếu quyết đoán, thiếu sự tự chủ mạnh mẽ của một người đàn ông.
Đàn ông thường hầu như ai cũng rất phân vân khi phải quyết định chuyện "ở rể", bởi ông bà bảo ở rể là "chó chui gầm chạn" mà. Với em, Hạnh Dung nghĩ việc cân nhắc này đáng ra phải rất khó khăn, vì nhà vợ còn một ông em trai và một cô em gái chưa lập gia đình sống chung. Cái cảnh nhà đông người bên vợ như vậy, thường sẽ khiến xảy ra khá nhiều mâu thuẫn, phức tạp.
Thế nhưng, cái việc em quyết định về sống bên nhà vợ ngay sau cưới diễn ra có vẻ cũng rất "nhẹ tênh", với một lý do cũng rất... nhẹ: chỉ để cho tiện việc buôn bán. Rồi thì, đến khi vợ có bầu, cũng không phải do em quyết định hay tính toán gì, mà lại là do "mẹ vợ kêu ra ở riêng", thì em mới ra.
Có phải là, ngay trong những quyết định lớn như thế, nhà vợ kêu gì, em làm nấy, một cách rất ngoan ngoãn. Và rồi những khi em mệt hay bận gì đó không thể làm được những việc nhà vợ kêu làm, liệu em đã có cách nói, cách giải thích nào cho đàng hoàng, rõ ràng về tình trạng của em, để được hiểu, thông cảm và chấp nhận trì hoãn hay tìm người khác làm hay không? Hay là em để mọi người có quyền đối xử với em thế nào cũng được, quay ra trách móc em "không nghe lời", như cách mắng mỏ một đứa trẻ con?
Thông thường trong cuộc sống này, con người ta có những cách đối xử với nhau theo thói quen được hình thành từ tính cách và cách đối xử của hai phía. Nếu một người quá ngoan ngoãn, quá nghe lời, ít thể hiện chính kiến của mình, sự mạnh mẽ và quyết đoán của mình, thì dần dần người xung quanh sẽ nghĩ rằng đó là nghĩa vụ của anh ta, là điều nghiễm nhiên anh ta phải làm, không có được có ý kiến, chủ đích gì riêng của mình cả.
Nhiều người không nhận ra là đôi khi ta đã để cho người khác đối xử với ta theo cách họ muốn mãi, đến khi ta không còn là gì trong mắt họ.
Tất cả những gì Hạnh Dung phân tích trên đây, tất nhiên, cũng chỉ là những điều được đoán định một cách chủ quan, thông qua những tâm sự của em. Hạnh Dung nghĩ rằng em có thể suy nghĩ lại từ những gì Hạnh Dung đoán định xem nó là đúng hay sai, để mà thay đổi. Nếu không thay đổi được người như em mong muốn, thì là thay đổi chính mình. Điều đó ít ra cũng khả thi hơn.
Thay đổi đầu tiên, Hạnh Dung nghĩ em cần phải làm, là đừng phân bì như một đứa trẻ với những người em của vợ. Đối xử như thế nào với con của mẹ vợ em, đúng là quyền của mẹ vợ em và người nhà vợ, không phải là quyền của em. Em chỉ được "cấp quyền" đó khi họ thật sự coi em là người đàn ông lớn, người đàn ông trụ cột trong nhà, chứ không phải là người để bị mắng mỏ là phải nghe lời.
Thay đổi thứ 2 là em hãy phấn đấu thể hiện bản lĩnh, sự tự tin, sự mạnh mẽ, sự độc lập, sự quyết đoán... của chính mình, để không trở thành người bị động trong các mối quan hệ. Hãy làm sao để người nhà hiểu rằng em không phải chỉ là người biết "nghe lời" mà là người có thể tự quyết định được mọi việc. Em cũng không phải là người thụ động trước mọi cách cư xử của người khác dành cho mình, kể cả việc "vợ đòi ly hôn chỉ vì lý do không nghe lời".
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn