Talk show số 6 chủ đề Tổ quốc nơi cuối con đường (gồm 2 tập) sẽ được phát sóng vào ngày 30 và 31/12 tại phunuonline.com.vn và kênh YouTube Báo Phụ nữ TPHCM. Đây cũng là số phát sóng cuối cùng của chương trình Từ trong đất lửa.
|
NSƯT Mỹ Hằng (trái) và NSƯT - đạo diễn Lê Nguyên Đạt tại chương trình Từ trong đất lửa - Ảnh: Nguyễn Quang |
Năm 2018, vở diễn ra mắt đã gây tiếng vang và là dấu son của sân khấu xã hội hóa TPHCM những năm qua. Vở diễn được trao Huy chương Vàng Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc 2018 cùng nhiều giải thưởng cấp thành phố và trung ương, về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Năm đất quê hương" của những bà mẹ Việt
Sau 30 năm kể từ vở cải lương Đêm trắng, sân khấu cải lương miền Nam mới có vở diễn thứ hai xây dựng hình tượng Bác Hồ. Tổ quốc nơi cuối con đường là câu chuyện về giai đoạn hoạt động cách mạng gặp nhiều nguy nan nhất của Người. Đó là khi Bác sống và làm việc tại ngôi nhà 186 phố Tam Kung (Hồng Kông) và bị chính quyền Hồng Kông bắt giam vào năm 1931.
Tổ quốc nơi cuối con đường gây xúc động cho người xem ngay từ lớp diễn đầu tiên. Đó là khi một bà mẹ miền Nam (nghệ sĩ Kim Phương đóng) trao nắm đất quê hương cho Nguyễn Tất Thành (NSƯT Tấn Giao đóng), trước khi anh rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Và tại Hồng Kông, anh đã trao lại nắm đất ấy cho bà Tuệ (NSƯT Mỹ Hằng đóng) - một bà mẹ Việt xa quê hương vẫn luôn đau đáu nhớ thương đất nước. Nắm đất quê hương như một biểu tượng của yêu thương và kết nối bền vững, không gì chia cắt được của những người con đất Việt.
NSƯT - đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết, trong Tổ quốc nơi cuối con đường, anh đã xây dựng hình tượng những người mẹ ở cả 3 miền đất nước lẫn người mẹ Việt ly hương. Dù ở nơi đâu, trái tim mẹ vẫn luôn cưu mang, che chở và hy sinh cho những đứa con của mình. Những người mẹ trong vở diễn cũng mang tính biểu tượng, đó là đất mẹ, là Tổ quốc. Riêng bà Tuệ là nhân vật hư cấu, nhưng được xây dựng hợp lý và cảm động. Bà chính là người đã luôn cưu mang, che chở cho người con nuôi Tống Văn Sơ, liều mình cứu con dù biết mình có thể sẽ chết. Chính những người mẹ xuất hiện trong vở diễn đã gửi gắm nhiều thông điệp yêu thương, ý nghĩa và mang đến cho khán giả những rung động đẹp, đầy cảm xúc.
NSƯT Mỹ Hằng - người đã hóa thân xuất sắc vào vai bà Tuệ - chia sẻ: “Khi nhận vai diễn này, tôi đã rất căng thẳng và lo lắng. Đây là lần đầu tiên tôi nhận một vai diễn lớn tuổi, lại đóng vai mẹ của anh Tấn Giao. Nhưng đến khi cảm nhận được tinh thần của vai diễn và trong tạo hình của nhân vật, bước ra sân khấu tôi thấy mình chính là bà Tuệ. Sau mỗi lớp diễn cảm xúc lại dâng trào”. Tại chương trình Từ trong đất lửa, tái hiện một trích đoạn ngắn từ lớp diễn gặp Tống Văn Sơ trong nhà giam, chị cũng không kìm được nước mắt…
“Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước”
Tổ quốc nơi cuối con đường gói ghém rất nhiều cảm xúc, từ khi Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, cho đến khi anh hoạt động ở Hồng Kông với tên gọi Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc. Hình ảnh vị lãnh tụ được thể hiện từ nhiều góc độ, khi một mình đối đầu với chính quyền Hồng Kông, bị giam cầm vẫn ngày đêm nghĩ về độc lập tự do của dân tộc; cho đến những khoảnh khắc đời thường mà rung động: đó là khi Bác bày tỏ nỗi nhớ mẹ, về những lời dặn dò của cha, nhìn thấy bó hoa sen mà như thấy cả dân tộc bên cạnh mình…
|
Phiên tòa xét xử nhân vật Tống Văn Sơ được đạo diễn - NSƯT Lê Nguyên Đạt dàn dựng ấn tượng trong vở diễn - Ảnh: Ngọc Tuyết |
NSƯT - đạo diễn Lê Nguyên Đạt bày tỏ rằng anh rất mừng khi tìm được một kịch bản hay về Bác như Tổ quốc nơi cuối con đường. Trong đó có 2 lớp diễn đặc biệt quan trọng đã được anh dàn dựng ấn tượng: 2 phiên tòa xét xử Bác tại Hồng Kông. Bác mượn phiên tòa để tố cáo tội ác của thực dân Pháp và những kẻ đi xâm lược, đòi tháo xiềng xích cho dân tộc Việt Nam trong khi bản thân mình đang bị xiềng xích, giam cầm. Không một phút giây nào Người không nghĩ đến nhân dân, đất nước.
NSƯT Tấn Giao hóa thân vào vai Tống Văn Sơ và truyền tải những thông điệp, tinh thần của nhân vật bằng lối diễn dung dị mà đầy thần thái, thể hiện qua ánh mắt, cảm xúc và cách ca ngâm đến thoại. Nguyễn Ái Quốc đứng trước vành móng ngựa vẫn khẳng khái tinh thần yêu nước. “Chúng tôi thường nói với nhau rằng, chúng ta không cố gắng tạo ra một mẫu hình phải thật giống Bác, mà hãy thể hiện bằng cảm xúc tự nhiên nhất của chính mình đối với nhân vật. Trong phiên tòa ấy, tôi cũng chủ ý để những hình tượng về cán cân công lý, hay là vành móng ngựa sai lệch, nghiêng ngả, có điều gì đó không đúng và mang tính bất thường. Vì đây là phiên tòa phi lý, quy chụp, buộc tội cho người yêu nước. Đối với các lớp diễn phiên tòa, tôi không dùng thủ pháp gây căng thẳng kịch tính, mà muốn nhấn vào cảm xúc, mang đến sự rung động cho khán giả” - NSƯT Lê Nguyên Đạt bày tỏ.
2 phiên tòa trong vở diễn đại diện cho 9 phiên tòa có thật xét xử Bác tại Hồng Kông vào năm 1931. Sau khi Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Kông, giới chức của Pháp ở Đông Dương đã vận động chính quyền Hồng Kông giao Bác cho Pháp bằng cách dẫn độ về Việt Nam, sau đó thi hành án tử hình vắng mặt mà tòa án Pháp đã tuyên vào tháng 10/1929 tại Nghệ An.
Trên sân khấu, NSƯT Thanh Điền đóng vai Loseby - luật sư bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc và nghệ sĩ Bảo Trí vào vai công tố viên luận tội. Vở diễn còn có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSND Hồng Lựu (vai bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh), Tú Quyên (vai nhà báo Pháp Dorine), Hải Yến (vai vợ luật sư Loseby), Tấn Phát (thanh tra Pháp), Lê Bạch Long (đặc vụ Anh)…
NSƯT Thanh Điền, nghệ sĩ Bảo Trí chinh phục vai diễn khó Khi nhận lời mời tham gia vở diễn Tổ quốc nơi cuối con đường, NSƯT Thanh Điền đã dành thời gian tìm hiểu rất kỹ về nhân vật Loseby. Điều khiến ông yêu nhân vật là vì Loseby đại diện cho công lý, chính nghĩa, góp phần giúp đỡ, bảo vệ Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc trong những ngày nguy nan nơi đất khách quê người. Nhưng nghệ sĩ cũng khá áp lực bởi trước đây chưa từng đảm nhận vai diễn luật sư tầm cỡ quốc tế. “Vai này tương đối khó. Người luật sư này, theo tôi, cũng là một anh hùng, vì phải chịu sức ép lớn từ một vòng vây đang tìm mọi cách để kết tội Tống Văn Sơ. Tôi phải nghiên cứu kỹ nhân vật về cách nói chuyện, đưa lý lẽ, đặc biệt tác phong, ngay cả dáng đi để khán giả tin vào vai diễn của tôi khi xem vở. Điều quan trọng nhất ở Loseby là phong thái đĩnh đạc, tự tin. Từng lời thoại phải chắc chắn và đanh thép, thể hiện niềm tin sắt đá vào công lý”. | NSƯT Thanh Điền (trái) vai luật sư Loseby và NSƯT Tấn Giao vai Tống Văn Sơ - Ảnh: Ngọc Tuyết |
Ông đặc biệt ấn tượng với lớp diễn nhân vật Tống Văn Sơ nói với luật sư Loseby rằng không có tiền để trả cho việc bào chữa. Nhân vật luật sư trả lời: “Tôi nhận bào chữa cho ông không phải vì tiền mà vì danh dự”. Khi ông diễn đoạn này, hầu như khán giả ở các suất đều vỗ tay rất nồng nhiệt. Theo ông, điều này vừa thể hiện cho lòng yêu chính nghĩa, lẽ phải, sự tử tế, và nỗ lực của ông khi thể hiện nhân vật. Vai diễn công tố viên cũng đánh dấu lần đầu nghệ sĩ Bảo Trí tham gia một vở diễn về hình tượng Bác Hồ, với tất cả sự tự hào, vui sướng và cả bỡ ngỡ. “Cái khó của nhân vật này là làm sao để lột tả, khắc họa được một thời đoạn lịch sử gắn liền với hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Đây là câu chuyện có thật, đòi hỏi tôi phải nghiên cứu kỹ, đặc biệt về lời thoại. Trong đoạn công tố viên đối thoại với Tống Văn Sơ, tôi suy nghĩ rất nhiều. Ở vai trò là một công dân Việt Nam, tôi căm phẫn trước sự áp đặt, xem thường công lý của những kẻ nắm trong tay quyền lực và âm mưu đô hộ Việt Nam. Tôi hiểu và khâm phục hơn con đường mà Bác đã đi qua với khát vọng độc lập cho dân tộc. Nhưng trong vai trò diễn viên, tôi buộc phải nhập vai, phải tìm mọi cách để buộc tội Tống Văn Sơ. Ngoài lời thoại, tôi cũng cố gắng thể hiện tính cách nhân vật qua ánh mắt, nụ cười, dáng đi… Sau buổi phúc khảo, tôi nhận được nhiều lời khen cho nhân vật này, vì vừa thể hiện đúng, vừa sáng tạo. Nhiều suất diễn sau đó, tôi cũng nhận được sự động viên, ủng hộ từ khán giả. Vai diễn là một trong những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm nghệ sĩ của tôi” - nghệ sĩ Bảo Trí nói. Trung Sơn |
Lục Diệp - Ngọc Tuyết