PNO - Gần chín tháng trên sàn tập, vở kịch "Mọi điều ta chưa nói" (đạo diễn Việt Linh - Lê Chi Na, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Marc Levy) vừa chính thức công diễn tại Nhà hát TP.HCM vào tối 7/11. Điều đặc biệt là nhà văn cũng đã có mặt xem vở diễn.
Mọi điều ta chưa nói là câu chuyện về tình cảm gia đình, tình cha con được nhà văn Pháp Marc Levy viết theo phong cách lãng mạn và hư ảo thường thấy của ông. Bối cảnh diễn ra ở New York (Mỹ). Julia - cô gái trẻ thành đạt - chuẩn bị kết hôn thì bất ngờ nhận tin bố cô qua đời. Đám tang diễn ra đúng ngày hôn lễ nên Julia phải tạm hoãn đám cưới để chịu tang cha. Nhưng điều cô không thể ngờ là một món quà bí ẩn được văn phòng của bố chuyển đến nhà cô, đó là robot mang hình dáng và ký ức bố. Đó cũng là sản phẩm mà công ty ông đã sáng tạo để có thể trao tặng cho thân nhân những người đã khuất: thời gian bảy ngày để được ở bên nhau.
Lê Chi Na và Công Danh trong phân cảnh hai bố con cùng du lịch ở TP.Montréal Ảnh: sân khấu Hồng Hạc
Toàn bộ câu chuyện chính là ký ức còn sót lại của người bố đã mất và cuộc tìm về quá khứ 18 năm trước của Julia. Cô đã từng rất hận bố vì ông luôn bận việc, thường xuyên vắng nhà, thậm chí trong những dịp trọng đại của con gái, ông cũng không có mặt. Julia còn hận bố vì ông đã luôn can thiệp và sắp xếp mọi thứ trong cuộc đời cô. Bảy ngày còn lại của bố ở trên đời chính là cơ hội cuối cùng để được trò chuyện, thấu hiểu, yêu thương, hàn gắn cùng con gái.
Trong bảy ngày đó, hai bố con đã có một chuyến đi đến những thành phố từng ghi dấu ấn kỷ niệm của cả hai. Suốt hành trình ấy, hai bố con không chỉ trò chuyện, giãi bày những khúc mắc trong lòng, mà còn nhắc nhớ kỷ niệm về người mẹ đã khuất của Julia. Bố cũng giúp con gái tìm lại tình yêu thời thanh xuân của con mà năm xưa ông đã từng ngăn cản. Ông giúp con hiểu rõ lòng mình, thấm thía cái gọi là tình yêu đích thực. Và để con gái biết rằng, tất cả những gì ông đã làm đều là vì yêu con. “Bố đã yêu con đến nhường nào…” - khi nói được với con gái những lời này, cũng là lúc thời gian bên con của ông không còn nữa.
Trên sân khấu kịch Hồng Hạc, câu chuyện dài hơn 400 trang tiểu thuyết của nhà văn Marc Levy được gói gọn trong gần ba giờ đồng hồ. 1/3 thời lượng vở là đất diễn dành cho hai nhân vật chính Julia (diễn viên Lê Chi Na) và bố - ông Anthony Walsh (diễn viên Công Danh). Đây cũng là thử thách lớn cho hai diễn viên với những cuộc đối thoại dài, có xung đột, cãi vã, rồi lắng nghe, thấu hiểu và yêu thương. Thành công hay thất bại của vở chính là khả năng thể hiện của các diễn viên trong những phân cảnh khó này. Nhưng cả Lê Chi Na và Công Danh đã thể hiện rất tốt từng cung bậc cảm xúc của nhân vật, dẫn dắt người xem qua từng lời thoại, lớp diễn tự nhiên, chân thật, cảm động. Có thể vừa bật cười đó vì sự hài hước của bố, mà cũng rưng rưng đó vì tình yêu bố đã dành cho con.
Điều muốn nói với người xem…
Nhà văn Marc Levy sau khi xem vở đã nói rằng ông rất cảm động vì được nhìn thấy những nhân vật trong tác phẩm của mình trên sân khấu đầy cảm xúc. Ông cũng đánh giá cao hóa thân của Lê Chi Na trong vai Julia, cùng các diễn viên Công Danh, Đinh Mạnh Phúc… Đạo diễn Việt Linh bày tỏ, vở diễn được thực hiện song ngữ (chạy chữ phụ đề tiếng Anh) nên việc chắt lọc ngôn từ cho lời thoại càng được chăm chút kỹ lưỡng.
Vở diễn Mọi điều ta chưa nói - Ảnh: sân khấu Hồng Hạc
Một trong những điều khiến vở chinh phục người xem chính là thoại đắt giá và được xử lý tinh tế. Hài hước vừa đủ để khán giả cười, sâu lắng chân thật để chạm đến cảm xúc người xem. Không có sự khiên cưỡng, gượng gạo trong diễn xuất của diễn viên. Tất cả điều đó khiến Mọi điều ta chưa nói thu hút người xem đến phút cuối.
Thời lượng vở dài nhưng không bị cảm giác lê thê. Có tiếng cười và cả thổn thức trong đêm diễn ở Nhà hát TPHCM. Rưng rưng không phải vì bi kịch, mà là vì yêu thương, nhân vật người bố Anthony Walsh cứ nhẹ nhàng, hài hước trong cuộc hành trình bảy ngày cuối cùng với con gái, nhưng luôn khiến người xem cảm động.
Sau suất diễn ở Nhà hát TP.HCM, nhà văn Marc Levy tiếp tục dự đêm diễn dành cho sinh viên Đại học Văn Lang vào tối 8/11 và 9/11 tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Chiều 9/11, ông cũng có buổi giao lưu tại Đường sách TP.HCM nhân dịp Nhã Nam ra mắt tác phẩm mới của ông: Hoàng hôn của bầy mãnh thú. Sáng 10/11, ông giao lưu tại Sun Life Flagship trước khi tạm biệt Việt Nam.
Nhà văn Marc Levy cho biết, tác phẩm Mọi điều ta chưa nói cũng đã được chuyển thể thành chín tập phim truyền hình, trong đó ông vào vai Stanley - bạn thân của Julia. Bộ phim dự kiến sẽ phát sóng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thiết kế sân khấu đơn giản nhưng sang trọng. Bối cảnh trên sân khấu cho người xem cảm giác được đi cùng hai bố con Julia từ ngôi nhà nhỏ có tầng mái chưa sửa, sang đến TP.Montréal (Canada), Berlin (Đức), và về lại ngôi nhà của bố cô ở New York. Khoảng trống giữa các phân cảnh cũng là thời gian để mỗi người nghĩ suy, thấm thía về những điều mà các nhân vật vừa chia sẻ. Âm nhạc được chăm chút từ nhạc chuông điện thoại đến nhạc chờ chuyển cảnh, góp phần truyền tải và lưu giữ, nối dài cảm xúc cho người xem. Âm nhạc cũng là một trong những yếu tố được nhà văn Marc Levy đánh giá “xuất sắc”.
Có rất nhiều khoảnh khắc xúc động trong Mọi điều ta chưa nói. Đó là khi Julia hiểu được nỗi đau trong lòng bố suốt thời gian mẹ mình bị Alzheimer. Là lúc cô nhận ra mình sợ mất bố đến thế nào, khi chỉ còn một đêm nữa là ông không còn tồn tại... Nếu chỉ còn lại bảy ngày trong cuộc đời để nói mọi điều chưa nói với những người yêu thương, chúng ta sẽ nói gì/làm gì cho nhau?