Nhiều người không còn tin vào hạnh phúc trong hôn nhân. Nhiều người khác cho rằng, khi đã có con cái thì yêu đương gì nữa, lo cho con thôi, hôn nhân được vậy là tốt rồi. Nhưng tôi có may mắn được chứng kiến tình yêu sau sóng gió của nhiều cặp vợ chồng. Để thấy, hạnh phúc hôn nhân là điều có thật và vẫn đang hiện hữu cùng những mái đầu đã chớm bạc.
|
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory |
Họ đều đã ngấp nghé 50 tuổi. 2 đứa con trai đều vào đại học. Tuổi 50 chắc chắn là chưa… già, nhưng cũng không còn trẻ nữa. Chị làm trong ngành giáo dục, anh là họa sĩ. Căn nhà của họ trở thành nơi chữa lành tâm hồn cho những cô đồng nghiệp trẻ còn đang trong giai đoạn vật vã với hôn nhân.
Lúc con út vào đại học, việc đầu tiên anh hay làm để khỏa lấp khoảng trống của 2 con là thường xuyên mời bạn bè đến nhà ăn uống. Thỉnh thoảng, cứ tầm 15 giờ tôi lại nghe anh gọi, réo: “6g cả nhà sang nhà anh dùng cơm nhé. Nhớ nhé, anh đang chuẩn bị đây này, giờ phải cúp máy để làm bếp tiếp đây”. Nói rồi anh cúp máy. Tôi như vừa chứng kiến cảnh anh đeo tạp dề, tả xung hữu đột quán xuyến mọi thứ trong bếp.
6 giờ, cả nhóm xuất hiện thì thấy chị vừa bước ra từ phòng tắm. Chị vừa lau mớ tóc ướt, vừa nói: “Mấy đứa coi anh nấu món gì? Chị đi làm giờ mới về”.
Trong lúc chị thảnh thơi lau tóc thì anh tất tả tiếp đón nhóm “chị em bạn dì" của vợ. Anh vừa coi ngó nồi rau xào trên bếp, vừa lấy dép mang trong nhà phát cho mọi người, dặn tất cả “cứ ngồi chơi, không phải làm gì hết". Chị cười cười đi lên đi xuống, nói những điều… vô nghĩa đúng kiểu “bà vợ vô dụng trong truyền thuyết".
Mỗi lần chị nhìn vào chiếc bàn ăn đang lần lượt “ra món", anh lại nói: “Dạ, cơm nước vầy được chưa lãnh đạo?”. Chị cười tít mắt. Nét cười vừa hiền vừa ngượng, vừa không giấu nổi vẻ tự hào về một người chồng chu đáo, lại khéo pha trò.
Mới “mở màn", cả nhóm đã “tan chảy" với những tương tác ngọt ngào của họ. Trong lúc đợi anh xếp bàn ăn, chị ngồi hầu chuyện đàn em: “Ngày nào cũng vậy, chị đi làm về là đã tối mịt rồi, anh cho gì chị ăn đó”. Lúc này, mọi người mới nhận ra căn nhà rộng rãi, nhiều ngóc ngách này là do một tay anh dọn dẹp.
Chị là trưởng phòng, nổi tiếng hay “bật sếp". Không ai lạ cái vẻ xinh đẹp, mềm mại của chị mỗi lúc… câng lên cãi sếp, bảo vệ quan điểm, bảo vệ cấp dưới. Nhưng chỉ có anh biết, sau mỗi lần gồng mình ở cơ quan, về nhà chị lại nằm bẹp ra… khóc, anh lại phải dỗ dành.
Chị vốn cầu toàn, đam mê công việc, lại có chồng một lòng hậu thuẫn, nên gần như chị dồn toàn bộ cảm xúc lẫn năng lượng vào công việc. Chị thăng hoa với những thành công và cũng bị những khúc mắc công việc làm cho… khóc sướt mướt. Vào bữa ăn, chị vẫn chu đáo chăm sóc từng thực khách - cũng là những cô em đồng nghiệp của chị. Anh thì “chuẩn men", để ý từng nhu cầu nhỏ của mọi người. Nhưng trong mọi tương tác, anh luôn hướng về vợ, nên ai cũng cảm nhận rõ chị chính là trung tâm của cuộc trò chuyện.
“Mấy em có định đi coi Hiếu Thứ Hai diễn không? Xời, nhìn mặt ngơ ra vậy thì rõ là không biết Hiếu Thứ Hai là ai rồi. Hỏi chị mày ấy!”. Chị lại che mặt cười. Thì ra, Hiếu Thứ Hai là một cậu nghệ sĩ đang “hot" trong giới trẻ. Cậu này không có gì hợp gu người trưởng thành, chỉ mỗi “đẹp trai" nên chị để ý.
Rồi tối nọ, chị vừa về nhà thì gào inh ỏi: “Anh ơi, Hiếu Thứ Hai sắp diễn gần nhà mình". Anh nghe xong ngớ người, chẳng hiểu gì. Hỏi lại mấy lần anh mới hiểu và hiểu luôn một góc “trẻ trâu" trong bà vợ U50 suốt ngày lu bù công việc.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
“Rồi các em biết không, chị bây giờ…”. Anh cứ bắt đầu một đoạn chuyện bằng câu dẫn như thế. Những ngày này, hễ thấy điện thoại của con, hoặc nghe rục rịch lao xao gì đó trước nhà, chị lại… nói xàm: “Nhà gái tới hả anh?”. “Nhà gái", tức là gia đình bạn gái của con trai. Con trai còn đang tuổi đại học, lại chưa từng thừa nhận là có người yêu, nhưng chị thì cứ mơ tưởng. Lâu lâu chị lại hỏi giật ngược: “Thằng Tí gọi cho ba có việc gì thế? Nhà gái sắp lên thăm à?”. Ban đầu anh nghe cũng thấy ngược ngạo, nhưng về sau, mỗi lần nghe chị nhắc “nhà gái", anh lại buồn cười rồi xuề xòa mắng yêu “em nhảm nó vừa vừa thôi!”.
Nói vậy, nhưng khi kể lại cho khách, giọng anh đầy yêu thương. “Mấy em biết không, hễ buông máy tính ra là lại nói: anh nè, lỡ giờ nó báo tin mình đi thăm nhà gái thì mình có cần mời các bác ngoài Bắc vô đi cùng không nhỉ, hay chỉ vài người trong Sài Gòn mình đi với nhau thôi? Không biết nhà gái ở đâu nhỉ? Nếu mà Sài Gòn hay miền Tây thì tiện quá.
Nếu miền Trung, miền Bắc thì hơi xa anh hè”. Anh cứ hào hứng diễn tả lại vẻ “ngớ ngẩn" của vợ. Mỗi lần kết thúc một câu chuyện, anh lại nói: “Anh chịu, chẳng hiểu sao người ta gần 50 tuổi rồi mà cứ xàm thế".
Cả nhóm sung sướng nghe những chi tiết “xàm xí" của bà sếp. Người chồng ngoài 50 cứ lặp đi lặp lại chuyện “xàm và ngớ ngẩn" của vợ và thắc mắc “không hiểu từ đâu". Nhưng người nghe thì hiểu. Có rất nhiều cách để mô tả về một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Mà một trong những cách quen thuộc nhất, là kể về những khoảnh khắc trẻ con, “ngớ ngẩn", xàm xí của một người - khi họ được chở che trọn vẹn bởi bạn đời…
Gia Khánh