Sáng 21/11, phiên tòa xét xử sơ thẩm 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ, tiếp tục với ngày làm việc thứ 9.
HĐXX tiếp tục xét hỏi Nguyễn Thanh Hóa (SN 1958, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP Hà Nội), cựu Cục trưởng Cục C50, bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngày 20/11, bị cáo Hóa bất ngờ phản cung, phủ nhận những lời khai đã khai với CQĐT, phủ nhận CNC là công ty bình phong và phủ nhận nội dung của công văn 1314 của Tổng cục Cảnh sát gửi Bộ Công an.
Xin được coi CNC là công ty bình thường
Bắt đầu phiên xét hỏi, HĐXX yêu cầu Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch công ty CNC) lên đối chất. Dương cho rằng lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa là không đúng sự thật.
|
Nguyễn Văn Dương được gọi lên đối chất |
Giải thích cho việc này, Dương xin phép được trình bày chi tiết: "Sau khi được giới thiệu mong muốn phát triển công ty nghiệp vụ, đầu tiên là ông Phạm Quý Ngọ, sau đó là anh Hóa, tất cả đều mong muốn có công ty nghiệp vụ phục vụ C50. Anh Hóa có nói, ban đầu C50 có 30 người, cần lực lượng bên ngoài, doanh nghiệp hỗ trợ về phương tiện trình độ. Ban đầu chúng tôi rất nỗ lực cố gắng để đạt được mong muốn đó. Hôm qua tôi rất đáng buồn vì sao anh Hóa phủ nhận toàn bộ thành tích chúng tôi đạt được.
Thành tích của chúng tôi thể hiện qua toàn bộ tài liệu CQĐT đã thu thập được về hoạt động của công ty chúng tôi. Từ năm 2012, dù còn non trẻ, hạn chế về công nghệ nhưng chúng tôi tìm đủ mọi hiểu biết của mình để báo cáo mang tính chất xác định các đối tượng hoạt động không chỉ về game online, để tìm phương án cụ thể báo cáo lên cấp trên.
Anh Hóa cũng nói với tôi phải hoạt động như vậy, đó cũng là điều anh Hóa phủ nhận. Giai đoạn 2013-2014, có các cuộc hội thảo, đi đến đâu anh Hóa cũng giới thiệu tôi với cấp trên. Tôi và cô Hồng cùng đi đến một số hội thảo anh Hóa giới thiệu. Khi đó tôi còn gặp anh Trần Đại Quang, khi đó là Bộ trưởng Bộ Công an, anh Quang có nói lực lượng cảnh sát công nghệ cao nếu không có công ty như CNC sẽ khó thực hiện được.
Vậy mà hôm qua anh Hóa nói đó là sự ảo tưởng của chúng tôi, đó là điều đáng buồn với danh dự công ty, tập thể cán bộ. Còn nhiều tài liệu chứng minh anh Hóa chỉ đạo chúng tôi, báo cáo cấp trên về hoạt động của chúng tôi nữa. HĐXX chắc cũng đã có đủ tài liệu.
|
Một bản báo cáo của CNC gửi cho C50 |
Đúng là trước khi vụ án đưa ra xét xử, các luật sư bào chữa có trao đổi, việc hoạt động phạm tội của CNC được đồng ý cho phép của C50, cho hoạt động của công ty nghiệp vụ. Nếu chứng minh điều đó sẽ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho tôi. Hôm qua anh Hóa đã phủ nhận mọi thứ".
Cuối phần trình bày, Nguyễn Văn Dương xin HĐXX xem xét coi CNC như một doanh nghiệp hoạt động bình thường.
HĐXX tiếp tục hỏi thêm về mối quan hệ giữa CNC và cục C50: “Bị cáo có báo cáo theo tháng, quý, năm cho bị cáo Hóa hay C50 không? Báo về hoạt động gì, lý do gì phải báo?
Dương cho biết, CNC phải báo cáo cho C50 theo tháng, quý, năm. Việc quan hệ giữa hai đơn vị có thể chứng minh được ngay bởi sau khi ký ghi nhớ hợp tác, Nguyễn Thanh Hóa đã làm công văn ủy quyền cho Dương đại diện phần vốn của C50. Dương có thể ký trao đổi với các đơn vị bên ngoài nếu như cần thiết, mang tính chất hợp pháp.
"Khi hợp tác với VTC Online, tôi có xin ý kiến anh Hóa. Anh Hóa nói đây là sự cần thiết, nếu mở cổng thanh toán sẽ nắm thông tin hoạt động nghiệp vụ cho cục C50", Dương khai nhận.
Vợ cựu tướng phải vay mượn 700 triệu để nộp cho CQĐT
Về lời khai của Dương, bị cáo Hóa cho rằng về mặt pháp lý, giữa CNC và C50 chỉ có bản ghi nhớ mà không có văn bản ràng buộc nào khác. Tất cả báo cáo của CNC, Cục C50 đều không giải quyết, can thiệp, nhất là với việc kinh doanh phát triển.
|
Tài liệu được HĐXX trình chiếu trước đó, thể hiện việc báo cáo của CNC cho C50 về việc xây dựng cổng thanh toán online. |
“Sau năm 2015, C50 cũng không can thiệp gì về hoạt động của công ty cả. Khi CNC gửi công văn đề nghị này nọ, chúng tôi không giải quyết được vì không thuộc phạm vi của chúng tôi. Chúng tôi là đơn vị kỹ thuật, trinh sát kỹ thuật, không phải uy quyền to gì lắm nên chúng tôi không trả lời về yêu cầu của CNC. Anh Dương trách móc chúng tôi nhưng chúng tôi đúng là như thế...”, bị cáo Hóa khai nhận.
HĐXX hỏi: “Dương có khai, trong quá trình vận hành game, có cho bị cáo tiền đúng không?”.
“Chúng tôi không nhận được gì từ anh Dương. Tôi đã khai rõ với cơ quan điều tra hết rồi. Anh Dương chỉ hỗ trợ cho C50 phần mềm”, bị cáo Hóa khai.
HĐXX truy vấn: “Bị cáo có biết chị Hồng (vợ Nguyễn Thanh Hóa) đã nộp 700 triệu vào CQĐT không?”.
Nguyễn Thanh Hóa trả lời: “CQĐT có báo tôi số tiền CNC hỗ trợ C50 trong 3 năm thì phải thu hồi từ cán bộ chiến sĩ của cục. Tôi có văn bản gửi CQĐT và vợ về việc này. Có 3 lý do, tôi chịu trách nhiệm vấn đề này với đơn vị, cán bộ chiến sĩ trong cục tôi nhiều người khó khăn, nhưng ai nhận tiền đó thì tôi vẫn phải chịu vì tôi là người đứng đầu, tôi đồng ý cho cán bộ chiến sĩ nhận. Việc nộp tiền này là tôi muốn giữ uy tín cho lãnh đạo còn lại. Để có số tiền này, vợ tôi phải tìm mọi cách vay mượn nộp cho CQĐT”.
An Vũ