Vợ cũ của chồng liên tục gửi con

05/01/2020 - 12:00

PNO - Không phải chị ta đi công tác, chắc là đi chơi, du lịch hay không chừng đi với anh nào, chuẩn bị lấy chồng cũng nên.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em lập gia đình được ba năm. Chồng em trước đây đã ly hôn, người vợ cũ nuôi con gái, đến nay con gái anh ấy đã 11 tuổi. Khi đến với nhau, em cũng biết chuyện này. Em nghĩ thời bây giờ chuyện lập gia đình rồi chia tay là bình thường, miễn người đó và mình yêu thương nhau, em không quan trọng chuyện em là tập hai của anh ấy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời gian đó, vợ anh ấy cũng rất ít liên lạc, anh chỉ gửi tiền cấp dưỡng con mỗi tháng, ngoài ra không có liên hệ gì. Tới nay, em đang cấn bầu con đầu lòng, là một bé trai, vợ chồng em vô cùng hạnh phúc thì vợ anh xuất hiện, quấy rầy.

Đầu tiên, vợ cũ chở con bé đến gửi nhà em cùng với một thời khóa biểu dày chi chít, nói là gửi ba nó trông coi giùm, chị ấy bận đi công tác xa nhà. Chồng em thì đi làm suốt, vừa lo “cày” trả nợ tiền mua căn hộ, tiền cấp dưỡng con, tiền để dành cho em bé sắp chào đời, làm sao có thời gian đưa đón. Em đành phải đưa đón con bé đi học chính khóa, học thêm tiếng Anh, học đàn…

Tưởng lâu lâu chị ta mới “đi công tác” một lần, ai dè được hai tuần, chị ấy lại chở con bé qua tiếp. Em nói chuyện với con bé, mới biết không phải chị ta đi công tác, chắc là đi chơi, du lịch hay không chừng đi với anh nào, chuẩn bị lấy chồng cũng nên.

Em thấy con bé buồn, cũng tội nghiệp nhưng tình trạng sức khỏe không cho phép em vừa đi làm vừa chăm sóc đưa đón bé. Trả lại con bé cho mẹ nó thì khó coi quá. Em nên làm sao bây giờ? 

Thúy Lan (TP.HCM)

Em Thúy Lan thân mến, 

Hoàn cảnh của em đúng là khó xử. Nhưng khó cỡ nào đi nữa cũng phải tính toán có giải pháp ngay, đừng để xảy ra chuyện đùn đẩy qua lại, người lớn gây gổ xích mích nhau, làm tổn thương đến đứa bé. Một mặt, mình là người lớn, mình phải chủ động. Mặt khác, nếu chủ động thì mình tránh được những việc không muốn.

Em nên nói chuyện với chồng về việc con gái ở với anh hay ở với mẹ, về những lo lắng của em khi phải lo thêm việc đưa đón bé trong tình trạng này. Nếu anh vẫn muốn con gái ở với mẹ, là vợ cũ của anh, thì anh và chị ấy nên thống nhất việc gửi con đột xuất hay nhờ trông con giúp, ví dụ cần báo trước để vợ chồng em thu xếp thời gian hay nếu có đưa bé sang nhà em thì trong lúc sức khỏe của em không ổn định do thai nghén, chồng em sẽ phải sắp xếp công việc để phụ em đưa đón con đi học. Chuyện này, chồng em nên trao đổi kỹ càng với vợ cũ, lấy việc lo cho con gái làm việc chính. 

Ảnh minh họa

 

Chuyện vợ cũ của anh ấy có người đàn ông khác hay thậm chí chuẩn bị lấy chồng, em cũng nên coi là chuyện hết sức bình thường. Đó là quyền của chị ấy, quyền được tìm kiếm hạnh phúc của mình. Cũng phải nói điều này: phần lớn phụ nữ khi nuôi con đều hết lòng lo cho con, kẹt lắm mới phải gửi con như vậy.

Không phải ai cũng muốn đem con mình ra sử dụng như thứ vũ khí chọc ngoáy vào hạnh phúc mới của chồng đâu. Mình nhìn sự việc theo hướng này chỉ càng thêm bức xúc, cảm xúc tiêu cực, dễ chỉ trích người khác, không được lợi gì. Vì vậy, không cần đề cập đến chuyện này em ạ.

Người quan trọng nhất trong câu chuyện này chính là con gái riêng của chồng em. Em đang chuẩn bị đón con chào đời, chuẩn bị làm mẹ. Em hãy cố gắng đặt mình vào vị trí người mẹ để chăm lo cho con gái của chồng em. Đó là đứa trẻ đang bị thừa ra trong quá trình “tái cấu trúc” này.

Những đứa trẻ trong hoàn cảnh này thường rất nhạy cảm, dễ tổn thương. Việc chăm lo cho một bé gái 11 tuổi không đơn giản. Nếu mình không cẩn thận, lỡ có việc gì lại mang tiếng “mẹ ghẻ con chồng”, mà vết thương trong lòng trẻ con sẽ hằn dấu ấn sâu, khó liền sẹo. Em cố gắng lên nhé! 

Hạnh Dung

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

An Nhân (Q.Bình Tân, TP.HCM): Càng trì hoãn càng tổn thương

Thật khó để có thể khuyên bạn cố gắng vì con người dù rộng lòng thế nào cũng có những phút ích kỷ. Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng việc này chả liên can gì đến bạn, tại sao lại bắt bạn phải gánh chịu. Nhưng thật lòng tôi thấy thương cô con gái bé nhỏ quá. Đặt mình vào vị trí đứa bé, tôi thấy con bé chịu tổn thương nhiều. Có lẽ bé thấy mình cứ như một món hàng bị đẩy qua đẩy về.

Cha không chăm sóc. Mẹ không đón đưa. Tôi mong bạn hãy thương con lúc này, dù chỉ là tạm thời. Trước mắt, hãy thống nhất với chồng để anh sắp xếp công việc, đưa đón con giúp bạn. Sau đó, hãy nói chuyện với chồng, thống nhất việc nuôi con. Với phương án mang con về nhà nuôi luôn thay vì cứ đưa đẩy qua lại, bạn có thấy ổn không? Nếu ổn, hãy nói với chồng đề nghị lại với vợ cũ anh ấy xem sao.

Còn nếu phương án này không ổn, vợ chồng bạn và vợ cũ của anh ấy nên ngồi lại với nhau để cùng tìm ra giải pháp tốt nhất, nhằm giải tỏa tâm lý cho đứa trẻ, đồng thời không đặt thêm gánh nặng lên bạn, nhất là trong thời điểm bạn mang thai và nuôi con nhỏ. Việc này càng trì hoãn càng khiến người trong cuộc, nhất là bé gái ấy và bạn, bị tổn thương nặng nề.

Như Hòa (H.Hóc Môn, TP.HCM): Rồi mọi việc sẽ ổn

Tôi đọc cũng thấy ấm ức thay bạn. Cứ như thể vợ cũ của chồng bạn đang cố tình phá đám cuộc sống của bạn. Đã thương con, đã nhận nuôi con thì nên cố gắng cho trót. Phải cố sắp xếp cho trọn.

Tôi cũng tự nuôi con sau ly hôn. Quả thực, tôi đã cố gắng hết sức để chu toàn cho con mình. Sau khi chồng cũ lấy vợ mới và sinh con, hầu như tôi không nhờ anh giúp đỡ việc gì cả. Tôi chẳng ngại gì mà chỉ sợ con mình tổn thương. Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình khiếm khuyết đã đủ mặc cảm rồi.

Tôi nghĩ rằng trong lúc chờ mọi thứ ổn thỏa, bạn hãy cố thu xếp. Đưa đón một đứa nhỏ lúc bầu bì quả là gian nan. Bạn hãy nhờ chồng mình thêm. Chắc là anh ấy sẽ tìm ra giải pháp ổn thỏa. Rồi mọi việc sẽ ổn. Bạn cũng nên mở lòng. Con thực sự cần tình thương. Hy vọng là sau những “bận rộn” này, người mẹ kia sẽ sớm quay về bên con.

 

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ Thứ 2 tới Thứ 6, trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI