Bé Hà đang chơi nhà tôi thì có điện thoại, là mẹ bé hỏi bao giờ về, “dì mày” có đối xử tốt với mày không? Con bé đính chính “Ba bảo con gọi là mẹ chứ không phải dì, mẹ Hiền rất thương con”. “À, vậy đưa điện thoại cho nói chuyện với mẹ Hiền coi nào”.
Điện thoại chuyền đến tay tôi, đầu bên kia xưng là vợ cũ của chồng tôi, muốn nói với em một việc. “Việc gì ạ?”. Lúc này chị đi làm ít quá, tiền học phí bé chưa đóng kịp, em cho chị xin được không?
Chị nói mà chẳng chút mào đầu khiến tôi hơi bất ngờ vì tôi cũng sắp sinh con, nhà cũng chẳng khá giả gì.
|
Ảnh minh họa |
“Với lại chị có chồng khác, sinh con thêm, cuộc sống cũng không có gì khá giả. Cảnh nuôi con riêng khi sống với chồng sau thì có lẽ em cũng biết, có những thiếu thốn không làm sao nói ra. “Anh ấy của chị” hồi đó yêu vợ thương con biết mấy nhưng tại… hết duyên hết nợ nên tụi chị đành phải chia tay…”
Chị gọi chồng tôi bằng cụm từ “anh ấy của chị” nghe mà nổi da gà. Lời chị thống thiết quá nên tôi không thể nào từ chối, huống chi chị xin tiền là để đóng học phí cho cô con gái cũng đã trót gọi tôi là mẹ.
Lời chị lại dìu dặt qua cuộc gọi chưa dứt rằng em may mắn lắm mới lấy được “anh ấy của chị”, hãy cố giữ hạnh phúc này nhé! Ảnh lấy vợ chị cũng mừng, vì từ ngày tụi chị chia tay nay đã mười năm rồi chứ ít ỏi gì đâu, nghe nói ảnh cũng khá giả lắm phải không em, mà chị thì… vẫn như ngày trước, chưa giàu được vì bôn ba làm lụng lắm em à!
|
Cho tới giờ này, chị vẫn chìm trong kiếp u mê. Ảnh minh họa |
Việc này thì chồng đã nói với tôi, là chị ấy không thể giàu bởi có tính bài bạc, chính vì tính ấy không sửa được nên họ mới ly hôn. Ly hôn khi con bé vừa tròn hai tuổi, khi chị đã để món nợ đến năm trăm triệu cho chồng. Con giao cho mẹ của bé nuôi, anh bôn ba xứ người làm lụng để trả nợ cho vợ, để phụng dưỡng cha mẹ già, để cấp dưỡng cho con được phần nào bằng bè bằng bạn…
Thanh xuân qua đi, ngoảnh lại đã mất mười năm. Gần bốn mươi tuổi đời anh mới xây dựng niền tin mới. Dù vậy, anh vẫn không quên cô con gái bé bỏng đã sớm chịu nhiều thiệt thòi nên đã cố gắng bù đắp cho con bằng cách hàng tuần xin mẹ bé chở con về nhà chơi với “mẹ Hiền” rồi đầu năm học, đã sắm hết quần áo, sách vở, xe cộ…
Tôi nói với chị, tất cả vật dụng anh sắm cho con gái đến mấy triệu đồng, thì giờ còn hơn bảy trăm tiền trường, sao chị lại xin tôi khi tôi sắp sinh con? Chị thút thít rằng, vì chị xin mà anh không cho nên mới nói chuyện với em, hi vọng vì sắp làm mẹ nên em cũng sẽ hiểu được nỗi lòng người mẹ.
|
Tật bài bác của chị đã khiến chồng mất 10 năm bôn ba trả nợ. Ảnh minh họa |
Tôi “nốc ao” vì câu nói đó, cũng nghĩ là lần đầu chị gọi điện đích danh mình và cũng không lớn lao gì số bạc vài trăm nên hứa cho. Tuy nhiên, khi chị bảo đưa tiền cho con bé cầm về thì tôi nhất quyết không, mà hẹn chị ra quán cà phê nào đó gần nhà chị, khi tôi trả con bé, rồi tôi sẽ đưa tiền cho.
Hôm sau hết tiệc, tôi đưa con bé về và gặp chị như lời hẹn.
Hóa ra chị không nghèo để phải xin vài trăm ngàn như tôi tưởng. Trang sức chị đeo đầy người, phấn son dày cả mặt nên trông chị già hơn tuổi.
Chị hỏi tôi:
- Ngoài việc chuyên môn, em có làm gì thêm để giải trí không?
- Em lu bù việc, tivi ra rả cả ngày, cần gì giải trí ạ?
- Không… là việc khác kìa. Như một niềm đam mê nho nhỏ nào đó.
- Dạ có! Em mê một shop hoa. Mai này sinh xong, con lớn lớn tí, em sẽ mở shop hoa!
- Không… ví dụ như khiêu vũ, tập gym, ca hát… em có mê trò nào không?
- Không ạ. Việc nhà em làm đủ mệt rồi.
- Đó… chị muốn bày cho em, mệt là phải giải trí… ví dụ như…
- Như gì ạ?
- Đánh bài nè, em biết chứ?
- Không ạ!
- Mua vé số?
- Em ít mua, chỉ giúp vài bà cụ thôi!
- Mua vé số, ghi số cũng là cách giúp người. Hên thì độc đắc hoặc một ăn bảy mươi!
- Cái gì mà ăn dữ vậy chị?
- Ghi số đề đó! Một ăn bảy mươi ngon lắm em ạ! Trên đời không mua bán thứ gì dễ kiếm ăn như món này!
|
Ảnh minh họa |
Giọng chị hào hứng như người truyền lửa. Hóa ra chồng tôi nói không sai, bài bạc là một “nhóm máu” luân chuyển trong cơ thể con người dù có ba chìm bảy nổi thế nào cũng không rời xa nó được. Chị đã mắc nợ bạc trăm triệu, đã phải ly hôn, rồi vừa xin người đối diện mấy trăm ngàn mà giờ còn có thể lên giọng như thế. Tôi cũng hòa cùng cho vui:
- Dễ… ăn lắm hả chị? Mà làm sao làm được?
- Có gì mà khó đâu. Em mới tập thì đêm đêm ráng nằm mơ xem mình thấy cái gì, rồi gọi cho chị, chị em ta sẽ bàn.
- Lúc nào cũng trúng y bong vậy hả chị?
- Ờ… đôi khi cũng sai sai. Đó là do nghề dạy nghề, ta phải biết cộng trừ một chút…
- Sao ạ?
- Ví dụ em thứ mấy, đó là ngày mấy thì trừ cộng rồi chặn đầu, khóa đuôi các con số đó luôn. Có khi một số vào mấy chi, em ăn mấy lần nữa…
- Chị rành vậy, hèn gì mau khá hén, vàng đeo đỏ người luôn!
- Suỵt… đừng nói lớn, người khác nghe… làm cái nghề này phải có vỏ vậy chứ em!
Cuộc trò chuyện kết thúc vì tôi bảo tới giờ về, hẹn chị lần sau nói chuyện tiếp. Nhưng quả thật, tôi tự nhủ lòng, sẽ không bao giờ dám gặp chị nữa, cuộc gọi tới của chị tôi cũng không bao giờ nghe nữa. Tự thấy thương và ngán ngẩm quá đi thôi.
Bài bạc, sẽ không làm cho ai giàu được, mà sẽ tan nát từ gia đình tới chìm nổi nợ nần, tàn tạ bản thân và bay vèo lòng tự trọng. Vậy tại sao con người ta cứ lún sâu vào kiếp u mê?
Kim Hiền