Vợ chồng wifi, 3G

24/05/2017 - 14:08

PNO - “Biến những thiếu hụt thành ưu thế” là điều những phụ nữ vắng chồng phải tận dụng. Nhờ có Wifi, 3G mà mọi khoảng cách được kéo gần.

“Coi như lấy chồng thời chiến”, nói vui vậy, nhưng những nỗi buồn tủi, cô đơn của phụ nữ có chồng xa nhà vẫn nguyên đấy. Họ nhạy cảm và dễ chạnh lòng trước những câu hỏi vô tâm của người khác về gia đình. 

Vo chong wifi, 3G
Ảnh minh họa

Giám đốc kiêm ôsin 

“Ba các cháu đâu?”, đáp lại sự vồn vã thái quá và câu hỏi riêng tư của cô lễ tân, bạn tôi lạnh lùng: “Không phải việc của cô!”. Cô tiếp tân hốt hoảng, có lẽ cô không hiểu nổi phản ứng mạnh của bạn tôi, người đã quá quen với việc từ chăm đến nuôi, từ dạy dỗ đến đưa con đi nghỉ, tất cả đều một mình. Bạn tôi, là điển hình của nhóm phụ nữ bất đắc dĩ gánh luôn công việc làm cha, còn chồng vì công việc mà thi thoảng mới về nhà. 

Vốn là một phóng viên nhanh nhạy, sau khi lấy chồng, sinh con, cô bạn của tôi mới nhận ra gánh vác một gia đình cụ thể là như thế nào. Chồng là một chuyên gia dầu khí, cứ nửa tháng làm việc ở giàn khoan, nửa tháng nghỉ ở nhà. Một năm vài chuyến công tác dài ngày sang Trung Đông. 

Từ việc nhỏ như trồng cây, mang chó mèo đi chích ngừa, việc vừa vừa như tuyển người giúp việc, bảo vệ, làm vườn, cho đến việc lớn như mua xe, mua đất, xây nhà, và sau này là đi khám thai, sinh con, chọn trường cho con, đưa con đi nghỉ, cô bạn tôi đều phải tự sắp xếp.

Trong nhà, ông chồng gọi đùa vợ là bà chủ, nhưng thực tế, bạn tôi vừa là quản gia, giám đốc nhân sự, cũng có khi thành người giúp việc, làm vườn, vì không biết việc thì không thuê người hay phổ biến các yêu cầu cho họ hiểu và làm đúng ý chồng mình.

Với thu nhập khủng của chồng, cô vợ-bà chủ lo quản lý tiền bạc, tìm kênh đầu tư để tiền sinh sôi nhiều hơn, chăm sóc nhà cửa, con cái. Hè đến, cô cùng con đi nghỉ vì chuyến công tác dài ngày của chồng kết thúc thì bọn trẻ phải trở lại trường học. 

“Cứ tự ba mẹ con vui với nhau thôi, nhưng nhiều khi cũng buồn vì không thể thay thế chồng hoàn toàn. Ai mà hỏi “chồng đâu” là ghét lắm”, cô giải thích cho sự việc bên quầy tiếp tân và phản ứng của mình.

Cảm ơn thế giới phẳng

 “Làm tất mọi việc chưa phải là khổ nhất khi chồng hay vắng nhà đâu”. Vân Quyên, có chồng là giám đốc một cảng vụ hàng không cách Sài gòn 400km cho biết. Chồng chị thường chỉ về nhà vào cuối tuần, mọi việc học hành của con, nhà cửa, đối nội đối ngoại giao hết cho vợ, nhưng việc gì cần quyết, Quyên vẫn trao đổi với chồng. “Đàn ông họ không chi tiết như phụ nữ nhưng về mặt khái quát, tổng thể, họ nhìn nhận thấu đáo hơn, khách quan hơn. Mà như thế, trách nhiệm hay vinh quang sẽ thuộc về cả hai, sai cùng chịu, đúng cùng hưởng”.

 Hỏi chị vậy điều gì là khó khăn nhất khi chồng công tác xa nhà, chị trầm ngâm: “Nhiều bạn bè bảo tôi cẩn thận, chồng dễ đánh bắt xa bờ lắm, nhưng tôi tin vợ chồng mình đã trải qua đủ cay, chua, ngọt, đắng để sẽ biết gì là quan trọng, cần giữ gìn để đi cùng nhau đến cuối đời. Điều luôn làm tôi lo lắng và đôi khi bực bội là việc anh yêu con quá, muốn bù đắp cho con mỗi khi về nhà. Tuy con tôi chưa tận dụng lợi thế này, nhưng cũng khiến tôi lưu tâm”.

Sự lo lắng của chị Quyên không phải không có lý do. Hầu hết các ông bố xa nhà đều có tâm lý muốn bù đắp cho con về vật chất và tình cảm. Họ dễ chiều con từ việc nhỏ như cho ăn fastfood “thả giàn” hay nghỉ học khi trời mưa, khi bố ở nhà, đến những việc lớn hơn như cho con đi du học ở đâu. 

 “Biến những thiếu hụt thành ưu thế” là điều những phụ nữ vắng chồng phải tận dụng. Nhờ có Wifi, 3G mà mọi khoảng cách được kéo gần. Kết nối với nhau qua video call hàng ngày, nhà gắn camera 24/24, các ông bố có cảm giác mình vẫn ở nhà. “Các con vẫn hôn bố mỗi tối trước khi ngủ, bài vở vẫn hỏi han. Có khi mọi chuyện ở trường bố còn biết trước cả mẹ”, chị Quyên vui vẻ kể. 

Quả thật, không ít gia đình mà các thành viên ngày ngày chạm mặt nhau vẫn không có sự giao tiếp. Không ít cặp vợ chồng khó nói chuyện với nhau qua câu thứ hai mà đôi bên không nổi sung, thế nên, khoảng cách và vẻ mặt nhẹ nhõm tươi cười với nhau trên màn hình có khi lại là... một lợi thế. 

Lê Lan Anh

Dịch chuyển theo chồng rất thú vị

Vo chong wifi, 3G
Hình ảnh hạnh phúc của gia đình chị Ha Millar

Do tính chất công việc của chồng tôi ở ngành ngoại giao nên gia đình tôi cứ ba, bốn năm lại phải chuyển đi một nước. Có thể với các gia đình khác, đó là điều khó khăn, bởi theo thống kê của bộ Ngoại giao Pháp, tỷ lệ ly hôn trong các gia đình làm việc trong ngành ngoại giao, phải di chuyển nhiều rất cao.

Thông thường là do những người vợ không muốn bỏ công việc của mình. Nhưng tôi là người khá năng động và luôn tìm ra công việc cho mình trong hoàn cảnh mới nên thấy hết sức bình thường, thậm chí thú vị.

Tất nhiên, cũng có những khó khăn, như việc chỉ vừa quen thân bạn bè là đã phải ra đi. Khó nữa là việc đóng gói đồ đạc rất cực, có khi chúng tôi đến nơi mới thì vài tháng sau đồ đạc mới tới …

Trẻ con dễ thích nghi, hai con tôi trở thành những đứa trẻ mê dịch chuyển. bé Paul còn hỏi: “Bao giờ thì mình đi đến nước khác nữa hả mẹ?”. Tất nhiên, tôi biết khi các cháu lớn và có bạn bè và người yêu, mọi việc sẽ khó khăn hơn. Còn bây giờ, cuộc sống chúng tôi vô cùng phong phú và thú vị.

Ha Millar

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI