Vợ chồng và chuyện… mất búa

25/04/2015 - 12:08

PNO - PN - Chuyện xưa kể rằng, có người nọ làm mất cái búa. Anh ta nghi người hàng xóm lấy cắp búa của mình, nên nhìn người hàng xóm đi, đứng hay làm gì cũng có vẻ như là thằng ăn cắp búa. Đến chừng tìm lại được cái búa thì anh ta...

edf40wrjww2tblPage:Content

Câu chuyện đầy ý nghĩa đó đem áp dụng vào cuộc sống vợ chồng cũng có không ít điều đáng nói. Vợ nghi chồng có nhân tình thì luôn thấy cái kiểu mặc quần áo có vẻ như điệu đàng hơn, chắc là đi gặp bồ nhí. Chồng nghi vợ ngoại tình, thấy vợ nửa đêm không ngủ, thở dài thì tin rằng đang nhớ nhung “kẻ lạ”.

Vợ nghi chồng giấu tiền để nhậu nhẹt, bù khú, mỗi lần chồng kêu đưa tiền sửa xe thì chắc mẩm ổng “kê thêm” để có tiền dư. Chồng nghi vợ giấu tiền để cho gia đình thì luôn đinh ninh rằng nếu không giấu bớt tiền chợ thì cũng để dành tiền lương riêng… Vợ chồng chẳng tin nhau thì bất chợt nhận được một câu nói hay một tin nhắn tình tứ cũng có thể nghĩ rằng “chắc có lỗi gì mới bày trò đây”…

 Vo chong va chuyen… mat bua

Mà đã nghi thì luôn thấy như có “bằng chứng”. Nếu không phải hẹn hò ngoài vợ ngoài chồng thì sao lại mặc đồ đẹp, giày đánh bóng, xịt nước hoa, bất kể là hôm đó có họp hành, phải đi gặp đối tác… Nếu không nhớ “thằng khác” sao nửa đêm không ngủ mà trông buồn thườn thượt, bất kể là vợ đang rầu chuyện công ty, chuyện cha đau mẹ bệnh hay chuyện nhà thiếu hụt mà không dám than thở với chồng, sợ chồng lo. Nếu không giấu tiền để đàn đúm sao không để vợ đi cùng và tự trả tiền sửa xe, bất kể là phải thay phụ tùng giá cao hoặc có giấu riêng thì cũng để dằn túi lỡ ra đường… đụng bà bán bánh tráng...

Tức là, khi đã “bị mất búa”, dấu hiệu nào của kẻ “tình nghi” cũng đáng ngờ cả và khi đó trong đầu luôn có rất nhiều câu hỏi mà các câu trả lời thông thường dễ bị gạt qua một bên để nhường chỗ cho những câu trả lời có ý xác tín việc “ăn cắp búa”. Giả sử anh chàng kia quay sang nhà người hàng xóm mà chửi đổng, hoặc đón đường thộp ngực anh ta để dằn mặt về tội ăn cắp búa thì sao?

Có thể lúc đầu người hàng xóm chưng hửng, nhưng khi hiểu ra thì anh ta sẽ chẳng chịu để yên vì cho rằng mình bị xúc phạm, cần phải làm rõ trắng đen để bảo vệ danh dự của mình. Cái giả sử đó đem áp thành hành vi có tính “manh động” của vợ đối với chồng, của chồng đối với vợ, chắc cũng chẳng hay ho gì! Dẫu nhẹ thì năm ba bữa làm lành, nặng thì có thể đổ vỡ nào đó, dù gì cũng để lại vết thương lòng, không chỉ cho người trong cuộc mà còn có thể cho những người khác, nhất là con cái.

 Vo chong va chuyen… mat bua

Thôi thì đã bị mất búa, nên đi tìm búa. Phải tìm cho kỹ. Nếu nghi ngờ ai đó lấy thì phải tìm cho được bằng chứng. Áp dụng “suy diễn vô tội” trong trường hợp này vẫn hoàn toàn đúng, tức là chưa chứng minh được ai có tội thì người đó mặc nhiên vô tội. Cứ đem bản thân mình ra suy xét là tốt nhất. Tìm không được búa thì mua búa khác, đừng để chuyện cái búa cũ lởn vởn, ám ảnh, và dĩ nhiên phải cẩn thận, giữ gìn hơn.

Nếu tìm được kẻ trộm búa thực sự thì tùy trường hợp mà định liệu. “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, “dĩ hòa vi quý” vẫn tốt hơn; tất nhiên không thể bao che kẻ ngoan cố, xảo trá. Nếu chưa có hậu quả hoặc hậu quả không đáng kể thì chuyện lớn nên thành nhỏ, chuyện nhỏ nên thành không và quên luôn chuyện đó, đừng nhắc lại nữa. Người trộm búa đã nhận lỗi, đã thành khẩn nhưng không được “xóa án tích”, cái tội vẫn cứ treo lơ lửng thì khả năng đẩy người ta đến con đường cũ không xa đâu.

Câu chuyện mất búa là một bài học về định kiến, thành kiến, rất tai hại trong cuộc sống, trong quan hệ vợ chồng. Đã xác định chung sống dài lâu thì nên tin tưởng nhau, còn không thể tin được thì nên dứt khoát, đừng vì định kiến, thành kiến của mình mà trói buộc lẫn nhau, có thể khiến cả đời dang dở, khổ sở. Mất cái búa có thể tìm lại hoặc mua búa mới, chứ đánh mất một người chồng/vợ tốt thì có khi phải tìm trong vô vọng!

 NGÔ ĐỒNG VŨ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI