Một ngày cuối tháng 3, bà Vy Thị D. (52 tuổi, trú tại huyện Tương Dương, Nghệ An) nhờ chồng trông coi nhà cửa rồi bắt xe khách vượt hàng trăm cây số xuống TP.Vinh tham dự phiên tòa xét xử bị cáo cùng quê về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Là bị hại trong vụ án, song bà D. vẫn xin HĐXX giảm án cho bị cáo Xên Thị Nhung vì cho rằng bị cáo không lừa mình.
Ngoài tuổi 50, hai vợ chồng bà D. vẫn còn chật vật lam lũ trên nương rẫy. Đôi mắt đỏ hoe, bà D. nói thấy nhiều người trong bản đi xuất khẩu lao động về có của ăn của để nên cũng muốn một lần trải nghiệm để thoát cảnh khó khăn, kiếm tiền trang trải cuộc sống và thuốc men khi về già.
|
Buồn rầu đến với phiên tòa, bà D. vẫn xin tòa giảm án cho bị cáo vì cho rằng bản thân bị cáo không muốn lừa mình |
Khổ nỗi cả hai vợ chồng đều đã có tuổi, lại không có trình độ, chuyên môn gì nên muốn đi lắm cũng đành chịu. Năm 2015, gặp một người từng có thời gian đi Trung Quốc làm việc mới trở về, giấc mơ xuất ngoại của bà cũng thành hiện thực khi được giới thiệu chỉ cần bỏ ra 6 triệu đồng là có thể vượt biên sang Trung Quốc.
Sau khi thỏa thuận, hai vợ chồng vay mượn được nửa số tiền chi phí xuất ngoại nộp cho "cò", số tiền còn lại sẽ trừ dần vào tiền lương sau đó. Giữa tháng 5/2015, vợ chồng U.50 này khăn gói đồ dùng, cùng 2 người khác nữa theo chân "cò" bắt đầu hành trình vượt biên sang Trung Quốc.
Sau khi sang Trung Quốc, vợ chồng bà D. được bố trí làm việc tại xưởng sản xuất dép nhựa của một ông chủ người Trung Quốc. Do đã có tuổi, năng suất không được như nhóm công nhân trẻ tuổi nên họ được trả lương 7 triệu đồng/tháng, bao ăn ở. Khi mới vào làm, bà D. và những người khác được ứng trước 1.000 nhân dân tệ (gần 3 triệu đồng) gửi về nhà trả nợ.
|
Anh V. nhớ lại những ngày tháng vất vả mưu sinh, sống chui lủi ở Trung Quốc |
Được 4 tháng, nhẩm tính số tiền lương của cả hai vợ chồng cũng được kha khá, bà D. hỏi chủ lấy tiền gửi về cho con. “Tôi hỏi ông chủ thì họ bảo tiền đã trả hết rồi, còn đòi gì nữa, hỏi lại người môi giới thì bảo ông chủ giữ hộ” - bà D. nói và cho hay 4 tháng quần quật làm việc chỉ nhận được 1.000 nhân dân tệ tạm ứng trước đó.
Đang định gặp môi giới để đòi lại công bằng thì cảnh sát ập vào xưởng sản xuất, vợ chồng bà D. bị bắt giam vì là lao động bất hợp pháp. Sau 2 tháng 15 ngày bị giam giữ, hai vợ chồng được thả ra và trục xuất về nước. “Hôm đó về đến Hà Nội không có lấy một xu nào, còn phải gọi về nhà gửi ra cho 1 triệu đồng để bắt xe về quê. Mà cũng chịu, tại đi chui mà” - bà D. rầu rĩ nói.
Hơn 5 năm trước, “phong trào” đi Trung Quốc làm thuê rộ lên ở nhiều vùng quê nghèo của Nghệ An. Chẳng cần một giấy tờ nào, nhiều lao động chấp nhận bỏ vài triệu đồng cho “cò” để vượt biên sang Trung Quốc làm việc với mức lương hấp dẫn 7-10 triệu đồng mỗi tháng. Song không phải lời hứa nào cũng thành sự thật, không ít người lao động lại rơi cảnh trắng tay sau nhiều tháng trời cật lực làm việc nơi đây.
|
Một nhóm lao động tập kết chuẩn bị hành trình vượt biên vào Trung Quốc - Ảnh NVCC |
Gần 2 năm làm ra Thanh Hóa làm công nhân xây dựng, anh V. (35 tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) nói: “làm việc chân tay tuy mệt, nhưng được cái đỡ phải sống cảnh bất an, lại gần vợ con”. Đầu năm 2019, người đàn ông 35 tuổi này bỏ ra 6 triệu đồng để được đưa sang Trung Quốc làm việc. Sau hành trình 3 ngày, 3 đêm trèo đèo, lội suối trong rừng, anh V. cũng được “cò” đưa tới một xưởng sản xuất đồ gốm.
Công việc mệt nhọc, nguy hiểm do không được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ, anh V. cho hay nhiều lao động làm việc bất hợp pháp tại đây còn nơm nớp lo sợ bị công an bắt giữ. Bởi vậy, hầu hết những người làm việc nơi đây đều luôn trong tư thế sẵn sàng bởi không biết lúc nào công an ập tới.
“Vì là lao động chui nên chúng tôi hạn chế thấp nhất việc ra ngoài. Chỉ khi nào cần đi mua đồ cấp bách chúng tôi mới ra khỏi xưởng. Có khi đang ngủ, nghe hô “công an đến”, mắt nhắm mắt mở, chúng tôi lao ra khỏi lán, mỗi người một hướng, cứ thế mà chạy” - anh V. kể.
Sau hơn 8 tháng làm việc, người đàn ông 35 tuổi này quyết định về quê vì chán cảnh sống chui lủi. “Khi vừa xếp quần áo xong, đang tính tìm đường về thì đúng lúc đó tôi lại bị công an kiểm tra, bắt giữ” - anh V. nói và cho hay sau hơn 2 tháng bị giam giữ, anh được cho về nước.
Ngày 22/3, TAND tỉnh Nghệ An xét xử và tuyên phạt Xên Thị Nhung (57 tuổi, trú xã Tam Đình, huyện Tương Dương) 18 tháng tù về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài".
Từng vượt biên sang Trung Quốc làm việc, năm 2015, Nhung liên kết với một người Việt Nam đang ở Trung Quốc đưa 4 người (trong đó có 2 vợ chồng bà D.) sang Trung Quốc làm việc bất hợp pháp.
Tại phiên tòa, bị hại cũng cho rằng bản thân bị cáo Nhung không muốn lừa họ mà chỉ sai lầm vì quá tin người. Trong phi vụ này, Nhung cũng chỉ nhận được số tiền công 300.000 đồng/người.
|
Phan Ngọc