Vợ chồng trẻ mà bị xếp hộ nghèo thì mắc cỡ lắm!

05/03/2021 - 10:45

PNO - Anh Chương vẫn nói với người thân và bạn bè, rằng anh nhờ phước bên vợ. Nhờ tình yêu chân thành của vợ, sự bao bọc của gia đình bên ngoại, mà anh trở thành người chủ gia đình đúng nghĩa.

Cuối năm, mới bán được hơn trăm triệu tiền gỗ bạch đàn, chị Hồ Thị Thưa (thôn Một, xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) tính toán các khoản chi tiêu xong, vẫn chừa một khoản tiền để sắm sửa cho chồng và hai con bộ đồ mới đón tết, mua chiếc ti vi màn hình phẳng cho chồng coi đá banh, mua gạo nếp, thịt heo gói nồi bánh tét phụ ông bà ngoại, mua vé xe đò để tết này cả nhà về thăm bà nội ở Bình Định.

Khoản chi nặng nhất là sửa chữa chiếc xe tải là “cần câu cơm” của chồng chị mới bị va quẹt, hư hỏng khá nặng.

Vợ chồng anh Chương - chị Thưa
Vợ chồng anh Chương - chị Thưa

Từ năm trước, khi thấy vợ chồng chị dành dụm tiền cất được ngôi nhà mới, Chủ tịch xã Phước Hòa đùa: “Nhà Thưa - Chương nay hết hộ nghèo rồi nhen. Có buồn không?”. 

Chị Thưa cười, cảm ơn: “Buồn gì mà buồn. Giờ kinh tế gia đình khá lên rồi, có nhà to, có xe tải chở hàng, có bò, có heo, mừng quá rồi”. 

14 năm trước, anh Lê Chương từ Kon Tum một mình ra đất Quảng tìm việc làm, với bộ đồ cũ và hai bàn tay trắng.

Cha mất sớm, mẹ đi lấy chồng, anh phải sống với bà ngoại. Năm 2006, anh đã ngoài 30 tuổi mà nghèo quá chưa dám cưới vợ. Tìm ra huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, anh xin vào làm công trong bãi vàng Phước Sơn, với hy vọng đổi đời, nhưng cực khổ vàng cả mắt mà tương lai vẫn mù mịt.

Những ngày cuối năm, thợ thuyền nghỉ tết, anh nằm chèo queo trong chiếc lán coi rẫy của một gia đình người M’Nông tại xã Phước Hòa.

Con gái chủ nhà là Hồ Thị Thưa thấy anh chàng vất vả, đơn độc quá nên đem cho khi thì mấy cái bắp luộc, khi chiếc bánh tét hay gói thuốc lá. Riết rồi họ thương nhau. Thấy hợp tính tình, Hồ Thị Thưa xin ba mẹ được cưới Lê Chương.

Dân thôn Một và người thân đều ái ngại cho cô gái xinh đẹp. “Thằng Chương đó, biết gia đình quê quán nó ra sao? Coi chừng bị nó lừa như con chị mi thì khổ lắm”. 

Chị gái song sinh với Thưa cũng từng yêu một anh công nhân cầu đường, tới khi anh ta chuyển công trường, bỏ mặc chị với cái bầu sắp sinh.

Mọi người ngăn cản dữ lắm, nhưng lòng Thưa đã quyết. Thưa hiểu Chương là người thật thà, siêng năng và tình nghĩa. Cuộc sống cô đơn, nghèo khổ càng làm anh thêm trân quý tình người.

Cha của Thưa, một sĩ quan quân đội về hưu cũng rất thương chàng rể: “Nó càng khổ, mình càng phải thương nó, bao bọc nó thành người tốt”. 

Về làm rể nhà vợ, Lê Chương thay đổi hẳn. Từ một anh làm thuê chui rúc hết khu rừng này tới bãi vàng khác, sống bạt mạng, chỉ biết hôm nay không cần biết ngày mai, anh đã trở thành một nông dân thực thụ, giỏi giang trên ruộng đồng, rừng rẫy, nuôi bò nghé, heo gà... 

Cha Thưa thấy vậy, cho vợ chồng bốn héc-ta rừng trồng. Chị Thưa hai lần sinh con đều phải mổ, tốn kém tiền bạc mà công việc đều đổ hết lên vai anh chồng. Cuộc sống cũng không suôn sẻ, khó khăn, hoạn nạn luôn rình rập.

Mấy năm trước, con gái lớn bị ngã gãy chân, vừa khỏi thì đến lượt anh Chương lái xe bị va quẹt, tiền bồi thường cho người ta, tiền sửa xe làm “bay” mấy héc-ta cây trồng. Gia đình người “hộ nghèo”, khiến anh Chương rất áy náy.

Anh nói với vợ: “Vợ chồng trẻ mà bị xếp hộ nghèo thì mắc cỡ lắm, phải tìm cách thoát nghèo thôi”.

Phát triển thêm đàn bò, trồng thêm mấy mẫu rừng, tiếp tục tìm mối chở hàng, vợ chồng làm lụng quên đêm, quên ngày. Chỉ mấy năm sau, nợ nần trả hết, còn đủ tiền cất nhà mới. Mừng nhất là vợ chồng đều khỏe mạnh, hòa thuận, các con học giỏi, ngoan ngoãn.

Hiếm hoi mới có cảnh cả nhà đi chơi cùng nhau
Hiếm hoi mới có cảnh cả nhà đi chơi cùng nhau

Anh Chương vẫn nói với người thân và bạn bè, rằng anh nhờ phước bên vợ. Nhờ tình yêu chân thành của vợ, sự bao bọc của gia đình bên ngoại, mà anh trở thành người chủ gia đình đúng nghĩa.

Mỗi khi đưa vợ con về thăm quê nội, anh rất tự hào. Chị Thưa ngày càng thương yêu, trân trọng người đàn ông đang là điểm tựa bình yên của gia đình. 

Phương Phương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI