Vợ chồng tôi muốn về thăm cha mẹ, nhưng em chồng nói đừng hòng về chia thừa kế

14/01/2023 - 14:25

PNO - Chỉ cần anh chị thu xếp về thăm mẹ, chuyện tài sản, khi anh chị không tơ hào thì rồi ai cũng sẽ rõ. Lòng mình thanh thản là được.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi năm nay đã gần 60 tuổi, sống cùng chồng được hơn 30 năm, có hai con trai cũng đều đã lớn, đã tự lo được cho bản thân. Thế nhưng, trong gia đình tôi vẫn còn một nỗi vướng víu mà mỗi lần Tết đến lại thấy buồn.

Ấy là cách đây hơn 20 năm, vào đúng ngày chuẩn bị Tết này, vợ chồng tôi dọn nhà ra riêng vì mẹ chồng tôi tát tôi ngay trước mặt cả nhà. Chuyện hôm đó ra sao, tôi cũng không còn muốn nhắc lại. Cũng chỉ là nước lũ tràn bờ, vì mẹ chồng tôi thường bênh con gái ruột, chuyện gì cũng bắt tôi làm.

Tôi lúc đó bụng mang dạ chửa, mà mẹ yêu cầu những chuyện quá đáng, còn so sánh, nói nặng nói nhẹ gia đình bố mẹ tôi. Tôi cãi một câu mà mẹ tát tôi loạng choạng.

Ngay lúc đó, chồng tôi đã bảo tôi lên nhà, thu xếp đồ đạc, để chồng tôi đi ra ngoài kiếm nhà thuê. Ngày Tết cận kề mà vợ chồng con cái đùm đề ra khỏi nhà. Mẹ chồng tôi còn ném đồ đạc của chúng tôi ra cửa, nói chồng tôi chui váy vợ, bất hiếu, từ nay đừng về nữa...

Đã hơn 20 năm qua. Vợ chồng tôi quả thật không về nhà nữa, lúc đầu còn ráng về, nhưng về là mẹ đuổi nên chúng tôi không về luôn. Các con cũng hiểu chuyện nên không hề thắc mắc gì. Gia đình chúng tôi coi như chỉ có bên ngoại.

Nhưng gần đây, nghe nói mẹ chồng bệnh nặng, bố chồng nhiều lần bảo chúng tôi về, chúng tôi cũng ngày càng lớn tuổi, câu chuyện năm xưa càng như một ám ảnh buồn.

Chúng tôi cũng muốn về chăm sóc bà cho trọn đạo hiếu. Thế nhưng cô em gái lại nói chuyền qua người khác, là đừng mong về xin lỗi để chia thừa kế. Nên vợ chồng tôi lại thôi.

Thế nhưng cứ Tết đến, trong nhà không khí buồn, con cái từ khi lớn thì đi du lịch xa, vợ chồng lúc trước cũng vậy, nay yếu hơn rồi nên không đi nữa. Tết năm nay thấy còn buồn hơn. Tôi muốn cùng ông xã về thăm mẹ, làm gì cũng được, đuổi cũng được, nhưng về gặp mẹ lần cuối, để sau này chồng tôi không phải ân hận, dày vò suốt tuổi già.

Nhưng về, thì phải xin lỗi, mà cho đến giờ tôi vẫn không thấy mình có lỗi, chồng cũng bảo nếu gặp lại như thế lần nữa, cũng sẽ ra khỏi nhà lần nữa. Mà không xin lỗi, chắc mẹ chồng tôi cũng vẫn không nhìn mặt, vì bà vốn là người gai góc, cứng cỏi, dữ dằn. Chúng tôi nên làm gì đây chị? Xin chị Hạnh Dung cho tôi lời khuyên.

H.T.B.N

Chị B. N thân mến,

Có đôi khi, nhất là trong việc xử lý các vấn đề về tình thâm của gia đình, chúng ta phải dẹp bớt cái tự ái, bỏ bớt những phân tích đúng sai, chị ạ.

Hơn 20 năm trước, chị và chồng không có gì sai khi quyết định dọn đi. Chúc mừng chị đã có một người chồng thương yêu, bênh vực, đứng về phía vợ mình, không ép chị dù là chịu nhún, chịu nhường. 

Trong tình cảnh đó, nếu tiếp tục làm dâu, chắc chị sẽ phải chịu nhiều ấm ức, nếu chồng chị không xử sự như thế, chắc gia đình nhỏ cũng có thể tan đàn xẻ nghé.

Chị và chồng sau việc dọn ra riêng cũng đã cố gắng quay về thăm hỏi cha mẹ, nhưng không thành, cũng không phải do lỗi của chị và chồng. Anh chị cũng đã cố gắng làm mọi điều có thể cho hạnh phúc của mình, và cho sự hòa thuận trong nhà.

Nay nghe mẹ bệnh, cha già cũng mong các con về gặp mẹ, thì anh chị nên cố gắng thu xếp mọi việc theo hướng này. Đừng để ý đến lời cô em gái nói ra nói vào. Cách cư xử của cô em gái rõ ràng là người ích kỷ, ác miệng, chắc là do được mẹ chị quá nuông chiều. Chỉ cần anh chị thu xếp về thăm mẹ, chuyện tài sản, khi anh chị không tơ hào thì rồi ai cũng sẽ rõ. Lòng mình thanh thản là được.

Cũng không biết rõ tình trạng mẹ chồng chị đến mức thế nào? Nhưng việc đầu tiên là anh chị hãy bàn với bố, xem về lúc nào, như thế nào là hay nhất. Một tiếng xin lỗi khéo léo, theo nghĩa "Làm con cái mà không khiến cha mẹ được vui", cũng khiến mẹ chồng chị - nếu còn tỉnh táo - không phải cảm thấy mất mặt, là được rồi.

Việc tranh cãi, phân tích hơn thua, đúng sai, cứ tránh đi là tốt nhất. Chúng ta, phận làm con, cũng đã đến lúc đằm tính để có thể tự hiểu, tự chấp nhận, tự tha thứ, tự bỏ qua... cho mình.

Ông bà vẫn thường nói: Cha mẹ đánh cửa trước thì tuồn cửa sau mà về, là có ý răn dạy, phận làm con hãy cố gắng chấp nhận mọi điều, không tranh đua phải trái đúng sai mọi lúc, như tình huống lúc này của anh chị, khi mẹ đã yếu. Hãy cố làm điều gì đó để bà được vui hơn, mà anh chị cũng nhẹ lòng, thanh thản hơn.

Tình huống xấu nhất, nếu mẹ chồng chị vẫn không chịu bỏ qua, thì sau này anh chị cũng không phải dằn vặt bản thân, vì anh chị đã cố gắng hết sức có thể rồi.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI