Vợ chồng quốc tịch Pháp, sống ở Việt Nam xử ngoại tình ra sao?

01/06/2022 - 06:29

PNO - Phát hiện chồng ngoại tình, có con riêng với người phụ nữ khác, bà S. không biết mình có được pháp luật Việt Nam bảo vệ?

 

Bà S. và ông T. đều là người Việt Nam, quốc tịch Pháp. 20 năm trước, họ kết hôn theo luật của nước Pháp, có một con chung nay đã trưởng thành. Gần mười năm qua, vợ chồng họ về Việt Nam sinh sống, thuê một căn hộ tại TPHCM để ở và cùng đứng tên nhiều cửa hàng kinh doanh. Cuộc sống khá êm đềm, hạnh phúc. Thế nhưng, bà S. kể: “Năm ngoái, dịch COVID-19 khiến TPHCM phải áp dụng lệnh giãn cách trong thời gian dài, tôi để ý thấy chồng đứng ngồi không yên, lén lút ôm điện thoại nhỏ to với ai đó. Vài ngày một lần, ông ấy “biến mất” vài tiếng nhưng tôi nghĩ chồng chỉ xuống sân chung cư hóng mát”. 

Tôn trọng chồng, bà S. không tìm hiểu thực hư. Một hôm giữa tháng Chín, thành phố vẫn còn giãn cách, ông T. lại rời nhà, sau đó trở về mời vợ ngồi nói chuyện. Bà S. nhớ lại: “Tôi muốn ngất xỉu khi chồng thú nhận đã lừa dối tôi suốt sáu năm qua. Ông không chỉ có người phụ nữ khác mà còn có con chung. Cay đắng hơn, chồng tôi đã mua cho mẹ con cô ấy một căn hộ ở cùng chung cư nơi tôi đang sống”.

Ban đầu, vì yêu chồng, bà S. “mắt nhắm mắt mở” để ông T. đi về giữa hai tổ ấm. Tuy nhiên, nhân tình của ông ngày càng quá quắt, ghen ngược, tìm cách chọc tức hoặc hành hung bà S.

Bà S. cho hay, nhân tình của ông T. thường gọi điện, nhắn tin xúc phạm bà. “Tranh thủ lúc ông T. đi vắng, cô ta nhiều lần xuống căn hộ của tôi đập cửa đòi vô nhà hoặc lớn tiếng chửi bới, cho chó đuổi tôi, hoặc nếu gặp nhau ở đâu, cô ta sẽ nhặt đá ném về phía tôi” - bà S. kể.

Khi bà S. kể những chuyện đã xảy ra cho chồng nghe thì ông ta lại nghĩ chính bà S. dựng chuyện làm phiền nhân tình của ông. Ba tháng nay, ông T. dọn sang sống với nhân tình và không chia cho bà S. lợi nhuận kinh doanh. Bà S. khẳng định: “Trước nay, tôi để chồng quyết hết chuyện kinh doanh. Nay lấy lý do dịch bệnh thua lỗ, ông ấy không đưa tôi đồng nào”.

Trước thực tế vừa nêu, bà S. muốn biết mình có được luật pháp Việt Nam bảo vệ, tức có quyền tố cáo ông T. và nhân tình vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam? Bà có được nhờ tòa án Việt Nam xét xử nếu muốn ly hôn đơn phương? Bà phải làm gì để bảo vệ mình khi bị nhân tình của chồng quấy phá, xúc phạm? Tài sản chung giữa bà và ông T. là các cửa hàng cùng đứng tên kinh doanh, sẽ giải quyết ra sao?

Bà S. cho biết, bà và ông T. đã đăng ký thường trú, đăng ký di trú kết hôn tại Sở Tư pháp TPHCM và sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Với trường hợp này, luật sư Đặng Đức Trí - Giám đốc Hãng luật Roma - cho biết, theo khoản 1, điều 127, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (quy định về ly hôn có yếu tố nước ngoài) và Luật Cư trú năm 2020 (quy định về nơi thường trú), việc hôn nhân của ông bà được Việt Nam công nhận, cho nên việc ly hôn giữa hai người cũng được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Bà S. có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của ông T. và nhân tình để cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo luật. 
Đối với việc bị nhân tình của chồng quấy phá, xúc phạm, nếu bà S. có căn cứ chứng minh, bà có thể làm đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xử lý.

Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm có thể bị xử phạt (theo điểm a, khoản 3, điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP) từ 2.000.000 - 30.000.000 đồng tùy mức độ, tính chất. Những hành vi xúc phạm người khác mang tính chất nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo điều 155, Bộ luật Hình sự.

Trường hợp hành vi của nhân tình ông T. gây thiệt hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cho bà S. thì bà có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu người này bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự.

Về tài sản chung và công việc kinh doanh giữa bà S. và ông T., nếu có tranh chấp, bà S. có thể khởi kiện ra tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

Điểm c, khoản 1, điều 59, Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ. Ngoài ra, tùy theo mức độ của hành vi, thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI