Vợ chồng nửa đời lệch pha: Vợ “hanbok”, chồng “boxing”

05/02/2021 - 17:43

PNO - Người ta thường nói, gương mặt hai người khác phái giống nhau là có tướng phu thê, nhưng tính tình trái ngược với nhau thì là luật bù trừ.

Đã là vợ chồng thì phải có điểm tương đồng, nhưng cũng có điểm trái ngược, hôn nhân mới bền vững. Ví như, vợ chồng suy nghĩ phải giống nhau, nghĩa là cùng nhìn về một hướng, nhưng sở thích, tính cách phải khác nhau để bổ sung, bù đắp cho nhau. 

Bởi vậy, vợ chồng có thể “lệch pha”, nhưng nếu biết cách dung hòa, gia đình vẫn có thể ấm êm, hạnh phúc. Vợ chồng không như dòng điện, nếu lệch pha quá lớn sẽ dẫn đến sự tiêu hao vô ích, đôi khi làm hư hỏng vật dụng cần dùng.

Hồi mới cưới, chúng tôi thường cùng nhau xem - nghe - đọc. Ảnh minh họa
Hồi yêu nhau, chúng tôi thường cùng xem - nghe - đọc. Ảnh minh họa

Lúc mới cưới nhau, chồng tôi chiều tôi ra mặt. Tôi thích xem phim Hàn Quốc, xứ sở của món kim chi và áo hanbok, chồng tôi sẽ “nhịn” xem các trận đấu boxing yêu thích để nhường cái ti vi duy nhất cho tôi mặc sức luyện phim. Đó được xem là sự nhún nhường đầy trách nhiệm, thể hiện tình yêu của chồng đối với tôi.

Rồi chẳng biết từ lúc nào, chồng bắt đầu chê những bộ phim ngôn tình Hàn Quốc tôi vẫn xem mỗi ngày: “Phim Hàn Quốc ủy mị ấy có gì hay ho? Toàn kiểu mô-típ chàng hoàng tử - nàng lọ lem, suốt ngày uống rượu so-chu ăn mì tương đen rồi kết thúc phim là một căn bệnh ung thư, máu trắng nào đó…”. Nói chung, cái sự lệch pha giữa tôi và chồng bắt đầu nhen nhóm.

Thật ra, tôi cũng chả vừa gì. Tôi cũng bắt đầu bình phẩm về những trận đấu boxing mà chồng mê, dù xưa kia trong mắt tôi, sở thích của chồng thật… mạnh mẽ và nam tính. 

Tôi bắt đầu vặn lại: “Thế mấy trận đấu boxing của anh có gì hay ho? Toàn đánh đấm, máu me. Thử hỏi thân thể con người nào chịu được vậy? Anh mà cho con xem những hình ảnh bạo lực đó, nó sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực…”. Trận đấu lý giữa tôi và chồng lại tiếp tục. Ai cũng bảo vệ quan điểm riêng, sở thích riêng của mình. Sự lệch pha, khác biệt bắt đầu gây ra những cuộc chiến tranh nóng và lạnh.

Rất nhiều lần như vậy, đôi khi, tôi phải thua để anh xem trọn vẹn một trận đấu boxing nào đó. Thực chất, những trận đấu thường chiếu vào lúc khuya, khi tôi đã bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Ngược lại, nhiều lần chồng cũng phải nhường cho tôi xem từ đầu đến cuối một bộ phim mà tôi lỡ ghiền, còn anh chong mắt vào màn hình điện thoại để theo dõi các trận đấu boxing gay go trên mạng. Vậy là huề nhau. Dù lệch pha, dù khác biệt, vợ chồng tôi cũng có cách để dung hòa, làm đẹp lòng đối phương.

Tôi nhớ có một chương trình hẹn hò, khi kết thúc câu chuyện, cả chàng trai và cô gái đều không bấm nút cho nhau. Khi được hỏi lý do, cô gái đã thành thật trả lời: “Vì anh ấy nói anh cũng sống tình cảm và mít ướt như em. Em chỉ muốn tìm một người có tính cách khác em để bù trừ, chứ em không tìm một người có tính cách giống hệt”. Vậy là đủ hiểu, người ta tìm ý trung nhân, nhất định một nửa đó phải là phần bù trừ cho những thiếu sót của mình. 

Đã là vợ chồng, có thể vợ thích mặn, chồng mê ngọt, vợ thích phim tình cảm chồng thích thể thao, vợ nhiều lời còn chồng kiệm tiếng… Nhưng nhất định sự khác biệt đó không làm ảnh hưởng hạnh phúc gia đình. Sự khác biệt có thể là những màu sắc của hôn nhân, nhưng phải cùng vẽ ra một bức tranh gia đình 
hoàn chỉnh. 

Huyền Nga
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI