Vợ chồng nửa đời lệch pha: "Ủa, không có mắm nêm à?"

29/07/2020 - 16:03

PNO - Hôn nhân đưa bạn đến sống chung với người khác, có nghĩa là sống với một người chẳng giống bạn gì cả. Liệu sự khác biệt đó khiến bạn bực mình, hay làm cuộc hôn nhân thêm thú vị?
Hãy chia sẻ cùng Báo Phụ Nữ TP.HCM cảm xúc của bạn với người bạn đời rất khác biệt của bạn nhé! Câu chuyện xin gửi về địa chỉ: honnhangiadinh@baophunu.org.vn, mục Nửa đời lệch pha.

Đa phần những lần tôi “lên tăng xông” với chồng đều xuất phát từ chuyện nấu nướng. Chẳng là công việc của chồng tôi thường xuyên phải đi tiếp khách ở nhà hàng, và mỗi lần như thế lão đều khen tấm tắc một món nào đấy.

Tài nấu nướng của tôi chỉ thường thường bậc trung. Những món chồng khen đều vượt khỏi khả năng bếp núc của tôi. Thế nhưng, tôi có sự nhiệt thành. Tôi nghiên cứu, tập dượt để làm. Và bi kịch nằm ngay ở chỗ này: một bên thì chú tâm và nhiệt tình, còn bên kia thì tùy hứng và kém tập trung.

Chồng rất thích chê bai, trù dập. Ảnh minh họa
Chồng rất thích chê bai, trù dập. Ảnh minh họa

Kết quả: đáp lại nỗ lực của tôi là những lời nhận xét vô hồn. Có lẽ hiếm người vợ nào có trải nghiệm bưng ra một món ăn đầy tâm huyết rồi chứng kiến chồng nói hờ hững: “dở hén?”. Nhưng tôi bị suốt. Bạn có thể bị chê, bị bày tỏ thái độ, bị trù dập tơi bời.

Nhưng, điều đó không khó đỡ bằng một thái độ hờ hững kiểu vô hồn như thế. Về sau này, khi đã “ăn” quá nhiều trái đắng từ lão chồng, tôi mới nhận ra, bi kịch ăn uống này cũng nằm trong sự khác biệt trớ trêu từ tính cách của hai vợ chồng.

Chồng tôi rất hiếm khi tập trung. Ngoài chuyện ẩm thực, tôi không tài nào biết được chồng đang thực sự nghĩ gì. Lão hầu như không quan tâm đến chuyện tôi làm gì trong ngày, thế giới đang ra sao, công việc của tôi thế nào.

Nếu tôi nhờ việc A, lão sẽ làm việc A và không cần biết thêm các vấn đề “A phẩy”. Ngược lại, tôi thì ưa kể lể. Tôi có nhu cầu cực cao trong việc mổ xẻ các vấn đề. Và kết quả là sau mọi cuộc trò chuyện tưng bừng, tôi toàn nhận ra nãy giờ chỉ có bức tường lắng nghe mình.

Lần gần nhất, tôi than thở và đòi nghỉ việc. Tôi kể về đồng nghiệp A, đồng nghiệp B- những người tôi yêu và ghét nơi công sở. Tôi nói về sự vỡ lẽ, về tình yêu nghề, và lý tưởng sống. Kết lại, tôi hỏi: “Có bao giờ anh rơi vào tình cảnh giống em không?”. Lúc này, lão chồng mơ màng nhìn tôi, hỏi: “Hả? Hả?”. 

Sự kém tập trung của chồng là nguyên nhân gây ra mọi tình huống trớ trêu trong gia đình. Có lần, lão đi làm về thấy tôi đang pha một chén nước mắm chua ngọt để ăn món cuốn. Nhìn chén nước mắm, lão tấm tắc khen ngon và ao ước “mắm này mà ăn bún mắm thịt luộc thì ngon hết sẩy”. Tôi lập tức ghi nhớ câu nói ấy.

Ngày hôm sau, tôi bắt tay sửa soạn các thứ từ trước khi chồng tôi ngủ dậy để tạo bất ngờ. Tôi rửa rau sống một bên, dỡ bún ra một bên, xắt thịt ba chỉ bày ra đĩa kèm với chén mắm cái pha tỏi ớt không thể đậm đà hơn.

Chồng tôi thức dậy, xuống bếp, và tôi bắt đầu nghe ngóng phản ứng. Lòng tôi chắc mẩm lão sẽ hớn hở vô cùng. Nhưng không, chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Lão khởi sự nhìn vào bàn ăn một cách lạnh lùng rồi phán: “Ủa, chứ không có mắm nêm à?”.

Mắm nêm? Tin được không lão đang nói là mắm nêm đấy! Trong khi, cảm hứng cho sự thèm món bún thịt luộc này chính là chén nước mắm chua ngọt hôm qua. Khoảnh khắc đó tôi thấm thía vô cùng cái cụm từ “đắng lòng” mà cư dân mạng nói. Nhưng tôi lạ gì cảnh lão lật ngược ván cờ. Cứ khi nào tôi làm bún bò, lão sẽ hỏi tại sao không làm bún cá. Và khi tôi làm bún cá lão lại hỏi sao tôi không làm bún bò.

Nhưng điều làm tôi điên tiết nhất không phải là những đòi hỏi tréo ngoe của lão, mà lão hỏi điều đó một cách thực sự, lão không hề hỏi để chơi khăm tôi, lão thắc mắc thật. Lão không chú tâm đến thực tại, mà chỉ mơ màng nói gì đó trong trí tưởng tượng kỳ quặc của lão.

Chốt lại, chồng tôi có khả năng đặc biệt trong việc nói lạc đề, hoặc thoát ly khỏi cuộc trò chuyện. Ngược lại, lão cực kỳ giỏi trong việc chấp nhận những điều điên rồ mà tôi làm. Tôi nghỉ việc, gánh nặng kinh tế dồn lên vai chồng, lão băn khoăn về sự nóng vội của tôi, nhưng một khi tôi quyết, lão luôn ủng hộ. Hễ tôi hỏi ý kiến một cách nghiêm túc, lão chỉ nói: “Chỉ cần em vui là được”. Nhưng đó là về hành động, còn trong lời nói, thì… thực ra chúng tôi chẳng bao giờ nói chuyện được với nhau cho ra vẻ một cuộc trò chuyện cả.

Tôi rất hay nói xấu chồng với bạn bè, đến nỗi chúng nó phát ngấy khi phải nhắc đi nhắc lại rằng chồng tôi đang hành xử rất bình thường theo tính cách “ngơ ngơ” của lão. Vấn đề còn lại là ở tôi. Tại sao tôi biết chồng tôi như thế mà vẫn đòi hỏi ở lão nhiều hơn? Liệu nếu lão khác đi thì tôi có thực sự vui không? Hoặc nếu lão bỗng nhiên trở nên niềm nở với tôi thì tôi có hài lòng?

Và trên hết, dù lão đang bơ toàn tập, tôi vẫn yêu. Hay, một “lão mơ” như chồng vẫn thấy yêu thương và vui vẻ với một bà vợ nói nhiều, lắm chuyện như tôi. Vậy hà cớ gì tôi đòi hỏi anh phải thay đổi? 

Hà Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI