Vợ chồng nửa đời lệch pha: Chồng càng nghiêm, vợ càng… quậy

20/08/2020 - 09:16

PNO - Hồi mới yêu, chúng tôi hạp nhau kinh khủng. Cưới nhau được vài năm, vợ chồng bắt đầu lục đục.

Tôi và chồng có nhiều thứ giống nhau. Nhà anh nghèo, tôi cũng nghèo. Ba anh hồi trẻ có vợ bé. Má tôi mất sớm, ba tôi có vợ khác… Cùng hoàn cảnh nhưng tính cách hai đứa tôi hoàn toàn khác nhau.

Anh mặc cảm, ngại giao tiếp, ít nói, nghiêm túc. Tôi trẻ con, vô tư, thích biến mọi việc thành nhẹ nhõm và hài hước. 

Hồi mới yêu, chúng tôi hạp nhau kinh khủng. Tính hài hước và lạc quan của tôi khiến anh luôn thấy vui vẻ khi ở cạnh tôi. Cưới nhau được vài năm, vợ chồng bắt đầu lục đục.

Quan điểm của chồng là người đã có gia đình thì không nên đùa tếu, giỡn hớt như hồi con gái. Tôi nghĩ áp lực cuộc sống đã đủ mệt, cần phải tếu táo để mọi thứ nhẹ nhàng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đêm trước ngày sinh nhật chồng, tôi bí mật đặt hộp quà trước cửa, để sáng mai dành cho anh sự bất ngờ. Sáng, tôi nằm trong phòng chờ chồng hớn hở ôm quà vào rối rít cảm ơn vợ.

Mãi chẳng thấy động tĩnh, tôi lò dò đi ra. Thấy chồng cầm cái mâm che trước mặt, dùng cây sào dài rón rén đẩy hộp quà ra phía cổng. Tôi kinh ngạc hỏi chồng làm gì vậy. Anh xua tay bảo tôi tránh ra cho xa, vì “không biết ai thù hằn gì mà chơi ác, đặt thứ quỷ này ở đây, chắc là bom quà, lơ mơ là nổ banh xác. Nhiều nơi người ta thanh toán nhau kiểu này rồi”…

Trò vui bất ngờ của tôi kết cục thành trận cãi vã giữa hai vợ chồng. Anh nói tôi khùng điên, quá rảnh. Sém chút anh báo công an thì không biết còn ê mặt cỡ nào…

Chồng ghét tính “quậy”, tôi càng thích “quậy”. Sinh nhật chồng lần sau, tôi “chơi nhỏ” lại, đặt chiếc áo mới mua cho chồng vào hộp bánh kem, để trong tủ lạnh. Chồng đi làm về, mở tủ lạnh lấy nước uống. Chiếc áo làm chồng nổi điên vì đang đói, tưởng có bánh ăn. Đa phần, những trò đùa của tôi kết thúc lãng xẹt. Nhưng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, tôi vô tư cứ vô tư, chồng nghiêm nghị, kệ chồng. 

Bữa tôi đi làm về gọi cửa năm lần bảy lượt mà chồng không nghe, tôi liền la làng “cháy nhà, cháy nhà”. Chồng phóng ba bước từ trên lầu xuống đất. Lúc mở cửa, thấy tôi đứng cười hì hì. Chồng nổi điên, bảo lần sau còn gọi cửa kiểu đó thì chồng… cắt lưỡi.

Chồng học đâu đó món khấu nhục (là thịt heo quay kho dưa cải). Tôi gắp một miếng, cười khùng khục: “Khấu nhục anh nấu đãi mẹ con em thì được, đãi khách là nhục cả họ”. Thằng con lớn đế thêm: “Ba không thể làm đầu bếp, làm “đuôi bếp” thôi”… Chồng tôi quạu quọ: “Mẹ con nhà này nói chuyện chẳng có tôn ti trật tự”.

Đôi lúc tôi cũng nản, vợ chồng còn quãng dài đi bên cạnh nhau, cả ngày cứ yên ắng, nghiêm nghị, lạnh lẽo thế này sao gọi là sống. Sau bao nhiêu nỗ lực, chẳng thấy chồng thay đổi, tôi đành mặc kệ, dù đôi lúc nhìn vẻ đăm đăm của chồng thấy khó ưa gì đâu.

Dần dà chồng nghiện tính tếu táo của tôi. Ảnh minh họa
Dần dà chồng nghiện tính tếu táo của tôi. Ảnh minh họa

Ngoảnh đi ngoảnh lại, vợ chồng đã vào tuổi xế chiều. Chồng hay đau ốm lặt vặt, nằm viện liên miên. Người bệnh cần được nâng đỡ tinh thần, lạc quan mới mau khỏi bệnh, nên tôi luôn chọc cho chồng cười. Sáng ra, giúp chồng thay áo, chải đầu, tôi tấm tắc: “Bữa nay trông hồng hào đẹp trai nha, hèn chi cô y tá hồi nãy nhìn anh quá trời”.

Chồng ngán cơm, tôi dỗ: “Ngoan, ráng ăn hết chén cơm, em đẩy ra sân ngắm gái đẹp”… Người bệnh xung quanh khen anh tốt phước, vợ cưng quá trời. Anh thẹn, nhưng có vẻ vui, bởi so với vài phụ nữ quạu quọ chăm chồng ốm xung quanh, tôi dịu dàng với anh biết mấy. Tôi về nhà một buổi, anh đã hỏi con mấy lượt: “Sao mẹ chưa vô?”.

Không biết từ lúc nào, chồng đã nghiện tính tếu táo của tôi. Chỉ khi có tôi ở bên cạnh anh mới chịu ăn, chịu uống thuốc. Giờ thì chồng đã biết niềm vui cần lắm cho sự gắn kết giữa hai vợ chồng. Sống vui là phải bao dung, biết thương xót, nhìn mọi việc ở khía cạnh tích cực. Cuộc đời có mấy nỗi mà nghiêm chỉnh lạnh nhạt quá, thì vô vị biết bao. 

Thuỳ Gương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI