Vợ chồng né đụng chạm thì coi như chẳng còn có nhau

03/04/2017 - 16:35

PNO - Thực chất, để làm hài lòng người khác không phải chuyện quá khó, nhất là khi người đó ở ngay bên cạnh và mình hiểu họ rõ như hiểu chính mình.

Vợ chồng không hài lòng về nhau là chuyện hết sức bình thường. Các ông chồng thường có một vài “bất mãn” tương đối chung về các bà vợ, thì các bà vợ cũng có thể kể hằng hà sa số những thứ mình không hài lòng ở chồng. “Mốt thời thượng” hiện nay đang là “đo mức độ hài lòng” đối với hôn nhân, đối với người bạn đời của mình, để “kiểm định” chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, mức hài lòng cao không đơn giản là đồng nghĩa với hạnh phúc. Khi sự hài lòng ở mức cao, hãy kiểm tra lại xem cuộc hôn nhân của bạn có đang bị một trong hai bên âm thầm “biên tập” lại không? Thực chất, để làm hài lòng người khác không phải chuyện quá khó, nhất là khi người đó ở ngay bên cạnh và mình hiểu họ rõ như hiểu chính mình.

Vo chong ne dung cham thi coi nhu chang con co nhau
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mệt mỏi với cuộc hôn nhân hơn 11 năm của mình, chị viết thư cho Hạnh Dung: “Em bây giờ mặc kệ, chị ơi. Em muốn nghĩ gì thì nghĩ, chẳng hơi đâu nói với chồng, mất công cãi nhau. Chồng em nói gì em cũng gật tuốt. Quan trọng là người nào làm. Khi làm thì mình cứ theo ý mình, chứ ngoài mình ra thì ai vô đó mà làm. Chồng em có lần hài lòng khoe với mấy ông bạn nhậu: bà xã dạo này đằm tính, không trả treo, không cãi ngang. Em thấy vậy cũng khỏe thân”.

Chồng chị Ng. ham nhậu nhẹt, chỉ là quán xá vỉa hè thôi nhưng phải quắc cần câu mới về. Chị cằn nhằn sao không chịu ăn cơm nhà, chồng thách: bà nấu ăn ngon cho bằng ngoài quán đi! Chị nói: “Dễ!”. Cứ đường, cứ bột nêm bột ngọt cho nhiều vào là dễ ăn ngay. Người khôn, người khó mới nấu nướng cầu kỳ mất công, chứ xào xẹt gia vị từa lưa, đánh lừa cái vị giác của đám nhậu, thì...

Vậy là chị khỏi nấu luôn, mặc kệ chồng đi nhậu chừng nào muốn về thì về. Ông chồng vui vẻ lắm, còn chị bảo, mình rảnh thì làm chuyện của mình, hơi đâu...

Một lần nghe chồng than với má chồng là vợ nói quá nhiều, nhà dơ cũng cằn nhằn, gom quần áo giặt cũng cằn nhằn, điếc óc nhức đầu, chị Th. tức điên ruột. Má chồng về rồi, suýt chút nữa là chị xả tiếp một trận “tổng cằn nhằn” với chồng; nhưng chợt nghĩ lại, chị nuốt cơn giận, ra chợ mua mấy đôi dép đi trong nhà về bỏ mỗi phòng một đôi.

Từ đó thôi hẳn những chuyện cằn nhằn nhà dơ quần áo bẩn. Nhà dơ mặc kệ, đạp lên mà đi. Trước nay cứ nghĩ nhà dơ là trách nhiệm của mình chưa tròn, có yêu quý chồng con, sợ dơ chân chồng con mới đi lau đi chùi. Nay thì… nhà là nhà chung, không ai chia sẻ việc nhà, mình mình làm sao gánh mãi được? 

Vo chong ne dung cham thi coi nhu chang con co nhau
 

Khi quá mệt mỏi, người ta có thể chọn cách đối phó cho qua. Lúc đó, sự hài lòng là do không còn đụng chạm với nhau, chứ không phải hài lòng vì thật sự tận hưởng được cuộc sống. Để né tránh những xung đột, người ta cũng có thể tạo ra những thứ “hàng giả” trong giao tiếp gia đình. Người trong cuộc không còn đủ kiên nhẫn để chia sẻ, thuyết phục nhau, nhưng cũng không muốn căng thẳng cho mệt mỏi thêm.

Muốn im lặng phục tùng thì dễ thôi! Muốn khen ngợi ngọt ngào? Có khó gì vài câu đãi bôi! Không để lòng mình vào đó, thì cũng chẳng còn buồn bực gì nữa. Có thật lòng với nhau, mong muốn chăm chút cho nhau, ngăn bớt những thói hư tật xấu, thì mới không hài lòng chuyện này chuyện khác, mới nhắc nhở cằn nhằn, mới nói hờn nói mát, làm mình làm mẩy.

Còn nếu trơn tuồn tuột đi, tránh né mọi va chạm, thì… dư sức qua cầu, nào có khó gì, còn khỏe thân mình hơn. Mà nghĩ lại, sống vậy thì coi như trong lòng đã không còn có nhau nữa rồi. Có chút gì sâu sắc trong lòng mới “gừng cay muối mặn”, không thì chỉ là “nước chảy lá khoai”!

Hài lòng rất dễ, nhưng cái dễ đó cũng gần với dễ dãi, mà sự gắn bó sâu sắc, bền chặt thì không dễ dãi bao giờ. Thôi thì, còn giận hờn, còn trách móc kể lể thói hư này tật xấu nọ, tuy khó chịu thật, nhưng nếu nghĩ đó là vì người ta thương, người ta không chịu được khi hình ảnh người thân yêu không được như mình mong muốn, thì những lời ấy nên được coi là một phần tất yếu của đời sống gia đình.

Nó là một dấu hiệu chứng tỏ người trong cuộc vẫn đang buồn vui về bạn đời, chứng tỏ tình yêu, sự quan tâm đến nhau vẫn đang tồn tại trong gia đình mình, chưa hề nguội lạnh.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, xin gửi về địa chỉ:                                                                  

 hanhdungonline@baophunu.org.vn

Hoặc quý bạn đọc có thể viết cho Hạnh Dung ở phần ý kiến bạn đọc phía dưới. 

Xin cảm ơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI