Vợ chồng Lý Anh Tú - Đoàn Thị Hạnh: Thương nhau ngày bão

24/10/2020 - 05:59

PNO - Thương nhau từ những ngày tay trắng, họ cùng nhau tạo dựng chuỗi nhà hàng Âu 48 Bistro và tiệm ăn Cô Chín xứ Quảng. Và anh thường nói: “Của chồng công vợ”.

Chị hoạt bát, tháo vát, gương mặt luôn rạng rỡ, chưa bao giờ than thở nửa lời, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất. Anh điềm tĩnh, có phần ngại đám đông và hiếm khi nói những lời hoa mỹ với chị. Nhưng, giữa anh chị luôn tồn tại sợi dây vô hình gắn kết. Đó không chỉ là cái nghĩa vợ chồng, cùng chung lưng đấu cật vì gia đình lớn, vì con cái, vì mục tiêu chung mà còn vì những sẻ chia, những quan tâm nho nhỏ họ dành cho nhau từ những ngày tay trắng. 

Tặng em ký ức

Sài Gòn những ngày giữa đại dịch lại mưa rả rích, ấy vậy mà tiệm ăn Cô Chín xứ Quảng nằm trên con đường sầm uất vẫn nườm nượp khách vào ra. Quán không bày cao lương mỹ vị, chỉ có những món ăn đậm mùi ký ức đến từ miền Trung, từ mì Quảng, cao lầu, bún mắm nêm… cho đến bánh canh bột gạo xắt hay các món bánh dân gian như bánh ít trần, bánh gói… Dường như, càng đi xa, người ta càng muốn phong kín những mùi vị của ấu thơ, của chắt chiu yêu thương dù nghèo khó, để rồi lần tìm đâu đó trên nẻo đường xa quê.

Càng bất ngờ hơn khi biết tiệm là quả ngọt của cặp vợ chồng Lý Anh Tú - Hạnh Đoàn, từ chuỗi nhà hàng “món Âu cho người Việt” mang tên 48 Bistro, sau hơn một năm chuẩn bị. Đó là món quà nhỏ anh dành tặng chị, người đã cùng anh gắn bó hai mươi năm qua, cùng anh chia ngọt sẻ bùi với biết bao thăng trầm.

Hỏi vui chị, sau nhiều năm đồng hành cùng chồng, đáng lẽ phải được nghỉ ngơi tận hưởng thành quả, lại được chồng tặng một căn bếp, lại tất bật bán buôn, tính toán sổ sách, chị có… chạnh lòng. Chị cười: “Tôi và cả gia đình tôi đều cảm động. Anh không chỉ tặng tôi gian bếp mơ ước mà còn tặng tôi những kỷ niệm thiếu thời. Tôi không nghĩ anh vẫn còn nhớ lời hứa cách đây hai mươi năm”.

Hai mươi năm trước, anh chị khởi nghiệp bằng nồi bánh canh vỉa hè, trong căn phòng trọ nhỏ xíu bề ngang chỉ để vừa chiếc nệm. Căn trọ ngày ấy được anh Tú tái hiện lại trong không gian bếp nhà Cô Chín xứ Quảng. Ngày khai trương, anh chị đứng bên cạnh khung cửa sổ nhỏ màu xanh được vẽ trên bức tường vàng ấm áp, từng mảng ký ức hiện lên sống động.

Chị Hạnh bồi hồi nhớ lại những ngày anh chị nuôi ý định gắn bó lâu dài, anh trai chị không muốn em gái lấy chồng xa đã đánh chị một trận nhớ đời. Anh trai sợ lỡ có bề gì nơi xứ lạ quê người, em gái biết lấy ai nương tựa. Lúc ấy, anh Tú - chồng chị bây giờ - dù trong tay chẳng có gì ngoài vài bộ quần áo, đã mạnh dạn thưa rằng: “Em hứa với anh, cho dù em có khổ cỡ nào cũng sẽ không để vợ em khổ”.

Anh là tình yêu đầu của chị, còn chị cũng là mối tình đầu của anh. Họ đến với nhau chẳng có gì ngoài đôi bàn tay trắng và niềm tin dành cho nhau. Suốt hai mươi năm qua, dù có lúc sự nghiệp của anh khởi sắc, có lúc anh trở về tay trắng ở cái tuổi ngoài ba mươi, niềm tin đó chưa bao giờ lay chuyển.

Chị Hạnh - anh Tú những ngày đầu bên nhau
Chị Hạnh - anh Tú những ngày đầu bên nhau

Vậy nên, khi anh nói nhỏ: “Bây giờ mình mở quán ăn miền Trung nhe em”, rồi hỏi chị đặt tên quán là gì. Chị rưng rưng, tần ngần nghĩ ngợi rồi chọn “cô Chín”, là thứ tự trong nhà của chị hồi còn con gái. Chị nói, cuộc sống đẩy đưa, mới đó mà chị đã xa gánh bánh canh bột gạo xắt gia truyền mấy mươi năm. Chuyện bếp núc ngỡ gần đó mà cũng xa vì ở nhà, mẹ chồng chị là người nấu ăn tuyệt vời, còn bước ra công việc, chồng chị là đầu bếp có tiếng nhất nhì đất Sài Gòn.

Sát cánh bên anh, chị hầu như gắn với chuyện tiền nong, quản lý nhân sự, chăm lo khách hàng, vận hành hệ thống. Chị tôn trọng khu vực bếp cũng như tôn trọng chồng chị, một người hiền lành nhưng nghiêm cẩn, thậm chí khó tính khi chạm đến món ăn. Chị càng không dám nghĩ sẽ có một ngày vợ chồng chị có được cơ ngơi như hôm nay, càng không nghĩ một ngày nào đó sẽ trở thành bà chủ quán mang tên mình và bán những món ăn từ ký ức. Bởi từ bà, đến mẹ rồi chồng đã cho chị thấm và hiểu hơn ai hết sự nhọc nhằn của nghề bếp vì “không có ngày lễ, ngày tết, cũng không dám dừng lại vì sẽ lỡ nhịp và bị lọt khỏi guồng quay”.

Thương nhau khốn khó

Hội An, hai mươi năm trước, vào những ngày bão nổi kéo theo lụt, cả thành phố chìm trong biển nước, những dãy trọ nghèo cũng cùng chung cảnh ngộ. Lạ lùng thay, chỉ riêng khu trọ của anh Tú chị Hạnh là thoát được sự cuồng nộ của cơn nước dữ.

Bão tan, nước ngớt dần, bốn bề vẫn là nước bao phủ, chẳng còn gì để ăn, cũng chẳng còn gì để nấu nướng, cả khu trọ rủ nhau hùn tiền, lội nước ra phía ngoài phố cổ để ăn một tô bún bò gánh cho đỡ thèm. Gọi bún bò cho sang, thực ra cũng chỉ có nước và vài lát thịt mỏng, như cái nghèo đeo bám dân miền Trung dai dẳng.

Hôm đó, anh Tú nhường chị Hạnh ăn tô bún đầy, anh gọi bún suông, khẩu phần cũng ít hơn để đủ tiền trả. Chị Hạnh biết, trong lòng cảm động nhưng không nói gì. Song lần đầu tiên chị hiểu, hạnh phúc không nằm ở tiền tài, danh vọng. Và chị đặt trọn hạnh phúc của mình vào tay người đàn ông bên cạnh. Tình yêu giữa anh chị dần chớm nở.

Anh ra đời sớm, học nghề bếp từ những đầu bếp ở khách sạn năm sao nổi tiếng ở TP.HCM, rồi tự học thêm, tiếng Anh, tiếng Pháp thông thạo. Nhưng, tuổi trẻ như con ngựa bất kham, lại ham đi đây đó, chẳng màng nghĩ ngợi, anh theo lời mời về làm bếp trưởng cho một resort ở Hội An. Hành trang của anh chẳng có gì ngoài bộ quần áo đang mặc trên người và bốn ngàn đồng trong túi.

Hỏi trọ mãi không được, anh thuê đúng một cái ghế nằm ngủ trong khu trọ chỗ chị Hạnh đang thuê, nhờ bà chủ cho khất, có lương sẽ trả. Xe đạp thuê mỗi ngày một ngàn cũng khất đợi kỳ lương.

Dù túng thiếu nhưng anh Tú luôn xuất hiện trước mặt mọi người trong khu trọ trong dáng vẻ lịch sự: áo bỏ vào quần, tóc tai gọn gàng. Đạp xe đến resort làm việc thì vội vã thay đồ bếp, giặt đồ phơi lên còn có cái mặc về. Nghe tiếng làm bếp trưởng, nhưng đời sống anh Tú giản đơn đến tuềnh toàng, chị Hạnh cũng thắc mắc trong lòng nhưng đành kệ.

“Tôi vào đời sớm nên sống phóng khoáng, không biết giữ tiền. Từ lúc gặp Hạnh, tôi mới biết có tiền trong túi là như thế nào, mới hiểu được cuộc sống gia đình ra sao. Vợ chồng chính là để bù đắp cho nhau những thiếu sót. Hạnh đã bù đắp vẹn tròn cho tôi những điểm yếu nhất. Gặp được Hạnh có lẽ là điều may mắn nhất cuộc đời tôi”. 

Lý Anh Tú

Hồi ấy anh trẻ măng, chị cứ ngỡ nhỏ tuổi hơn, lại cùng xóm trọ nên thường gọi nhau bằng “mày - tao” cho thân thiết. Thấy anh đi xe đạp cọc cạch, người lại gầy, chị thường cho anh mượn chiếc xe máy của mình chạy cho đỡ mệt.

Anh Tú để ý thương thầm chị nhưng không có gì trong tay, cũng không dám ngỏ lời. Một hôm mẹ anh gọi, anh tâm sự với mẹ: “Chắc con sẽ cưới vợ miền Trung mẹ ạ”. Những gì anh miêu tả về người vợ tương lai của anh hệt chị Hạnh. Chị ngồi gần đó cùng bà chủ nhà, nghe chưng hửng.

Thấy anh nói chuyện điện thoại xong, chị buột miệng hỏi: “Nãy giờ hình như nói tui đó hả?”. Anh cười bẽn lẽn: “Đâu có!” rồi đi mất dạng, chị cũng không để ý. Vài bữa sau, đi làm về thì thấy anh để quần áo của anh vào cùng thau quần áo của mình. Chị vừa giận vừa bực mình, nhờ chủ nhà nói với anh.

Ngày này qua ngày khác không có gì thay đổi, chỉ có từ một cái áo thì tăng lên đủ cả bộ đồ. Chị tặc lưỡi, thôi kệ “nó”, dù sao cũng con trai, sẵn mình giặt giúp. Vậy đó rồi thương hồi nào không hay.

Yêu nhau chưa được bao lâu, chị vấp phải một trận bệnh thừa sống thiếu chết. Chính anh là người bên cạnh, lo lắng cho chị từng chút. Lúc đó, chị nghĩ, anh chính là người đàn ông chị sẽ gắn bó suốt cuộc đời.

Không có lễ hỏi, lễ cưới rình rang nào diễn ra vì gia đình hai bên quá nghèo, ba chị lại đang bệnh nặng, hai gia đình gặp nhau ở quê chị, cùng nhau ăn một mâm cơm, vậy là anh chị trở thành vợ chồng. Anh về thăm nhà chị thì chưa bao giờ nghĩ mình là con rể mà như đứa con trai trong nhà, dọn dẹp hết chỗ này đến chỗ kia, vun vén.

Hằng ngày, anh vẫn đi nấu bếp ở resort, còn chị mở một gánh bánh canh, cái nghề gia truyền từ đời bà sang đời mẹ và ngấm cả vào tuổi thơ chị. Anh làm bếp về thì xắn tay áo vào phụ giúp chị. Tiếng cười chưa bao giờ ngớt. Anh Tú nói, anh thương chị bởi sự tháo vát, chịu thương chịu khó và luôn biết nghĩ suy, quan tâm đến người khác. Nhờ có chị mà anh mới hiểu được thế nào là mái ấm gia đình.

“Làm ra tiền thì dễ, chỉ cần lao động là có tiền nhưng để giữ được số tiền đó và giúp nó phát huy giá trị, tất cả đều nhờ một tay Hạnh” - lời của anh Tú.

Vợ chồng anh chị gầy dựng chuỗi nhà hàng với bao khó khăn ban đầu
Vợ chồng anh chị gầy dựng chuỗi nhà hàng “món Âu cho người Việt” mang tên 48 Bistro từ bao khó khăn 

Nắm tay vượt sóng

Chắt chiu được ít tiền, anh chị vào TP.HCM. Chuyến đi ban đầu chỉ với ý định vào thăm gia đình anh và cho biết Sài Gòn, rốt cuộc đã níu chân anh chị trụ lại mảnh đất này vì chị thấy ở đây, anh có cơ hội phát triển nghề nghiệp nhiều hơn.

Thế mà cũng mất hơn hai năm để anh có thể quen được nhịp sống quá nhanh của mảnh đất quê hương. Những ngày đầu ở TP.HCM, chị Hạnh đi làm cho một công ty du lịch. Những ngày đi ăn uống với đồng nghiệp, chị mơ ước một ngày nào đó chồng mình cũng có một nhà hàng như thế.

“Hạnh phúc với tôi là ông bà, cha mẹ hai bên vui vẻ, có tiếng nói chung và tôn trọng lẫn nhau; là gia đình ấm cúng quây quần ăn một bữa cơm; là con cái được học hành trong môi trường tốt. Chỉ cần như vậy thôi thì tôi có làm thêm bao nhiêu việc, có chịu thêm bao vất vả cũng được”. 

Hạnh Đoàn

Có lần được đi ăn buffet, chị thầm ước sinh nhật chồng, mình có thể cũng tặng chồng bữa buffet như vầy. “Hồi đó nghèo lắm, tài sản không có gì ngoài sợi dây chuyền của chồng cầm tới cầm lui và chiếc xe Trung Quốc làm phương tiện đi lại” - chị hồi tưởng.

Nhờ sự cố gắng của anh chị, ít lâu sau, nhà hàng 48 Bistro ra đời. Con số 48 nhiều ý nghĩa, đánh dấu bốn năm tám tháng anh Tú dành dụm, sắm sửa từng món dụng cụ, bàn ghế cho nhà hàng.

Tiếc là niềm vui chưa tày gang, vì quá tin người, anh Tú tay trắng lại hoàn trắng tay. Lần đầu tiên trong đời, chị Hạnh chứng kiến người đàn ông vững chãi luôn làm điểm tựa cho chị rơi nước mắt. Những giọt nước mắt sụp đổ, mất niềm tin lẫn sợ hãi vì ngó trước ngó sau, chẳng còn gì cho vợ con bấu víu.

Anh Tú từng chia sẻ cái ngày vợ anh sinh cậu con trai đầu mà nhà không có lấy một đồng, phải ứng tiền chỗ này, mượn chỗ kia, đưa vợ đi sinh, mua từng hộp sữa cho con. Còn chị, ở giây phút ngặt nghèo đó, đã cho anh một điểm tựa, nắm tay anh thật chặt và thủ thỉ: “Không sao, không sao. Mình còn sức, rồi từ từ làm lại. Chỉ cần mình cố gắng, ông trời sẽ không phụ mình”.

Mái ấm nhỏ của anh Tú - chị Hạnh
Mái ấm nhỏ của anh Tú - chị Hạnh

Ở tuổi 36, chị bỏ hết công việc đang làm, cùng chồng vun đắp ước mơ của anh. Sự tháo vát và niềm tin của chị đã cho anh động lực để đứng dậy. Anh vừa nấu bếp, vừa lên món, sắp xếp xây dựng tiệm ăn, lo luôn cả phần giữ xe; chị phụ bàn, rửa bát, thu ngân… quần quật từ năm giờ sáng đến khuya.

Nếu anh dồn hết tâm sức cho nhà hàng, cho sáng tạo món ăn thì chị chia sức chăm lo cho gia đình, con cái. Việc hiếu nghĩa với gia đình hai bên, chưa khi nào chị bỏ lỡ. Chị còn chạy vạy tính toán tiền nong để duy trì nhà hàng, xây dựng đội ngũ nhân viên. 

48 Bistro từ một quán ăn nhỏ đã thành chuỗi thương hiệu ổn định về chất lượng khắp TP.HCM nhờ khối óc của anh và bàn tay của chị. Nếu có sức mạnh nào đó nâng đỡ chị thì có lẽ chính là tình yêu chị dành cho anh, từ sự sẻ chia ban đầu hóa thành sự cảm thông, thấu hiểu và đồng hành.

Dẫu chẳng bao giờ anh nói về những khó khăn nhưng chị đều hiểu và âm thầm chia sẻ, giúp sức. Anh không nói lời hay ý đẹp, cũng không có những cử chỉ chăm sóc lãng mạn nhưng tình thương anh dành cho chị, theo thời gian càng vun đầy.

Anh thường nói: “Của chồng công vợ”. Hễ nhắc đến chị, anh lại mỉm cười trìu mến: “Gặp được Hạnh có lẽ là điều may mắn nhất cuộc đời tôi”. 

Bài: Hoàng Linh Lan

Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI