Vợ chồng không ngớt lời khen nhau

28/04/2021 - 09:26

PNO - “Hạnh phúc là khi người ta biết đủ” - tôi thấm thía câu nói đó khi nhìn anh chị đầm ấm bên nhau trong căn nhà xinh xắn

Ở tuổi 61, chị Nguyễn Kim Mai (xã Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vẫn làm việc ở công ty may mặc. Ở tuổi này, chị đi làm là để vui với bạn bè, để vận động tay chân xem như… tập thể dục. Nhà có mấy công đất, chồng chị - anh Đặng Văn Hoàng - mấy năm nay đã thôi làm lúa, chuyển qua trồng xoài để tăng thu nhập.

Kể về vợ, anh Hoàng hãnh diện: “Bả giỏi lắm, biết tính toán trước sau, tằn tiện tích góp. Mỗi năm trước kia chúng tôi thu hoạch lúa, bắp, giờ là xoài… được bao nhiêu tiền tui cũng giao cho bả”. 

Anh Hoàng kể vợ chồng đến với nhau từ hai bàn tay trắng. Anh làm việc ở công ty cơ khí. Chị là cô giáo mầm non. Những năm 1980, không trụ nổi với đồng lương hạn hẹp, anh và chị chấp nhận sống xa nhau. Anh về quê thuê đất làm ruộng. Chị mang theo con gái hai tuổi lên Sài Gòn nhận đồ về may gia công. 

Chị Mai, anh Hoàng luôn cảm thấy hạnh phúc với những điều giản dị
Chị Mai, anh Hoàng luôn cảm thấy hạnh phúc với những điều giản dị

Kể về giai đoạn gian khổ đó, chị Mai rưng rưng: “Trần ai, khổ lắm. Ngày nào tôi cũng còng lưng ngồi may từ sáng tới khuya, chỉ ngơi tay lúc cho con ăn, dỗ con ngủ. Lúc thức, con bé bò lổm ngổm tự chơi dưới sàn. Con gái dường như biết thương mẹ, không quấy khóc. Nhìn con lủi thủi, thiệt thòi hơn con người ta, tôi thương đứt ruột…”.

Thỉnh thoảng anh Hoàng lên Sài Gòn thăm vợ con. Vợ chồng con cái nhìn nhau rớt nước mắt. 

Má chị Mai nhìn cảnh vợ chồng ngâu lo giùm. Bà thở dài: “Bây tính sao chớ để vầy vợ chồng lạt lẽo rồi xa nhau luôn đó”.

Chị Mai hỏi dò anh Hoàng: “Tui đi hoài, ông muốn kiếm bà khác thì cứ việc nha”. Anh Hoàng giãy nãy: “Một bà lo không nổi, hai bà chắc chết”. Anh ngậm ngùi trấn an má vợ: “Vợ con cực khổ, vừa làm vừa chăm con, con thương không hết, đâu dám phụ vợ mà má lo”.

Nhờ câu nói của chồng, chị Mai đủ sức vượt qua những gian khổ, thiệt thòi khi một mình mưu sinh nơi đất khách. Chị trải lòng: “Mỗi lần ổng lên thăm, xách lủ khủ gạo, mắm, cá khô; cả mứt dừa, chuối khô là những món con gái thích… Đàn ông tỉ mỉ vậy đủ biết lòng dạ rồi”.

Cật lực cày bừa gần chục năm, anh chị mua được bốn công ruộng, dựng căn nhà đơn sơ. Chị bỏ phố thị, đưa con về quê xin vào làm ở xí nghiệp may để được gần chồng. Nhờ khéo tay, công ty đưa chị đi học lớp nghiệp vụ nâng cao tay nghề. Chị được cất nhắc lên chuyền trưởng, rồi quản đốc phân xưởng. Cuộc sống dễ chịu hơn trước.

Cô con gái ngày nào giờ đã lớn khôn, tốt nghiệp đại học, xin được việc ở Sài Gòn. Anh chị thở phào, xem như hoàn thành nhiệm vụ.

Năm 2016, chị Mai bàn với chồng việc cất nhà. Anh Hoàng… hoảng, thu nhập hai vợ chồng bao nhiêu anh biết rành. Tiền đó phần lớn đầu tư cho con gái học hành, chi tiêu hằng ngày, làm gì dư đồng nào. Cất nhà thì phải vay mượn, rồi nợ nần, mà anh sợ nhất là mắc nợ.

Chị Mai tủm tỉm khoe, trước giờ tháng nào chị cũng dành ra một khoản gửi tiết kiệm, cấp bách mấy cũng không dám xài. Từ ngày con gái đi làm, cũng góp vào một ít phụ mẹ. Giờ cất nhà lớn thì không đủ, nhưng nhà cấp bốn với hai phòng ngủ thì… dư sức. Anh Hoàng nể vợ quá chừng!

Chị Mai khoe lúc cất nhà, việc đổ cột, xây tường, đi dây diện, ống nước… anh Hoàng làm được hết, nhờ vậy đỡ tốn tiền. Vườn xoài cũng tự tay anh Hoàng xịt cỏ, bón phân, phun thuốc… Mình anh túc tắc làm, rồi cũng xong, không phải thuê mướn. 

Nghe vợ chồng họ không ngớt khen nhau, tôi hỏi cắc cớ: “Có khi nào anh chị… cãi nhau không?”. Anh Hoàng liền nói: “Có à. Bả về hưu rồi còn tham công tiếc việc, không chịu nghỉ. Tui la mà bả đâu có nghe”.

Chị Mai trần tình rằng chị còn khỏe, còn lao động được, công ty thì đang cần người. Chị ở nhà vài bữa đã thấy cuồng chân cuồng tay.

Anh Hoàng cười xòa: “Thấy bả đi làm lại thì vui, tui… kệ bả luôn”. Mỗi ngày chị Mai đi làm về anh Hoàng đã nấu sẵn cơm, nhà cửa sạch sẽ tinh tươm… mệt mỏi của chị tan đâu mất.

Với người khác, hạnh phúc có thể là du lịch trong và ngoài nước, ở nhà lầu đi xe hơi… nhưng với anh Hoàng và chị Mai, hạnh phúc là mỗi sáng vợ chồng cùng ăn sáng, uống trà dưới hàng hiên. Sau đó chị đi làm, anh ra vườn chăm vườn xoài. Cuối tuần, anh chị đón con gái về chơi, nấu món nọ món kia đãi con…

“Hạnh phúc là khi người ta biết đủ” - tôi thấm thía câu nói đó khi nhìn anh chị đầm ấm bên nhau trong căn nhà xinh xắn nép mình bên vườn xoài xanh mát. 

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI