Vợ chồng không hôn thú, chồng công khai xây thêm tổ ấm

24/03/2017 - 10:30

PNO - “Tổ ấm” chỉ cách nơi làm việc hơn 100m nhưng chồng tôi không về. Anh đi xa hơn, tận 30 cây số, vì đã có một “tổ ấm” khác. Thi thoảng từ nhà nhìn ra, thấy chồng thờ ơ chạy ngang, tôi thắt lòng…

“Tổ ấm” chỉ cách nơi làm việc hơn 100m nhưng chồng tôi không về. Anh đi xa hơn, tận 30 cây số, vì đã có một “tổ ấm” khác. Thi thoảng từ nhà nhìn ra, thấy chồng thờ ơ chạy ngang, tôi thắt lòng…

Vo chong khong hon thu, chong cong khai xay them to am
 

Tôi hẹp hòi?

Chúng tôi từng rất yêu nhau. Năm 1984, tôi sinh cho anh đứa con gái kháu khỉnh. Được gia đình cho phép, tôi theo về sống ở nhà anh. Vợ chồng cùng làm lụng, tôi may vá, anh làm công an xã, cộng thêm lợi tức từ mảnh vườn mẹ anh cho nên một thời gian sau chúng tôi mua được nhà riêng. Rồi con trai chào đời, đủ nếp đủ tẻ; có thể nói gia đình nhỏ của chúng tôi rất hạnh phúc.

Nhưng những ngày tốt đẹp chẳng kéo dài bao lâu. Có chút tiền trong tay, anh đổ đốn ăn nhậu, gái gú; cặp hẳn với một cô phục vụ nhà hàng. Hai người lén lút quan hệ suốt nhiều năm,  đến khi anh được cử lên huyện học nghiệp vụ hai năm, không còn thời gian dành cho cô ta nữa, quan hệ giữa họ mới kết thúc. 

Cứ ngỡ những âm thầm đau khổ chịu đựng của mình đã chấm dứt, nhưng tôi lại nghe anh thuê một phòng trọ trên huyện sống chung với một phụ nữ khác. Từ đó, cuộc sống của tôi như  địa ngục. Tôi ghen tuông, khuyên can là anh đánh, còn nói tôi mù quáng nghe theo lời đồn.

Học xong, anh được đề bạt làm trưởng công an xã. Không lâu sau, một phụ nữ tìm tôi, nhận cô ta là người chung sống với chồng tôi trên huyện. Cô ta nói: “Tình cảm giữa tôi và chồng chị đã quá sâu đậm, không thể chia tay. Tôi mong chị cho tôi được về chung sống với gia đình chị như người trong nhà. Tôi và chị kết nghĩa chị em để cùng chăm lo cho anh ấy”.

Làm sao có thể chấp nhận một đề nghị như vậy; chấp nhận chia cho người thứ ba tấm chăn hạnh phúc vốn chỉ dành cho hai người? Cô ấy ra về. Tôi khóc cạn nước mắt vì bị anh chửi bới, trách móc tôi sao quá hẹp hòi, nhẫn tâm, không có sự bao dung cho một thân phận đàn bà khác; cái thân phận mà theo anh là từng lỡ dở, đang vất vả nuôi đứa con gái nhỏ.

Rồi viện cớ người tình đơn chiếc, khổ sở, yếu ớt, anh dọn hẳn đến sống với mẹ con cô ta; bỏ mặc ba mẹ con tôi cùng căn nhà chỉ cách nơi anh làm việc vài bước chân. Cũng từ đó, anh không phụ tôi tiền bạc để lo cho các con. Nhẫn tâm hơn, anh còn để mặc cho nhân tình ghen ngược, nhắn tin chửi bới, xúc phạm mẹ con tôi. 

Phân vân quyết định sau cùng

Nhiều người động viên tôi, sẽ đến ngày anh chán chê tình nhân, về lại với vợ con. Cái ngày ấy chẳng biết bao giờ mới đến, chỉ biết anh đã chung sống với cô ta đã được mười ba năm tròn. Theo thời gian, các con tôi đã lớn lên trong mặc cảm và nỗi uất hận về cha. 33 tuổi, ám ảnh vết xe đổ của mẹ, con gái tôi đã từ khước mọi cơ hội yêu đương đến với mình.

Nhắc đến cha, chỉ thấy ở các con tôi sự hằn học qua cách gọi “ông ấy”, “con người đó”… Vài tháng trước, con trai tôi quyết định cưới vợ, trong cuộc họp gia đình có mời anh về nói chuyện. Con thẳng thắn đề nghị, anh đã ngoài năm mươi tuổi, sắp có sui gia, chẳng bao lâu nữa sẽ lên chức ông bà, mong anh hồi tâm về sống với gia đình, chấm dứt mối quan hệ bất chính với người phụ nữ kia, có như vậy con mới tự tin “ngẩng mặt” với nhà vợ sắp cưới. 

Thật lòng, thời gian qua tôi đã rất nhiều lần nghĩ đến chuyện ly hôn nhưng cứ lần lữa, phần do ở quê hai chữ “ly hôn” còn rất xa lạ, phần khác tôi vẫn hy vọng có ngày anh quay về để các con không chịu tiếng gia đình tan vỡ. Ngay lúc này, nếu anh chịu nghe con mà trở về, tôi sẽ bỏ qua mọi chuyện, vì con mà hàn gắn lại. Nhưng, anh chỉ gọn lỏn: “Giờ đám cưới thì tao về, mấy việc nào cần tao thì có tao thôi”, rồi anh chỉ góp mặt trong ngày cưới của con, xong lại đi. 

Tết vừa rồi, thấy tôi quá cô đơn, các con đề nghị tôi lên TP.HCM sống chung. Có nghề may trong tay nên tôi cũng không quá khó để thích nghi với cuộc sống mới; nhưng lòng tôi cứ nhớ về căn nhà đã hoang lạnh ở quê, nên vài bữa là về thăm nhà, khơi lại bếp lửa cho ấm cúng. Vài ngày trước, khi về nhà, tôi chết lặng thấy cửa khép hờ, bên trong là “bãi chiến trường” của một cuộc nhậu.

Vo chong khong hon thu, chong cong khai xay them to am
 

Chạy vội vào nhà, tôi thấy anh đang say giấc, trong bếp là một phụ nữ lạ, không phải cô nhân tình bấy lâu của anh. Tôi hỏi, chị ta cho biết tối qua nhậu say quá nên ngủ nhờ. Cũng ngày hôm đó, tôi nhận được cả chục tin nhắn từ tình nhân của anh, mắng tôi không biết gìn giữ nhà cửa để anh đưa “hồ ly” khác về. Tôi chỉ còn biết cười nghẹn. 

Sự việc như giọt nước tràn ly, tôi nghĩ ngay đến việc ly hôn, phân chia tài sản để mỗi người yên ổn sống với lựa chọn riêng. Đang còn phân vân không biết có nên cho anh một cơ hội cuối không, tôi thử dọa sẽ tố cáo việc anh vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, là đảng viên, trưởng công an xã mà đạo đức, lối sống không lành mạnh.

Không ngờ, anh lạnh lùng thách thức: “Tôi và bà có phải vợ chồng không tôi còn không biết, bà cứ đi hỏi thử xem!”. Câu nói đó thật sự khiến tôi giật mình. Tôi và anh tuy có con với nhau nhưng chỉ chung sống mà không hề đăng ký kết hôn. Hôn nhân của chúng tôi có được pháp luật công nhận? Nếu ly hôn, tài sản chung của chúng tôi gồm căn nhà do cả hai tạo dựng nhưng chỉ mình tôi đứng tên sở hữu và mảnh vườn do mẹ anh cho, mình anh đứng tên - sẽ phân chia thế nào? Tôi có quyền tố cáo hành vi phạm pháp của chồng?

Trần Thị H

   TUYẾT DÂN (ghi)

Pháp luật vẫn công nhận

Theo điểm 1, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2000 thì: 
a) Trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3/1/1987 (ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn (ĐKKH) thì được khuyến khích ĐKKH; nếu có yêu cầu ly hôn thì được tòa thụ lý giải quyết theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2000. 

b) Nam và nữ chung sống như vợ chồng từ ngày 3/1/1987 đến ngày 1/1/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn thì có nghĩa vụ ĐKKH trong thời hạn hai năm; trong thời hạn này mà không ĐKKH nhưng có yêu cầu ly hôn thì tòa áp dụng các quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết. Từ sau ngày 1/1/2003 mà không ĐKKH thì pháp luật không công nhận là vợ chồng.

 c) Kể từ ngày 1/1/2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại khoản a và b nói trên, nam và nữ chung sống như vợ chồng không ĐKKH đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì tòa thụ lý, tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì tòa áp dụng giải quyết theo Luật HN&GĐ năm 2000.

Chị Trần Thị H. chung sống và có con với chồng từ năm 1984 nên dù không ĐKKH nhưng chị vẫn được coi là hôn nhân hợp pháp (theo khoản a, chung sống trước ngày 3/1/1987). Tài sản cùng tạo dựng trong quá trình chung sống chính là tài sản chung của vợ chồng. Nếu có yêu cầu ly hôn, chia tài sản, tòa sẽ thụ lý, giải quyết theo quy định pháp luật. Đối với mảnh vườn chồng chị H. đứng tên, nếu được mẹ anh tặng cho riêng thì thuộc tài sản riêng của anh; nếu được tặng cho cả hai vợ chồng thì là tài sản chung.

Riêng căn nhà do một mình chị H. đứng tên chủ sở hữu, do tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nên được coi là tài sản chung của vợ chồng. Đối với tài sản tranh chấp, nếu không thỏa thuận được thì việc phân chia sẽ tính đến các yếu tố như: công sức tạo dựng, hoàn cảnh và lỗi vi phạm trong quyền và nghĩa vụ của vợ chồng. Nếu có đủ chứng cứ, chị H. hoàn toàn có quyền tố cáo chồng chị đã có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.


Luật sư Đặng Đức Trí 
(Đoàn luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI