Vợ chồng khi điên lên gọi nhau bằng gì?

07/12/2019 - 09:46

PNO - Lời nói là thứ đã cắm vào ai thì chỉ có cắm vào tim, dù nhổ ra, dù có xí xóa cho qua, nhưng nó vẫn im lìm nằm đó, đợi một ngày nó lại sưng tấy lên, mưng mủ.

Về nhà chị An cùng làm chung cơ quan ăn đám giỗ, chị chợt… nổi da gà khi nghe An gọi chồng: “Anh ơi, chặt hộ em con gà với. Con gà này chắc siêng tập thể thao lắm hay sao mà xương cứng ghê. Em đau cả tay mà chẳng chặt được!”.

Vo chong khi dien len goi nhau bang gi?
Hình minh hoạ

Từ trên gác, anh chồng chị An chạy xuống, hẳn anh đang làm dở gì đó, m​​ồ hôi còn chảy hai bên thái dương. Nhận con dao vợ vừa bỏ xuống, anh vung tay nhát nào ra nhát ấy, vừa làm vừa giải thích: “Gà này nhà đứa em nuôi ở đồi, tự kiếm ăn và chạy nhảy nên thịt dai. Lát em đãi các chị em, bảo đảm ai cũng khen”. “Thật nhé, rồi nếu có ai nhờ mua, anh nhớ mua hộ em nhé”… Chị lảng đi, thoáng thấy vài người cũng cười cười, phải chăng ý nghĩ trùng nhau, rằng vợ chồng nhà đó già rồi sao “sến rện” vậy?

Nói cho đúng thì chẳng phải là sến, mà là tình cảm. Họ vợ chồng với nhau gần hai mươi năm mà nhất nhất vẫn một anh hai em. Lúc mấy chị em ngồi ăn tráng miệng, chị An cười cười: “Đó giờ vẫn y vậy”. Chị An nói nhẹ tênh, nhưng mấy chị em ngồi đây đều hiểu, giữ được tình cảm vợ chồng y… hồi đó, dù là cách xưng hô cũng không phải dễ.

“Vợ chồng cũng có khi cãi nhau hay mâu thuẫn với nhau, nhưng không tôi/cô hay mày/tao, cãi bình thường thì “đây” với “đó”, còn căng nữa thì nói... trống không. Lời nói bay ra, thúng nào úp cho nổi” - chị An cười nhẹ rồi tiếp: “Những khi nóng giận thường khó kiểm soát cảm xúc, dễ trút hết cho hả cơn, nghĩ là hết giận thì thôi. Nhưng lời nói không hình không dạng vậy chứ sắc hơn lưỡi dao. Nó đã cắm vào ai thì chỉ có cắm vào tim, dù nhổ ra, dù có xí xóa cho qua, nhưng nó vẫn im lìm nằm đó, đợi một ngày nó lại sưng tấy lên, mưng mủ...”.

Chị nghĩ đến nhà mình. Ngày xưa yêu đương cũng anh em thắm thiết, có con rồi gọi nhau là bố - mẹ, con lớn tí thì gọi nhau là ông - bà. Lúc điên lên cứ “ông - tôi, cô - tôi” lào xào như sỏi, nhưng còn hơn hàng xóm suốt ngày cãi cọ “mày - tao”. Những khi cần nhờ, thường là “bố nó đâu rồi, ra làm cái này cái”. Hoặc “mẹ nó vào tắm cho con rồi nấu cơm”. Ráo hoảnh và khô queo, đôi khi còn pha chút bực bội. Nào đâu được dịu dàng ngọt ngào như nhà chị An.

Vo chong khi dien len goi nhau bang gi?
Ảnh minh họa

“Lão nhà tao nói, già rồi còn anh - em, nổi da gà. Vợ chồng bao năm có còn trẻ đâu mà âu với yếm, miễn hiểu trong lòng là được”.

“Lão nhà em cứ thấy mặt là em ghét. Làm đâu hỏng đấy, đón con thì quên giờ, có lần con chưa leo lên xe bố đã chạy đi mất. Trên đường về còn nghêu ngao rõ to, về đến nhà mới phát hiện bỏ quên con. Ở thì dơ, nhà có ba cái sọt đựng quần áo dơ mà ông ấy chẳng bỏ vào cái nào, tiện thì ném gầm giường, góc ghế, cả trên bàn ăn. Em điên quá ném giường đi thì ông ấy nhét dưới nệm. Cứ về đến nhà là máu em cuồn cuộn như thác, làm sao ngọt ngào nổi”.

“Em cũng thế, cứ nói với chồng là ông - tôi. Khi cãi nhau ông ấy còn mày - tao với em. Em cũng nghĩ vợ chồng rồi, để ý gì mấy tiểu tiết ấy, lúc nóng giận có nghĩ được gì ra hồn đâu nên bỏ qua. Nhưng khi em thấy ông ấy nhắn tin cho người đàn bà kia, gọi em xưng anh, gọi vợ xưng chồng... em biết là không thể cứu vãn được nữa”. 

Căn phòng bỗng dưng im lặng rất lâu rồi giải tán. Lúc ra tới cửa, chị quay người ngó lại, ngôi nhà với ánh điện vàng ấm áp. Vợ chồng nhẹ nhàng, con cái lễ phép, ý tứ. Hẳn dưới ánh đèn ấy, sau cánh cửa ấy cũng có bão giông, nhưng bằng những dịu ngọt, gió mưa nào cũng qua.

“Vợ chồng với nhau...”, hẳn ai cũng nghĩ thế khi bị nhắc nhở chuyện xưng hô, cách ăn mặc, hay nói năng giữa vợ chồng. Thậm chí có ông chồng sẵn sàng “dìm hàng”, bêu xấu vợ, dù là đùa giỡn trước mặt bạn bè, mà không nghĩ vợ mình cũng biết xấu hổ. Còn có bà vợ toang toác kể xấu chồng với bạn bè, rằng ổng ngoáy mũi, vo tròn rồi búng tách một cái mà chẳng cần biết nó văng đi đâu. Hay ông chồng vô duyên, vợ con đang đứng đó mà cứ thản nhiên “thả bom”...

Chẳng thế mà có câu chuyện đùa rằng khi câu cá, người ta chuẩn bị rất kỹ mồi câu, lưỡi câu, nghiên cứu mồi nào cho loại cá nào, nhưng có ai để ý khi con cá đã nằm trong xô nước cạn...

Chỉ là câu gọi tiếng thưa giản đơn, nhưng chứa đựng bao điều sau mỗi tiếng thốt ra. Người ta không thể cáu với những dịu dàng, cũng như không thể đánh mắng một gương mặt đang cười vui vẻ. Vợ chồng vốn là hai người xa lạ, có biết bao khác biệt, về cùng nhà nên mỗi ngày một chút, mỗi người một chút, mang ngọt ngào xích lại gần nhau. 

Thái Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI