Vợ chồng hiếm muộn muốn mang trẻ bị bỏ rơi về nuôi phải làm gì?

31/07/2019 - 09:50

PNO - Vợ chồng chúng tôi bị hiếm muộn đã lâu nên rất muốn nuôi đứa bé này. Cho tôi hỏi thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ như thế nào?

Mấy ngày trước tôi đi làm về thì thấy một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở cuối hẻm nhà tôi. Tôi thấy cháu yếu ớt tội nghiệp nên đã mang về nhà chăm sóc. Vợ chồng chúng tôi bị hiếm muộn nên rất muốn nuôi đứa bé này. Cho tôi hỏi thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi được pháp luật quy định như thế nào?

Đỗ Tuấn Anh (TP.HCM)

Vo chong hiem muon muon mang tre bi bo roi ve nuoi phai lam gi?
Ảnh minh họa

Xin chào anh, cảm ơn anh đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Xin được tư vấn các quy định của pháp luật về đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi như sau: 

Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch 2014 tại Điều 14 có quy định:

1. Người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo.

Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định pháp luật.

Biên bản phải ghi rõ thời gian, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; đặc điểm nhận dạng như giới tính, thể trạng, tình trạng sức khỏe; tài sản hoặc đồ vật khác của trẻ, nếu có; họ, tên, giấy tờ chứng minh nhân thân, nơi cư trú của người phát hiện trẻ bị bỏ rơi. Biên bản phải được người lập, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người làm chứng (nếu có) ký tên và đóng dấu xác nhận của cơ quan lập.

Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại cơ quan lập, một bản giao cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.

2. Sau khi lập biên bản theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi.

3. Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.”

Vo chong hiem muon muon mang tre bi bo roi ve nuoi phai lam gi?
Ảnh minh họa 

Như vậy, anh và vợ anh không thể ngay lập tức làm giấy khai sinh cho bé mà phải thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền (UBND cấp xã, công an) về trẻ bị bỏ rơi. UBND cấp xã sẽ lập biên bản và tiến hành niêm yết công khai về việc đứa trẻ bị bỏ rơi.

Hết thời hạn 7 ngày mà không có cha, mẹ đến nhận trẻ thì anh mới được làm khai sinh cho bé. Thủ tục cần có Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu quy định và biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi.

Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ nêu trên nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh Sổ hộ tịch; cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân. Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

Luật sư Trần Đăng Sĩ

(Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI