Vợ chồng gọi nhau bằng gì?

15/06/2022 - 20:36

PNO - "Đẻ ơi" là tiếng gọi thân thương, là sự cảm ơn sâu sắc với vợ tôi, người đã sinh cho tôi hai con gái xinh xắn, ngoan ngoãn.

Mỗi cặp vợ chồng thường có cách xưng hô (gọi nhau) rất riêng. Ba tôi khi còn sống thường hay gọi mẹ là “bả ơi”, mẹ thì gọi lại là “ổng ơi” hoàn toàn không giống “bà ơi” hay “ông ơi” nên tôi vẫn thấy có gì đó thân thiết, âu yếm mà không quá… già! 

Ông nhạc tôi thì vẫn hay gọi bà nhạc là “mụ ơi”. Có lần tôi hỏi “sao ba gọi mẹ là mụ” thì ông cười đáp: “Mụ ơi là “em ơi” của người già ở miền Trung đó!”. Nghe câu này của ông nhạc, bà nhạc mắng yêu: “Ông già mà bày đặt…”.

Có vợ chồng gọi nhau là “cậu”, “tớ”, thoạt nghe thì ngồ ngộ, ít thân mật nhưng thực ra cũng nồng nàn lắm! Còn tiếng “mình ơi” thì quả là thân thương, trìu mến nhưng hình như hơi… xưa rồi, bây giờ chẳng còn nghe ai kêu nữa.

Hay tiếng “chồng ơi”, “vợ ơi” cũng vui vui, ngộ ngộ, bởi nó vừa thân mật, gần gũi mà như đang “trêu nhau”, theo cách mà đám trẻ trai gái vẫn hay gọi nhau dù chẳng phải là bồ bịch hay vợ chồng gì.

Cũng có vợ chồng gọi tên và xưng “anh” hoặc “em”, nghe cũng rất hay; bất chợt nghe “em Tuyết ơi, anh bảo cái này”, thì được trả lời “anh Sang chờ em tí” thì cũng rất riêng. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Những vợ chồng có tuổi thì tiếng gọi nhau nghe ít tình cảm. Tôi nhớ ông nội tôi hay gọi “mẹ bay”, “mẹ mày” và xưng “tao” hoặc “tôi”. Ông nội tôi gia trưởng, vợ con thường phải khép nép, e dè nên tiếng xưng hô cũng tỏ ra xa cách.

Tôi không biết hồi trẻ thì ông bà gọi nhau là gì, chứ tiếng “cha bay” hay “ông nội bay” thì tôi vẫn thường nghe bà nội tôi hay gọi. Với nhiều người già khác, gọi nhau là “ông, bà” hoặc “ông ngoại/nội, bà ngoại/nội” cũng khá phổ biến. Tiếng gọi nghe thì thân mật nhưng hình như thiếu cái tình tứ của tuổi trẻ!

Bây giờ, nhiều vợ chồng hay gọi nhau là “ba”, “mẹ”. Người chưa có con, gọi nhau như thế để mong muốn mau có con; người đã có con thì gọi theo cách gọi của con. Cách nào cũng hay, cũng thân mật, trìu mến. 

Hiện nay, không ít vợ chồng gọi nhau là “chồng”, “vợ” và khi nhắn nhau qua điện thoại hoặc các trang mạng xã hội vẫn dùng cách viết khá “teen” là ck và vk. Đối với một số người, cách gọi này có thể hơi “kỳ” nhưng có hề gì, miễn “người trong cuộc” thấy vui vẻ là được.

Gọi nhau là “anh, em” thì vẫn là cách gọi phổ biến nhất. Ngày trước, chỉ vợ chồng trí thức (Tây học) mới gọi nhau như thế; ở nông thôn mà nghe vợ chồng gọi “anh em”, nếu chê thì người ta gọi là “sến”, còn nếu khen thì gọi là “tình”. Bây giờ, “anh em” là tiếng gọi của hầu hết các đôi vợ chồng, dù ở thành hay ở huyện. Ở tuổi nào, tiếng gọi đó vẫn nghe thân thiết, tình cảm.

Vợ chồng thầy chủ nhiệm cũ của tôi hồi phổ thông, đã quá tuổi “xưa nay hiếm” vẫn gọi là “anh em” rất dịu dàng, nồng ấm. Dù vậy, ở một số gia đình có “trục trặc”, tiếng “anh em” chẳng qua là cách xưng hô theo thói quen, chứ không hẳn mang yếu tố tình cảm.

Vợ chồng tôi vẫn gọi nhau là “anh, em” như phần lớn các vợ chồng khác và hầu như không bao giờ gọi tên. Các con cũng chỉ gọi là “ba, mẹ” chứ không kèm theo tên như một số gia đình khác. Nhưng khi chỉ có người trong nhà, tôi hay gọi vợ “đẻ ơi”, như là cách gọi rất riêng của gia đình. 

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Tiếng “đẻ ơi” mới nghe tưởng đơn giản là cách gọi lúc vợ tôi sinh em bé, nên có người cười: “Đẻ lâu lắm rồi mà còn kêu đẻ gì nữa!”. Quả có vậy, hai con chúng tôi cũng đã lớn, vợ chồng tôi cũng không có ý định sinh thêm con nữa, nhưng tiếng “đẻ ơi” gọi từ hồi sinh con đầu lòng, nay đã gần hai chục năm, vẫn còn thường trực. Ít ra biết rằng tiếng gọi đó là tiếng gọi thân thương, là sự cảm ơn sâu sắc với vợ tôi, người đã sinh cho tôi hai con gái xinh xắn, ngoan ngoãn.

Hồi sinh con đầu lòng, vợ tôi sinh khó, gặp nguy hiểm, nhưng ơn ông bà phù hộ, rồi cũng mẹ tròn con vuông, trong niềm vui khôn tả của họ hàng. Vì vậy, “đẻ ơi” vẫn luôn là sự nhắc nhở ba cha con tôi phải nhớ công lao vất vả của người phụ nữ trụ cột ấy trong gia đình.

Mỗi gia đình thế nào cũng có nét riêng trong sinh hoạt, xử sự, xưng hô. Với gia đình tôi, tôi luôn tự hào về tiếng “đẻ ơi” đó. Nghe tôi gọi, lâu lâu các con cũng bắt chước gọi “đẻ ơi”, thế nào rồi cũng nghe tiếng cười vui vẻ với niềm xúc cảm trào dâng của tất cả mọi người… 

Trúc Giang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI