Vợ chồng giận nhau, mẹ nhịn còn tôi cãi đến cùng

21/04/2017 - 06:30

PNO - Cãi nhau để giải tỏa cũng là một cách tốt để điều hòa tâm lý của vợ chồng miễn đừng dùng “bạo lực” để giải quyết.

Ông bà ta có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê” để răn dạy về các ứng xử của người vợ trong gia đình. Mẹ tôi là người hoàn toàn tuân thủ theo lời dạy đó và thường xuyên nhắc nhở tôi phải biết “nhịn” chồng mà sống.

Không biết có phải nhờ vậy không mà đến giờ, ba mẹ vẫn sống yên ấm bên nhau dù ba tôi là người rất nóng tính.

Vo chong gian nhau, me nhin con toi cai den cung
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi nghe vậy nhưng chưa bao giờ xác định mình sẽ làm theo. Bởi những gì chứng kiến từ cuộc hôn nhân của ba mẹ, tôi thấy mẹ thiệt thòi quá. Có những chuyện, ba sai rõ ràng, mẹ cũng thấy rất uất ức nhưng chỉ dám nói nhẹ nhàng, ba nổi khùng lên là mẹ im lặng ngay.

Và cứ như thế, ba tự cho mình là đúng, chuyện gì cũng tự ý làm chứ chẳng bao giờ hỏi ý kiến của mẹ. Hình như, cái tính gia trưởng của ba ngày càng “nặng” thêm một phần cũng do mẹ quá chịu đựng.

Có lẽ, tôi ảnh hưởng của ba nên khá nóng tính, tôi chẳng nhịn được như mẹ. Ngay từ ngày mới yêu, chồng tôi cũng hiểu rõ tính cách này. Và tôi cũng ít khi chọn cách im lặng mỗi lần hai đứa giận nhau, cứ phải cãi cho bỏ tức. Mà sau khi cãi nhau thì hai người đều vỡ lẽ nhiều chuyện còn nếu ôm khư khư, giận từ ngày này sang tháng nọ mâu thuẫn cứ tích tụ dần.

Sau khi cưới cũng vậy, anh làm sai điều gì là tôi nói cho đến tận cùng. Có thể, lúc đó cả hai đều nóng nảy nhưng sau khi “xả” xong lại thấy nhẹ nhàng hơn. Mà chưa kể, nếu mình cứ im lặng hoài, đối phương lại được thể “đằng chân lân đằng đầu”, càng về sau càng lếp vế.

Tôi nhớ, khi mình mới sinh con được hai tuần thì tình cờ phát hiện hình một cô gái trong điện thoại của chồng kèm theo tin nhắn thăm hỏi. Vì mẹ sang chăm cháu nên tôi hỏi mẹ nên xử trí như thế nào. Mẹ khuyên tôi im lặng, giờ làm ầm lên lại tan cửa nát nhà, đàn ông có chút tán tỉnh ở ngoài khi vợ mình đang ở cữ là điều dễ hiểu.

Vo chong gian nhau, me nhin con toi cai den cung
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quả thực, hồi đó mà tôi im lặng, không khéo tôi bị “trầm cảm sau sinh” vì uất ức trong lòng. Tôi nhất quyết làm rõ trắng đen, chồng tôi cuống cuồng giải thích, tôi cũng sáng rõ vài điều. Cô bé ấy mới vào làm ở công ty, được anh hướng dẫn tập sự nên tìm cách tiếp cận.

Nếu tôi cứ im lặng, những nghi ngờ ngày càng lớn, chưa kể tôi sẽ suy diễn và tưởng tượng đủ điều về mối quan hệ đó. Cãi nhau để giải tỏa cũng là một cách tốt để điều hòa tâm lý của vợ chồng miễn đừng dùng “bạo lực” để giải quyết là được.

Trái với cách sống của tôi, chị gái tôi là người nhu mì, tính tình có phần giống mẹ. Vợ chồng chị chưa bao giờ to tiếng với nhau bởi khi giận nhau, chị đều im lặng nhẫn nhịn rồi tìm cách làm hòa với chồng.

Nhưng đùng một cái, hai người ra tòa ly hôn. Lý do anh rể tôi đưa ra là do vợ không có chính kiến, cái gì cũng ậm ờ cho qua nên cuộc sống hôn nhân rất nhàn nhạt. Chị tôi uất ức kể ra một loạt “thói hư tật xấu” của chồng mà bấy lâu nay chị im lặng chịu đựng.

Càng nói càng thấy hai người không có điểm gì chung cả, mâu thuẫn đến mức không thể hòa giải. Khi chị nói chị rất khó chịu vì anh thường hút thuốc trong phòng, anh mới ngớ người: “Sao em không nói”, chị bảo: “Nói ra để mà gây nhau à”.

Thế mới thấy, phụ nữ chọn cách im lặng để chịu đựng chưa phải là giải pháp tốt cho hạnh phúc gia đình, bởi khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm như quả bóng quá căng chỉ còn cách phát nổ.

Có thể nhiều người phản đối quan điểm của tôi: vợ chồng giận nhau: im lặng là dại, cãi lại mới khôn. Nhưng qua thực tế, đó là cách tốt nhất để giải tỏa căng thẳng và giải quyết mâu thuẫn. Bởi không phải ai cũng sáng suốt để tự nhận ra mình sai nếu như không có sự phản ứng lại của người phối ngẫu.

Một bên cứ im lặng, bên kia sẽ nghĩ mình luôn đúng, tâm lý coi thường sẽ xuất hiện làm lệch cán cân hôn nhân. Tuy nhiên, cãi nhau ở đây không có nghĩ là dùng lời lẽ thô tục nặng nề hay sử dụng vũ lực để giải quyết mà cần nói cho nhau nghe ý kiến của mình về vấn đề đó.

Còn nếu chọn cách im lặng, hòa bình có thể được thiết lập lại nhanh chóng nhưng không bền vững vì mâu thuẫn không được giải quyết triệt để. Tôi nghĩ, trong hôn nhân, ai cũng có quyền nói lên tiếng nói cũng mình để hai bên hiểu nhau hơn. Càng hiểu nhau, tình cảm càng gắn bó và dễ dàng điều chỉnh cuộc sống gia đình cho phù hợp.

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI