Vợ chồng già

18/07/2015 - 18:40

PNO - PN - Những tiếng thở dài của ông ngày một nhiều. Nỗi bực dọc dần dần không còn kiềm chế được. Ông gọi bà về: “Bà để tôi thế này đến bao giờ?”. “Nhưng nó chưa thuê được người giúp việc”. “Ô hay, không thuê được thì bà ở luôn với nó à?”. “Cái ông này tị cả với cháu sao?”. Ông ớ ra, bà nói thế chẳng hóa ra ông là người ông tệ bạc. Lại đành nuốt giận.

Vo chong gia

Ông dứ cái điện thoại cho tôi: “Mày bấm số điện thoại của bà hộ bác…”. Một cuộc nói chuyện khá căng thẳng. Lại điện tiếp. Lại to tiếng, cáu gắt. Rồi ông quay vào cầm cốc nước lọc uống ừng ực như để nuốt giận… Tôi khẽ khàng: “Bác sang nhà cháu đánh cờ cho thoải mái, để cháu chuẩn bị cơm nước luôn”. Lúc ấy, tôi cảm giác như khóe mắt bác nước mắt đang chực trào. Ông nói trong tiếng thở hắt ra: “Lần này bác gọi bà ấy về ký đơn”.

Tôi há hốc mồm. Bác tôi đấy, chỉ ngoài sáu mươi, mới buông tay việc nhà nước ba năm nay. Ba năm ấy vợ bác cũng biền biệt. Một ông già lọ mọ cơm niêu, nước lọ. Trước còn công tác, ông đi suốt nên ít buồn lòng. Giờ về nghỉ đang chông chênh, đã vậy nhìn đâu cũng thấy nhà trống. Anh con trai nói đón ông ra phố nhưng ông từ chối. Người ta về hưu thường về quê tĩnh dưỡng tuổi già, đời nào ông chịu đi ngược cái nếp ấy. Nhưng vợ ông thì khác, con cái chúng nó cần bàn tay của bà.

Đứa cháu nội lớn vừa tuổi đến trường thì đứa sau ra đời. Nói như bà thì máu mủ của mình, tự tay chăm bẵm bà mới yên lòng. Thế là ông một nơi, bà một nẻo. Thỉnh thoảng cuối tuần bà đảo về, tất bật sắp xếp cái này cái kia. Trách ông cả ngày có hai bữa cơm cũng lười đến thế, thức ăn khô bà làm sẵn, rồi nhắn nhủ tôi đi chợ giùm… Mỗi chiều chủ nhật, nhìn bóng bà tất tả ra khỏi nhà để lên phố, ông lại thở dài. Nhưng lòng cha mẹ nào chẳng thương con, thương cháu.

Cháu nội vừa cứng cáp, cháu ngoại chào đời. Vui chứ. Chẳng gì vui bằng con cháu đề huề, nội ngoại đủ tẻ nếp. Ông cũng hân hoan theo tiếng khóc chào đời, theo tiệc đầy tháng của cháu… nhưng rồi con gái ông thủ thỉ: “Con không hợp mẹ chồng. Mẹ giúp con một thời gian, đợi con thuê được người thì mẹ về…”. Gái út xưa nay được nâng niu, giờ nghe thủ thỉ bà lại xót ruột. Cũng chẳng gì bằng mẹ đẻ chăm con gái. Chỉ nghĩ được đến vậy, bà lại quên mất chồng; quên mất “con chăm cha không bằng bà chăm ông”… Vậy là bà lại đi. Ông tiếp tục một mình vò võ. Căn nhà không rộng lắm mà nhìn đâu cũng trống vắng. Nồi cơm nấu một bữa ăn cả ngày, khô cứng, rời rạc. Một mâm một bát, đôi lúc ông chẳng buồn ăn.

Những tiếng thở dài của ông ngày một nhiều. Nỗi bực dọc dần dần không còn kiềm chế được. Ông gọi bà về: “Bà để tôi thế này đến bao giờ?”. “Nhưng nó chưa thuê được người giúp việc”. “Ô hay, không thuê được thì bà ở luôn với nó à?”. “Cái ông này tị cả với cháu sao?”. Ông ớ ra, bà nói thế chẳng hóa ra ông là người ông tệ bạc. Lại đành nuốt giận.

Nhưng lần này có vẻ to chuyện. Ông ốm liên miên, bà có lúc biết lúc không. Lúc về được, lúc nói ông tự thu xếp vậy, vì các con đi làm, tôi không bỏ cháu được… Có những lần nhìn ông nằm một mình trong căn nhà vắng, tôi thấy nao lòng. Đúng là nhà thiếu bàn tay đàn bà, tổ ấm thành… tổ lạnh. Ông bảo: “Chúng nó ích kỷ đã đành, bà ấy cũng ích kỷ”.

Ngày họp gia đình, trước đông đủ mọi người, ông nói đề nghị ly hôn. Đám con cháu sững người, bà nhìn ông sửng sốt như sét đánh ngang tai. Ông rành mạch: “Sống thế này bố cũng chẳng khác ly hôn là mấy, vậy nên…”.

Bà khóc òa. Đám con cháu cúi gằm mặt.

Ông nhìn trân trân xuống đất, đôi tay thõng xuống thừa thãi. Ông cần bà như cần một người bạn già tình nghĩa trong tuổi xế chiều. Vậy thôi… Biết bao giờ bà và các con thôi nghĩ: ông đang tị với những đứa cháu của mình?

 ĐINH THUỲ HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI